Quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp của liên minh Châu Âu

10/12/2008 09:08 - 8655 lượt xem


IUU là tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (illegal, unreported and unregulated fishing). Quy định về IUU được EU ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này. Năm 2002, Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch hành động IUU, trên cơ sở triển khai một Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá IUU.


1/ Một số mốc chính và nguyên nhân ban hành Quy định IUU:

Năm 2002, Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch hành động IUU, trên cơ sở triển khai một Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động đánh bắt cá IUU.

Từ năm 2007, EC bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định IUU. Văn bản đề xuất đầu tiên của Quy định IUU được thông qua vào tháng 10/2007. Ngày 24/6/2008, văn bản này đã đạt được sự đồng thuận chính trị trong EU, sau đó được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua ngày 29/9/2008 (Quyết định số 1005/2008 kèm theo). Quy định IUU sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

Theo lập luận của EU, hoạt động đánh bắt cá IUU là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Các nguồn số liệu của EU ước tính hoạt động đánh bắt cá IUU chiếm tới 19% tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới hàng năm, tương đương 10 tỉ Euro. Phần lớn các hoạt động đánh bắt cá IUU được thực hiện bởi các nước đang phát triển.

Trong khi EU hiện là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới thì tại EU cũng có các nhà sản xuất, chế biến, buôn bán và xuất khẩu thuỷ sản lớn, với mạng lưới trao đổi khắp các châu lục. Năm 2007, EU đã nhập gần 16 tỉ Euro các sản phẩm thủy sản, trong đó nhập để chế biến và xuất khẩu chiếm ước khoảng ½. Ước tính hàng năm, EU nhập khoảng 1,1 tỉ Euro các sản phẩm đánh bắt cá có được từ hoạt động IUU. Chính vì vậy, EU là thị trường tiềm năng cho tổ chức đánh bắt IUU mà một nguyên nhân quan trọng là do thiếu cơ chế kiểm soát, truy nguyên nguồn gốc khiến các sản phẩm đánh bắt thuộc diện IUU dễ dàng được chuyển hoá qua thị trường EU. Do đó, việc xây dựng, ban hành và thực hiện Quy định IUU là cần thiết và không thể tránh khỏi. Đó cũng là việc thể hiện trách nhiệm của EU đối với cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá IUU.

2/ Tóm lược một số nội dung quan trọng của Quy định IUU:

2.1 Chương I nêu các nguyên tắc và định nghĩa chung, trong đó nêu rõ Quy định sẽ áp dụng đối với:

- Mọi tàu đánh bắt không phân biệt cờ hiệu hay quốc tịch của tàu đó;

- Mọi hoạt động đánh bắt cá tại tất cả các vùng nước đại dương;

- Tất cả các sản phẩm thuỷ sản được chế biến hoặc chưa qua chế biến (không bao gồm các sản phẩm được nêu trong Phụ lục I của Quy định IUU).

Theo Quy định, một tàu hoặc tổ chức đánh bắt cá được cho là có dính líu tới hoạt động IUU nếu có dấu hiệu cho thấy đã vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn được áp dụng tại khu vực liên quan, hoặc việc đánh bắt cá không có giấy phép hợp lệ, được thực hiện trong vùng biển gần; thực hiện vào mùa cấm đánh bắt; sử dụng các phương tiện đánh bắt bị cấm; không chấp hành các quy định bắt buộc về chế độ báo cáo, giả mạo nhận dạng hoặc cản trở việc điều tra…

Các quy định chi tiết kỹ thuật trên được nêu trong phần Catch Certification Scheme (xem văn bản Technical Note – IUU Regulation kèm theo báo cáo này).

2.2 Chương II là quy định dành cho các nước thành viên EU về việc kiểm tra một tàu đánh bắt cá thuộc nước thứ 3.

Chương này quy định việc tiếp cận dịch vụ cảng biển, cập bến và chuyển tải của một tàu đánh bắt cá từ nước thứ 3 sẽ chỉ được diễn ra dưới sự cho phép của cảng biển được một nước thành viên chỉ định. Chủ tàu này phải thông báo cho cơ quan chức năng của nước thành viên đó ít nhất 3 ngày làm việc trước thời điểm dự kiến giao dịch, đồng thời phải thông báo về loại sản phẩm, địa điểm đánh bắt và nơi tàu đánh bắt được đăng ký. Ngoài ra, chủ tàu (hoặc đại diện được uỷ quyền hợp pháp) phải trình số liệu về khối lượng sản phẩm theo từng loài, thời gian và địa điểm sẽ cập cảng hoặc chuyển tải.

