Tăng cường mở rộng hợp tác với Trung Đông

09/03/2009 12:00 - 997 lượt xem

Không lâu sau chuyến thăm Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến đi Trung Đông, lần này tới hai nước Côoét và Qatar (từ 7 đến 12/3).

Đây là hai nước nhỏ những có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đặc biệt là năng lượng.

Những chuyến đi thăm một loạt nước ở Trung Đông của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với những quốc gia trong khu vực. Đây cũng là bước cụ thể hóa của Đề án thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Đông 2008 -2015, được Chính phủ đưa ra vào tháng 9/2008. Tiếp đó, Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp với các nước Trung Đông với giải pháp tổng thể.
 
Các vấn đề được thảo luận trong chuyến thăm hai nước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, lao động và thúc đẩy triển khai những dự án cụ thể. Trong chuyến thăm này, Việt Nam sẽ ký với Côoét và Qatar các hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Tại Côoét, Tổng Công ty vốn nhà nước (SCIC) ký với Tổng cục Đầu tư Côoét về thỏa thuận đầu tư vào các công trình điện, dầu khí. Côoét đã xác định Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng ở châu Á.
 
Tuy kim ngạch còn nhỏ nhưng thương mại giữa Việt Nam với Côoét và Qatar phát triển rất tốt, thường đạt trên 100 triệu USD/năm. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, từ 7,5 triệu USD năm 2003 lên 40 triệu USD năm 2008. Đỉnh cao trong trao đổi thương mại Việt Nam – Côoét là năm 2005, đạt 325 triệu USD. Nói chung, Việt Nam thường nhập siêu từ Côoét, chủ yếu từ các mặt hàng xăng dầu, hóa chất, phân bón, chất dẻo, khí đốt…
 
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang sẽ tiến hành trao đổi với phía Côoét về nội dung làm việc của Kỳ họp thứ nhất Ủy ban liên chính phủ Việt Nam – Côoét tại Hà Nội vào quý 2/2009. Kỳ họp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực công thương, thúc đẩy các dự án lớn.
 
Với Qatar, trao đổi thương mại còn khiêm tốn nhưng phát triển tương đối ổn định. Kim ngạch hai chiều năm 2008 đạt 79,5 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 19,5 triệu USD. Cũng giống như Côoét, Việt Nam nhập siêu từ Qatar là từ các mặt hàng nguyên liệu như phân bón, hóa chất, khí hóa lỏng, chất dẻo. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang hai nước kể trên chủ yếu là dệt may, nông sản, hải sản, đồ gỗ…
 
Theo ông Lý Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thị trường Tây Nam Á và châu Phi: “Tiềm năng thương mại với Trung Đông nói chung và Côoét và Qatar nói riêng còn nhiều nhưng việc thâm nhập thị trường là rất khó, đòi hỏi chất lượng cao, đặc biệt là về uy tín. Khi đã tạo được quan hệ thì đơn hàng cũng tương đối lớn”. Ông Hùng cho biết thêm, hiện Qatar đang xây dựng nhiều công trình lớn nên các mặt hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào nước này với số lượng lớn.
 
Trong hợp tác công nghiệp, Việt Nam và hai nước Côoét và Qatar đã ký nhiều thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Tháng 12/2007, Petro Vietnam đã ký kiên bản ghi nhớ với đối tác Qatar về thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu ở hai nước, xây dựng nhà máy sản xuất phân urê tại Qatar. Với Côoét, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Côoét (KPC) cùng với đối tác Nhật Bản tham gia dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đẩy nhanh dự án nhà Nghi Sơn cũng là một chủ đề trao đổi trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Nói chung, hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam với hai nước còn rất xa với tiềm năng mà nguyên nhân là do thiếu thông tin về thị trường và đối tác của nhau.

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm