Quốc hội Mỹ tính hạn chế quyền áp thuế quan của ông Trump

01/02/2019 12:00 - 453 lượt xem

Các nghị sỹ Mỹ ngày 30/1 trình một dự luật nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống Donald Trump trong việc áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia.

Theo tin từ Reuters, khả năng dự luật này được thông qua là không hề chắc chắn, nhưng cho thấy mối lo của các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ về chính sách thương mại của chính quyền ông Trump.

Năm ngoái, với lý do an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ đã mạnh tay áp thuế quan lên nhôm và thép nhập khẩu từ các quốc gia khác, dẫn tới sự chỉ trích của các nghị sỹ ủng hộ tự do thương mại và sự phản đối của các doanh nghiệp khi giá cả tăng lên trong chuỗi cung ứng.

Hai nhóm gồm các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã trình dự luật trên lên cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Dự luật đòi hỏi ông Trump phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ trước khi có bất kỳ hành động nào về thương mại như thuế quan và hạn ngạch theo Điều 232 của Đạo luật mở rộng về Thương mại Mỹ 1962. Pháp luật Mỹ hiện nay cho phép ông Trump được triển khai thuế quan và hạn ngạch theo điều này mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.

Hiện chưa rõ Quốc hội Mỹ có tổ chức bỏ phiếu đối với dự luật nói trên hay không. Tuy nhiên, dự luật phản ánh sức ép ngày càng lớn đối với các nghị sỹ Mỹ phải giải quyết những mối lo về thuế quan, đặc biệt là thuế quan đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) mới đạt được giữa Mỹ-Canada-Mexico vào cuối năm ngoái.

Nghị sỹ Cộng hòa Chuck Grassley từ bang Iowa, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, đã kêu gọi chính quyền ông Trump dỡ thuế quan đối với thép và nhôm từ Canada và Mexico trước khi Quốc hội bắt đầu xem xét thông qua NAFTA mới.

Nhiều doanh nghiệp và nông trại Mỹ đã lên tiếng ủng hộ NAFTA mới, nhưng nói rằng lợi ích của thỏa thuận này sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu Mỹ vẫn giữ thuế quan áp lên thép và nhôm từ Canada và Mexico và hai nước duy trì thuế quan trả đũa đối với nhiều mặt hàng của Mỹ.
Nguồn: VnEconomy
Quảng cáo sản phẩm