Một tàu sẽ không được phép cập bến, chuyển tải hoặc giao dịch tại cảng của một nước thành viên EU nếu việc điều tra cho thấy bằng chứng rằng tàu đó có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá IUU. Các tàu đánh bắt cá có tên trong Danh sách IUU của EU sẽ không được phép cập cảng tại bất kỳ một nước thành viên EU nào (ngoại trừ trường hợp bất khả kháng hoặc gặp nguy hiểm)…

2.3 Chương III quy định về việc xuất nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản, theo đó mọi hoạt động thương mại các sản phẩm thuỷ sản có được từ hoạt động đánh bắt IUU đều bị nghiêm cấm. Các sản phẩm thuỷ sản được nhập khẩu vào EU phải có Giấy chứng nhận đánh bắt. Cơ quan chức năng của nước có tàu đánh bắt phải xác nhận rằng thuỷ sản được đánh bắt trên tàu là phù hợp với quy định của pháp luật và các quy định quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản. Chứng nhận này phải được hợp thức bởi cơ quan có thẩm quyền. Chứng nhận này áp dụng cho tất cả các sản phẩm đã chế biến hoặc chưa qua chế biến, trừ cá nước ngọt, cá cảnh và một số loại thân mềm khác (được nêu trong Phụ lục I).

2.4 Chương IV quy định về hệ thống cảnh báo tại EU. Hệ thống này giúp các cơ quan thẩm quyền đưa thông tin một cách nhanh nhất về các trường hợp vi phạm, đảm bảo tính minh bạch, công khai. EC có trách nhiệm đăng tin trên website chính thức cũng như Công báo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời cần kịp thời thông báo cho nước liên quan biết về quyết định đó.

2.5 Chương V, VI và VII quy định EC sẽ được trao quyền thực hiện các biện pháp xử lý tiếp theo đối với các tàu đánh bắt dính líu đến hoạt động IUU hoặc với những nước thứ 3 không hợp tác với EU. Một tàu đánh bắt sẽ bị đưa vào danh sách IUU nếu nước chủ quản không đáp ứng yêu cầu của EC. Việc đưa ra khỏi danh sách sẽ được thực hiện nếu trong vòng 2 năm liên tiếp sau đó, không có thông tin cho thấy tàu đó còn dính líu đến hoạt động IUU.

EC cũng sẽ coi một nước thứ 3 là không hợp tác và bị đưa vào Danh sách các nước không hợp tác nếu nước đó không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ theo luật quốc tế và đăng trên Công báo cũng như website của EC. Mọi trao đổi thương mại về thuỷ sản, trực tiếp hoặc gián tiếp với nước này vì vậy cũng bị cấm và sẽ chỉ được dỡ bỏ khi nước này cải thiện được tình hình theo quy định.

2.6 Chương VIII quy định một số nghĩa vụ khác đối với các nước thành viên EU, theo đó nghiêm cấm mọi quốc gia thành viên có liên quan hay ủng hộ các hoạt động đánh bắt cá IUU.

2.7 Chương IX quy định một số biện pháp cưỡng chế, trừng phạt các trường hợp vi phạm nghiêm trọng khi các tổ chức đánh bắt cá có dính líu hoặc hậu thuẫn hoạt động IUU, gồm cả thương mại. Theo đó, EU có quyền áp đặt một khoản phạt trị giá tối đa gấp 5 lần giá trị lô hàng thuỷ sản vi phạm, gấp 8 lần nếu tái phạm và trong thời hạn 5 năm đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

2.8 Chương X, chương XI và chương XII quy định những điều khoản về việc hợp tác, trao đổi thông với các RFMO (Tổ chức quản lý đánh bắt cá khu vực), giữa các quốc gia thành viên EU, giữa EU với các nước thứ 3 trong các hoạt động phòng chống, ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động đánh bắt cá IUU.

Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn

Quảng cáo sản phẩm