Sức ép từ áp lực phòng vệ thương mại

09/03/2018 12:00 - 2476 lượt xem

Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tác động tới tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư vào Việt Nam

Tiếp tục trong năm 2018 này, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ có hiệu lực được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thu hút đầu tư. Nông nghiệp đang có đà, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu… Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các biện pháp phòng vệ thương mại chắc chắn sẽ nở rộ trong năm nay, tác động tới tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư vào Việt Nam. Vấn đề này không chỉ còn là câu chuyện nghe xa vời như vài năm trước mà đang thực sự hiện hữu.

Áp lực đã hiện hữu

Những ngày gần đây, tâm điểm của câu chuyện bảo hộ thương mại đang tập trung ở Hoa Kỳ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hàng loạt quyết định áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu vào nước này. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2017, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra 79 vụ việc chống bán phá giá và chống trợ cấp, tăng tới 65% so với năm 2016.
Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố nhiều khả năng sẽ chính thức áp mức thuế cao trong dài hạn đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Đây là tín hiệu cảnh báo về những rủi ro thương mại mà Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác phải đối mặt. Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, thị trường chứng khoán quốc tế đã bắt đầu biến động.

Theo báo cáo phân tích mới đây của CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thông tin về việc ông Trump tuyên bố đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm khiến các thị trường chứng khoán chủ chốt tại khu vực châu Á đã đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần (2/3) trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại động thái đánh thuế mạnh đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Hoa Kỳ sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể, theo BVSC, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,5% giá trị trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc cũng mất 1% giá trị. Giảm mạnh nhất là cổ phiếu của các hãng thép châu Á như cổ phiếu hãng thép Hàn Quốc Posco giảm 3%, cổ phiếu hãng thép Nhật Nippon Steel giảm 4%.

“Chúng tôi cho rằng sở dĩ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu phản ứng tiêu cực trước thông tin trên do lo ngại động thái của ông Trump sẽ châm ngòi cho các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại như châu Âu, Canada và đặc biệt là Trung Quốc. Và nếu một cuộc chiến tranh thương mại thực sự xảy ra thì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới”, báo cáo phân tích nêu rõ.

Các chuyên gia về thương mại quốc tế cảnh báo, vụ việc khởi xướng kép lần này là sự khởi đầu, báo hiệu cho nhiều vụ việc tương tự sẽ xảy ra tiếp theo không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn bất cứ nước nào khác.

Đối với Việt Nam, tính đến nay Việt Nam đã bị điều tra hơn 120 vụ việc phòng vệ thương mại. Con số này chưa phải là lớn nếu tính chung từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào thương mại toàn cầu. Tuy nhiên các vụ việc lại bắt đầu có chiều hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây.

Chỉ trong năm 2017, Hoa Kỳ đã khởi xướng 2 vụ việc chống bán phá giá với sợi và tủ đựng dụng cụ, và 2 vụ việc tự vệ có liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam là máy giặt và pin năng lượng mặt trời.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, trong 11 tháng năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm máy giặt vào Mỹ trị giá 537,7 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức 795.000 USD năm 2015. Một số liệu khác cho thấy có sự liên quan mật thiết giữa ảnh hưởng của quyết định áp thuế từ Hoa Kỳ đối với thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đó là quyết định áp thuế này nhằm vào 2 nhà sản xuất là Samsung (vị trí quán quân trên thị trường máy giặt Hoa Kỳ với 19,7% thị phần), và LG (đứng thứ 3 với 16,8%).

Thực tế cho thấy, do đã lường đón trước các động thái của Hoa Kỳ, Samsung đã phải xây dựng một nhà máy sản xuất máy giặt ở đây và tuyển hơn 600 công nhân làm việc tại nhà máy mới này. Theo chân Samsung, LG cũng đang chuẩn bị xây dựng nhà máy mới tại Mỹ. Như vậy, ở một chừng mực nào đó, việc này sẽ ảnh hưởng tới đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các nhà máy ở Việt Nam.

Đối với sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời, hiện Việt Nam vẫn chưa có nhà máy sản xuất quang điện quy mô lớn được vận hành, nhưng hiện đã có hơn 50 dự án lớn đang lên kế hoạch thực hiện. Phần lớn các dự án này đều đã có giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều nhà sản xuất từ Trung Quốc, Hoa Kỳ… cũng đang rục rịch tìm hiểu để mở nhà máy sản xuất sản phẩm này. Với quyết định đánh thuế của Mỹ, chắc chắn các kế hoạch này cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng.

Không chỉ Hoa Kỳ, một số thị trường xuất khẩu lớn khác đã khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam. Như thị trường Úc trong hai năm 2016-2017 đã liên tiếp khởi xướng 5 vụ việc phòng vệ thương mại với Việt Nam, trong đó có hai vụ việc điều tra kép chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép mạ kẽm và nhôm ép. Thị trường Canada điều tra kép chống bán phá giá, chống trợ cấp với khớp nối bằng đồng… Bên cạnh đó, nếu như trước đây các mặt hàng bị áp dụng phòng vệ thương mại chủ yếu là thuỷ sản, các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ như đinh, thép, thước đo… thì nay đã bắt đầu mở rộng sang các nhóm hàng lớn.

Xu hướng tích cực vẫn tồn tại

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, đối với Việt Nam, các mặt hàng cụ thể như thép nhôm tác động có thể không đến mức quá tiêu cực, lý do là tỷ lệ xuất khẩu của nước ta sang các công ty còn nhỏ.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tạo ra các yếu tố tích cực.

Thứ nhất, trong thế giới đầy biến động hiện nay, các DN và cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng cần phải rất khôn khéo và phải đặt vấn đề nhìn nhận rủi ro và đánh giá quản trị rủi ro cả ở mức hoạch định chính sách.

Thứ hai là, trong cùng đánh giá nhìn nhận lại từ việc chuyển đổi sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác thị trường cũng có tác động tích cực ở chỗ sẽ thúc đẩy buộc DN phải chuyển dịch để hạn chế rủi ro nhất là ở mức trung hạn.

Ông Võ Trí Thành cũng nhận định, xu hướng, chính sách liên quan bảo hộ, các tư tưởng chủ nghĩa cực đoan… còn kéo dài nên trong giai đoạn này, Việt Nam phải làm quen với trạng thái bình thường mới, đó là các yếu tố bất định trong thương mại toàn cầu gia tăng.

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta vừa phải có nỗ lực ngắn hạn là hồi phục kinh tế, song cũng phải cải cách cơ cấu để đón xu hướng mới. Tức là vừa quản trị rủi ro, hạn chế bất định cùng biện pháp hồi phục kinh tế, có tăng trưởng nhưng lại phải đẩy mạnh tái cấu trúc, cải cách thể chế để thích ứng, đáp ứng xu thế mới.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng trấn an, mặc dù khó khăn nhưng các xu hướng tích cực, thúc đẩy quá trình hội nhập vẫn tồn tại, đơn cử như hội nghị cấp cao APEC vừa rồi, hoặc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký tới đây và đưa vào hiện thực hoá dù không còn Hoa Kỳ, kế đến là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang trong nỗ lực đẩy nhanh ký kết vào cuối năm nay… Những điều này cho thấy, tiến trình hội nhập là không thể đảo ngược.

Vì vậy, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định, mặc dù những biện pháp phòng vệ thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, nhưng cũng đem lại những yếu tố tích cực cho nền kinh tế trong nước.

Nguồn: thoibaonganhang.vn
Quảng cáo sản phẩm