Quy định của EU về chống bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu

10/10/2008 12:00 - 2902 lượt xem

Luật chống bán phá giá của Liên minh Châu Âu ra đời năm 1968 và đã được sửa đổi và bổ sung nhiều lần chủ yếu nhằm đưa những nội dung mới của việc thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch 1994 (Hiệp định Chống bán phá giá 1994) vào luật của EU hiện nay. Luật chống bán phá giá áp dụng đối với tất cả các nước không phải là thành viên EU. Đối với các nước bị coi là chưa có nền kinh tế thị trường hoặc đang trong quá trình chuyển đổi, EU có thể áp dụng những điều khoản đặc biệt được quy định trong các hiệp định ký giữa EU với các nước thứ 3.

Luật sửa đổi năm 1996 đã đưa ra cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo 4 điều kiện: (i) mặt hàng đó đang bị bán phá giá (giá bán thấp hơn giá thương mại thông thường); (ii) ngành công nghiệp sản xuất mặt hàng đó đang bị đe dọa hoặc đang bị tổn thương vật chất; (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hàng nhập khẩu đó và tổn thương vật chất của ngành công nghiệp của EU; và (iv) việc áp đặt các biện pháp chống bán phá giá là vì lợi ích của Cộng đồng.

Bên làm đơn kiện chống bán phá giá có thể là một thể nhân, một pháp nhân, một hiệp hội hoặc một liên đoàn đại diện cho tối thiểu 25% tổng sản lượng mặt hàng đó tại các nước EU.

Một Uỷ ban Tư vấn gồm đại diện của các nước thành viên EU và do đại diện của Uỷ ban châu Âu làm chủ tịch sẽ xem xét đơn kiện. Uỷ ban châu Âu sẽ tiến hành điều tra chống bán phá giá nếu đơn kiện được đánh giá là cung cấp đầy đủ bằng chứng việc bán phá giá và những tổn thất vật chất. Uỷ ban châu Âu phải quyết định tiến hành điều tra hay khước từ đơn kiện trong vòng 40 ngày kể từ khi nhận được đơn kiện.

Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ cho đăng quyết định điều tra chống bán phá giá trên Công báo (The Official Journal of the European Communities). Quyết định này bao gồm tên sản phẩm sẽ bị điều tra, tên nước xuất xứ của sản phẩm đó và tóm tắt những thông tin EC đã nhận được, họ cũng nêu thời gian tiến hành điều tra, thời gian cho phép các bên hữu quan trình bày quan điểm của họ;

Tổng vụ Thương mại thuộc Uỷ ban châu Âu tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá. Trong trường hợp liên quan đến Việt Nam, Uỷ ban châu Âu sẽ tìm một nước có những điều kiện tương tự với Việt Nam để xác định trị giá thông thường của mặt hàng đang bị điều tra. Thường thường họ sẽ chọn các nước có giá cao hơn giá của các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để làm tăng biên độ phá giá của các vụ điều tra.

Mặc dù vậy, các nhà xuất khẩu mặt hàng đang bị điều tra vẫn có thể làm đơn xin được xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường (MES) nếu chứng minh được rằng họ hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường và không có sự can thiệp của nhà nước. Nếu đơn xin công nhận quy chế kinh tế thị trường được chấp nhận, giá trị thông thường sẽ được tính toán trên cơ sở các thông tin về giá thành do nhà xuất khẩu cung cấp. Trong trường hợp đơn xin công nhận quy chế thị trường bị từ chối, các nhà xuất khẩu vẫn có thể tìm cách chứng minh họ hoạt động không có sự can thiệp của nhà nước đối với đến giá xuất khẩu và như vậy họ có quyền yêu cầu được đối xử riêng rẽ (IT) khi EU tính toán thuế chống bán phá giá.

