Rơi vào 'tầm ngắm', xuất khẩu gỗ cần thận trọng tại thị trường Mỹ

26/06/2020 12:00 - 242 lượt xem

Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ mặc dù đạt được sản lượng và mức tăng trưởng tương đối đều trong thời gian qua. Song chứa đựng nhiều rủi ro, bất trắc do đang rơi vào 'tầm ngắm' của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) tại thị trường khổng lồ này.

5 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2020 đạt 771,7 triệu USD, giảm hơn 15% so với tháng 5/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 547,9 triệu USD, giảm gần 13% so với tháng 5/2019.

Lý giải về sự sụt giảm này, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2020 giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều thị trường nhập khẩu chính đã dừng, hoãn các đơn hàng đặt trước và các đơn đặt hàng mới trong trong qúy II/2020 hầu như chưa có.

"Trong tháng 5, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Canada, EU... khiến cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian, dừng hoạt động giao hàng, thậm chí là hủy đơn hàng, kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.

Tuy nhiên, nỗ lực vượt lên trên khó khăn, trong 5 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, tăng nhẹ gần 1% so với cùng kì năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,8 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường chính vẫn có tăng trưởng. Trong đó, Mỹ - thị trường quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta có mức tăng hơn 9% so với cùng kì năm 2019, đạt 2 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 49,4% tổng trị giá xuất khẩu trong 5 tháng.

Song, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhiều khó khăn vẫn đang còn ở phía trước khi dịch covid - 19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho đến nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới.

Hơn nữa, hiện hầu hết các doanh nghiệp gỗ nước ta vẫn chưa kí được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 - 2021, nhiều DN đối diện với nguy cơ ngừng hoạt động. Riêng tại thị trường Mỹ, mặc dù hiện nhiều tiểu bang bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và quay trở lại với các hoạt động kinh tế nhưng tình hình đại dịch vẫn còn diễn biến tương đối phức tạp tại nước này nên triển vọng xuất khẩu gỗ không cao.

Nhiều rủi ro rình rập khi rơi vào "tầm ngắm" phòng vệ thương mại

Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ mặc dù đạt được sản lượng và mức tăng trưởng tương đối đều trong thời gian qua, nhưng các chuyên gia kinh tế lo lắng còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến từ nguy cơ bị áp dung các biện pháp PVTM.

Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, mặt hàng gỗ bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ việc PVTM nhưng mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007 – 2017 mới chỉ có 3 vụ việc với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 4 vụ với sản phẩm này.

Đơn cử, gần đây nhất, ngày 17/6/2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Trong trường hợp DOC kết luận sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam lẩn tránh thuế PVTM đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất đang áp với Trung Quốc, tương ứng thuế phá giá: 183,36%; thuế chống trợ cấp: 22,98% - 194,9%.

Nhằm ứng phó hiệu quả với các vụ việc PVTM, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ván cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ. Trong thời gian qua, Mỹ thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn.

Đồng thời, cần chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu; xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, về lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang ngày càng gia tăng hiện nay thì doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; tiến tới xây dựng ngành chế biến gỗ bền vững, sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như quy định của thị trường xuất khẩu.
Quảng cáo sản phẩm