Quyết liệt chống gian lận xuất xứ hàng hóa

21/08/2020 12:00 - 169 lượt xem

Hiện nay, tình trạng hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (XK) đi nước ngoài nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chống gian lận xuất xứ hàng hóa, lẩn tránh các biện pháp PVTM đang là yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam và doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước.

Gian lận xuất xứ hàng hóa gia tăng

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới thông qua hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết, thực thi. Điều này tạo ra các lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam về thuế quan, thị trường XK. Chính vì vậy đã nổi lên tình trạng hàng hóa các nước khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để XK. Cùng với đó, trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu liên tục gia tăng, thời gian qua đã có hiện tượng hàng hóa của nước khác đang bị áp dụng biện pháp PVTM chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM. Tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ảnh hưởng tới thương hiệu hàng hóa Việt Nam mà còn gia tăng nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị các nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp PVTM, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch XK.

Thông tin từ Cục PVTM, Bộ Công Thương cho thấy, các biện pháp hạn chế thương mại trên thế giới thời gian qua tiếp tục xu thế gia tăng. Tính đến tháng 6-2020, Bộ Công Thương đã xử lý 176 vụ việc PVTM do nước ngoài áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, 6 vụ việc có khả năng bị điều tra trong thời gian tới (lớn hơn số lượng vụ việc của cả năm 2019). Sản phẩm XK bị điều tra rất đa dạng, trong đó mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ, thép đang có xu hướng tăng.

Liên quan tới mặt hàng gỗ, đồ nội thất từ gỗ, Tổng cục Hải quan cho biết, từ tháng 8-2019 tới tháng 6-2020, kiểm tra sau thông quan 12 DN thì cả 12 DN vi phạm xuất xứ Việt Nam. Theo đó, DN nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (khoan lỗ, chà nhám và sơn), lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail) không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hình thức gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa XK, nhập khẩu ngày càng tinh vi. Từ kết quả kiểm tra, xác minh thấy nổi lên một số phương thức gian lận phổ biến như: DN đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn thuộc các công đoạn sản xuất giản đơn; các DN thực hiện nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác... Đáng chú ý, qua công tác điều tra chống buôn lậu, ngành hải quan phát hiện có DN không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho không ít DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: Ngày 4-7-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QÐ-TTg  phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ". Đề án nhấn mạnh nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đặt ra đối với từng bộ, ngành liên quan. Thực hiện đề án, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách các sản phẩm có nguy cơ bị hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế; rà soát xác định các giao dịch, DN xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, để đẩy lùi vấn nạn gian lận nguồn gốc xuất xứ, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ cần có sự chung tay, vào cuộc của các ngành sản xuất, các DN. Theo đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN chủ động xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đa phương hóa thị trường XK để phân tán rủi ro, tránh tập trung XK với khối lượng lớn vào một thị trường; có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra chống lẩn tránh đang ngày càng gia tăng hiện nay. Đặc biệt, các DN, ngành hàng cần hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh cho các cơ quan điều tra thấy mình không bán phá giá hay lẩn tránh thuế.

Về phía ngành hải quan, ông Nguyễn Hùng Anh cho hay: Từ tháng 8-2019, Tổng cục Hải quan đã thành lập tổ công tác đặc biệt để thực thiện chuyên đề chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Tới nay, bước đầu kịp thời ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan Việt Nam ký kết với các nước để thực hiện hành vi vi phạm xuất xứ Việt Nam. Thời gian tới, hoạt động kiểm tra sau thông quan, điều tra xác minh hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tiếp tục là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành.
 
Quảng cáo sản phẩm