Trong một số vụ điều tra liên quan đến nhiều nhà xuất khẩu, do rất khó hoàn thành được việc điều tra trong một thời gian nhất định, EC có thể áp dụng việc lấy mẫu, tức là chọn một số công ty để điều tra kỹ và kết quả điều tra các công ty mẫu này sẽ là cơ sở để xác định thực trạng đối với các công ty không bị điều tra trực tiếp. Uỷ ban châu Âu chỉ tính toán trên cơ sở thông tin do các nhà xuất khẩu được chọn làm mẫu cung cấp để xác định biên độ phá giá cho các nhà xuất khẩu khác. Trong trường hợp này, tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn được chọn làm mẫu để được điều tra trực tiếp trên cơ sở thông tin của chính công ty mình.

Thời gian biểu và thủ tục điều tra chống bán phá giá như sau:

Ngày thông báo điều tra chống bán phá đăng trên Công báo

Các việc phải làm

Trong thời gian 10 ngày

Các nhà xuất khẩu bình luận về nước do EC chọn

Trong thời gian 15 ngày

Các nhầ xuất khẩu biểu thị mong muốn được chọn làm mẫu và cung cấp thông tin nêu trong thông báo tiến hành điều tra

Không muộn quá 15 ngày

Các doanh nghiệp không được nêu tên trong đơn kiện, thông báo cho EC mối quan tâm của họ và yêu cầu gửi bộ các câu hỏi

Từ 15 đến 21 ngày

Các nhà xuất khẩu gửi đơn xin công nhận quy chế kinh tế thị trường và yêu cầu được đối xử riêng rẽ

37 ngày kể từ ngày được thông báo nằm trong các doanh nghiệp được chọn làm mẫu

Các doanh nghiệp được chọn làm mẫu nộp bộ câu hỏi đã được hoàn tất và các hoạt động xuất khẩu của mình sang thị trường EU cho EC

Không muộn quá 9 tháng

Uỷ ban châu Âu có thể áp đặt thuế chống bán phá giá tạm thời

Trong vòng 15 tháng

Uỷ ban châu Âu có thể kết thúc điều tra. Uỷ ban châu Âu cũng có thể chấm dứt điều tra mà không áp đặt biện pháp chống bán phá giá hoặc áp đặt thuế chống bán phá cuối cùng hoặc kết thúc cuộc điều tra bằng việc chấp nhận cam kết giá của các doanh nghiệp thoả thuận xem xét lại chính sách giá của họ.

 

Trong trường hợp bị áp thuế chống bán phá giá, thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày áp thuế hoặc sau khi có kết luận xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá được tính toán theo thực tế phá giá hay biên độ phá giá.

Khi tình hình đã cho thấy rõ là EU sẽ áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể cân nhắc việc “cam kết giá” để tránh thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của mình. Cam kết giá là một hình thức của biện pháp chống bán phá giá mà theo đó nhà sản xuất của nước xuất khẩu cam kết sẽ tăng giá xuất khẩu của sản phẩm có liên quan vào thị trường EU tới mức độ không gây tổn thương, cũng không gây phá giá. Cam kết giá được đưa ra đàm phán với EC vào giai đoạn cuối của cuộc điều tra chống bán phá giá, khi mức thuế đã được EC tính toán trên cơ sở biên độ bán phá giá của các nhà xuất khẩu. Cam kết giá có thể được đàm phán đối với thuế chống bán phá tạm thời cũng như thuế chống phá giá cuối cùng. Khi EC chấp nhận cam kết giá thì EU sẽ không áp thuế chống bán phá tạm thời hay thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với việc nhập khẩu mặt hàng có liên quan sản xuất tại nước xuất khẩu đã cam kết giá. EC thường rất thận trọng khi chấp nhận hay khước từ cam kết giá của nhà xuất khẩu nước ngoài. Uỷ ban châu Âu thường không chấp nhận cam kết giá đối với các nhà xuất khẩu bất hợp tác hoặc không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra hoặc các nhà xuất khẩu không sản xuất hoặc không xuất khẩu mặt hàng liên quan trong thời gian điều tra.

Nguồn: thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm