Tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung: Giá hàng hóa biến động mạnh

09/07/2018 02:00 - 478 lượt xem

Mỹ đã bắt đầu áp thuế suất 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, mức thuế bổ sung 16 tỷ USD còn lại dự kiến sẽ có hiệu lực sau hai tuần nữa.

Phản ứng tức thì, các thị trường hàng hóa biến động mạnh, chứng khoán lao dốc trong bối cảnh nhà đầu tư toàn cầu lo ngại về tác động của xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nông sản giảm, thị trường tài chính chao đảo

Cụ thể, Mỹ áp thuế với Trung Quốc chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao. Chỉ vài giờ sau khi Mỹ chính thức áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc với trị giá 34 tỷ USD tương đương số hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, xe cộ và thủy sản - tờ Trung Quốc Nhật báo đưa tin. Trong khi Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã áp thuế trả đũa với hàng loạt nông sản Mỹ sau khi bị nước này áp thuế thép và thuế nhôm. Ngoài ra, các kế hoạch chi tiêu đã bị thu hẹp hoặc đình chỉ là kết quả của sự bất ổn liên quan đến chính sách thương mại...

Những diễn biến này khiến tuần qua, thị trường vàng thế giới giao động quanh 1248.7 – 1261.08 USD/ounce. Kim loại quý bị tác động bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bày tỏ mối lo ngại về cuộc chiến thương mại. Trong khi nhiều thị trường chứng khoán đồng loạt giảm, đồng USD đã tăng mạnh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác khiến tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm nhẹ 0,4% so với USD. Trong nước giá bán USD tại các ngân hàng vẫn trụ ở mức trên 23.000 VND/USD.

Các thị trường hàng hóa như cà phê, bông, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 giảm 0,5 cent xuống còn 129,1 USD/tấn. Giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi, giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất chủ chốt châu Á giảm trong tuần này, với gạo Ấn Độ chạm mức thấp nhất trong 14 tháng, do nhu cầu thấp và đồng rupee suy yếu. Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang phát động có thể sắp xếp lại thị trường hàng hóa nông nghiệp toàn cầu trong những năm tới. Dòng chảy của nhiều mặt hàng nông sản sẽ có sự thay đổi lớn.

Tác động 2 chiều xuất nhập khẩu

Nếu chiến tranh thương mại leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung toàn cầu sẽ giảm. “Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm ngoài vòng ảnh hưởng và cần phải điều chỉnh dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách tương ứng trong những quý tới" - Chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội Adam McCarty cho biết. Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc chia sẻ, về nhập khẩu, việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm của Trung Quốc dẫn đến những tác động gián tiếp là Việt Nam trở thành điểm tiêu thụ hoặc trung chuyển cho thép Trung Quốc giá rẻ trước đây đổ vào thị trường Mỹ và châu Âu; Hàng nông sản Mỹ gặp khó khăn tại Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, sức ép mở cửa thị trường với lý do giảm nhập siêu của Việt Nam sẽ ngày càng tăng.

Về xuất khẩu, một trong những “điểm sáng” cho Việt Nam là nhà nhập khẩu Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm kiếm nguồn cung hàng hóa từ những nước không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế nhập khẩu vào 2 nước này. Nếu Việt Nam đáp ứng và đẩy mạnh được những mặt hàng là đối tượng chịu mức thuế trừng phạt ở Mỹ và Trung Quốc thì đây là một lợi ích không nhỏ. Tuy vậy, nếu tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi sẽ kéo theo nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm.

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các chính sách cần hỗ trợ đắc lực và DN cần tích cực cùng hướng tới phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu như về khai báo lý lịch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, các thủ tục xác minh DN hay kiên trì đấu tranh trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh này, Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực để duy trì động lực tăng trưởng.
Nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị
Quảng cáo sản phẩm