Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu cần tránh gây phiền hà

26/05/2009 12:00 - 948 lượt xem

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm cụ thể hoá các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, yêu cầu việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường như: Ký quỹ nhập khẩu phế liệu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng hoặc tổ chức tài chính do thương nhân nhập khẩu phế liệu lựa chọn. Có hợp đồng bảo lãnh nhập khẩu phế liệu của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính do thương nhân nhập khẩu phế liệu lựa chọn. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế phải có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu. Ngoài ra, chậm nhất 5 ngày trước khi tiến hành bốc dỡ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi đặt cơ sở sản xuất hoặc kho, bãi chứa phế liệu, cửa khẩu nhập, tuyến vận chuyển, bãi tập kết phế liệu và nơi đưa phế liệu về sản xuất.

Theo ông Vũ Ngọc Bảo- Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), Dự thảo vẫn còn nhiều điều bất cập ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành giấy nói chung. Cụ thể, việc tăng cường kiểm soát về mặt Nhà nước đối với việc nhập khẩu phế liệu là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là loại hình kinh doanh bình thường và áp dụng những biện pháp hợp lý, bằng các công cụ hiện có, tiện lợi cho doanh nghiệp chứ không nên sử dụng các hình thức phức tạp như giấy xác nhận, ký quỹ, các thủ tục để cấp giấy xác nhận, các thủ tục hải quan khi nhập hàng. Nên chăng, yêu cầu các thương nhân phải làm cam kết về pháp lý, hành chính cũng như đăng ký với các cơ quan hữu quan để qua đó giám sát họ thực hiện Luật Bảo vệ môi trường một cách nghiêm khắc nhất.

Cũng theo ông Bảo, nếu yêu cầu thương nhân nhập khẩu phế liệu phải đăng ký với cơ quan quản lý môi trường mới đủ điều kiện và hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu là vô lý và rất phức tạp lòng vòng, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc cam kết tài chính phải được doanh nghiệp ký quỹ nhập khẩu phế liệu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng hay một tổ chức tài chính nào đó do thương nhân nhập khẩu phế liệu tự chọn không thể thực hiện được. Hiện nay, hệ thống luật pháp của Việt Nam đã có nhiều biện pháp xử lý vi phạm kể cả về mặt tài chính, không thực hiện ký quỹ nhập khẩu phế liệu hoặc Hợp đồng bảo lãnh...bởi như vậy sẽ tăng chi phí sản xuất, gây tốn kém thời gian và chi phí cho thủ tục này cũng như làm cho môi trường kinh doanh thêm phức tạp.

Qua đây, VPPA cũng kiến nghị Dự thảo Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu này phải thay thế từ "phế liệu" bằng từ nguyên liệu thứ cấp để chỉ những thứ có thể tái chế lại như sắt, nhựa, thủy tinh, cao su.... Vì khi coi những phế liệu này là nguyên liệu thứ cấp, chúng ta sẽ có những tiếp cận thỏa đáng hơn đối với nguồn tài nguyên tái chế được và từ đó trực tiếp bảo vệ môi trường. Theo ông Bảo, những nước tiên tiến đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ này.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm