Tăng trưởng âm ở thị trường Mỹ và EU: “Bài học lớn cho ngành cá tra thay đổi”

03/01/2018 12:00 - 1319 lượt xem

Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 11/2017, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Mỹ đạt 319,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại thị trường EU, kim ngạch XK đạt hơn 180 triệu USD, giảm đến 22%. Việc “chìm nghỉm” ở hai thị trường chủ lực từng chiếm trên 45% tỷ trọng XK này sẽ khó tránh khỏi nếu như ngành cá tra không tiếp tục thích ứng những đòi hỏi gắt gao vốn đã được cảnh báo từ khá lâu.

Điều đáng nói, Mỹ vốn là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam. Còn thị trường EU tuy khiêm tốn hơn, nhưng cũng chiếm tỷ lệ đến 11,4%, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ.

Vậy, cá tra Việt đang vướng những vấn đề gì tại hai thị trường chủ lực này mà đến nỗi phải chìm dưới mức tăng trưởng âm trong năm 2017?

Doanh nghiệp “bỏ cuộc”?

Tại Mỹ, theo lý giải từ phía Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), số doanh nghiệp (DN) XK cá tra vào thị trường này càng ngày càng giảm, xuất phát từ thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao trong vài năm nay.

Cụ thể, có 62 DN đăng ký XK cá tra vào thị trường Mỹ nhưng thực tế chưa tới 10 DN tham gia XK và chỉ có 3 DN XK với sản lượng đáng kể.

Ngoài ra, một số ít DN có được mức thuế suất thấp thì lại phải đối mặt với rào cản kỹ thuật là chương trình thanh tra cá da trơn theo Đạo luật Nông trại (Farm Bill).

Kể từ ngày 2/8/2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm và bao bì tất cả các lô hàng cá tra XK vào Mỹ tại các cơ sở kiểm tra nhập khẩu (NK) chính thức (i-house, các kho bảo quản được chỉ định).

Việc kiểm tra các lô hàng của FSIS khiến cho hoạt động XK cá tra vào Mỹ của các DN gặp khó khăn do phát sinh chi phí và thời gian cho việc tái kiểm tra tại Mỹ.

Còn tại thị trường EU, theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), vài năm trở lại đây, XK cá tra sang thị trường này sụt giảm, từ chiếm tỷ trọng 24% năm 2012 xuống còn 15% hồi năm ngoái.

Điều này được cho là vì vấp phải sự cạnh tranh của các DN quốc tế kinh doanh các loài cá bản địa. Ngoài ra, còn do những hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm từ thị trường này và cả phản ứng thiếu linh hoạt của phía Việt Nam trước áp lực từ truyền thông bôi nhọ tại một số nước với cá tra Việt.

Theo giới chuyên gia, thách thức lớn với XK cá tra vào Mỹ, EU trong lúc này là chất lượng sản phẩm. Cá tra của Việt Nam hiện nay thường cạnh tranh bằng giá thấp, cho nên đi theo đó là chất lượng thấp.

Đối với chế biến XK, hiện có gần 300 cơ sở XK cá tra, trong đó 2/3 được xem là các cơ sở nhỏ với số lượng XK dưới 1.000 tấn. Trong số các cơ sở XK lớn, có 36 công ty XK trên 5.000 tấn.

Tuy nhiên, những cơ sở XK lớn này có thị phần khoảng 75% tổng sản lượng XK cá tra. Hiện tại, phần lớn các sản phẩm cá tra XK dưới dạng phi lê đông lạnh mà rất ít các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng.

Phải tự thay đổi

Trong khi đó, sự đa dạng và phức tạp về các tiêu chuẩn từ các nhà NK ở Mỹ, EU là những thách thức đối với ngành hàng cá tra, đặc biệt là các nhà chế biến XK.

Các tiêu chuẩn phổ biến trước đó như: ACC (Aquaculture Certification Council) đối với thị trường bán lẻ của Mỹ, Global GAP và ASC đối với thị trường bán lẻ EU.

Ngoài ra, có sự gia tăng về các tiêu chuẩn an toàn sinh học như Naturland và Kraft. Mặc dù xu hướng hiện nay là các nhà chế biến XK có trang trại nuôi riêng và không ngừng đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, song rất khó để có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn này

Có thể nói, nếu nhìn vào cảnh chìm trong tăng trưởng âm ở thị trường Mỹ, EU thì điều rõ ràng cho thấy là cá tra Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là khi cá tra Việt mới chỉ tham gia vào khâu giá trị gia tăng thấp.

Chính vì vậy, tiếp cận giá trị gia tăng cho cá tra Việt đang trở thành yêu cầu cấp thiết nếu muốn nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh vào chuỗi giá trị tại 2 thị trường quan trọng này.

Như lưu ý của Ts. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, yêu cầu đặt ra cho các DN Việt bây giờ là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế đó. Nhưng điều đáng lo là hiện nay có tình trạng nhiều DN than rằng khó làm!

Còn theo lời khuyên của ông Rick Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu (GFSF), đây là lúc các DN XK cá tra Việt nên tuân thủ những đạo luật về an toàn thực phẩm tại Mỹ.

Rõ ràng, nếu muốn ngăn đà giảm XK cá tra vào 2 thị trường lớn là Mỹ và EU, đòi hỏi trước tiên là các DN Việt phải tự thay đổi nếu không muốn bị “đá” văng ra khỏi thị trường.

Dù biết đa dạng hóa thị trường XK là điều nên làm, nhưng các chuyên gia cảnh báo việc chuyển hướng từ Mỹ, EU sang thị trường Trung Quốc cần thận trọng.

Đây là thị trường NK thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng, thường xuyên thay đổi.

Số liệu 11 tháng đầu năm 2017 cho thấy giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 373,3 triệu USD, tăng đến 37,9% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 23% tổng XK cá tra.

Nhìn chung, dù là quốc gia hàng đầu về XK cá tra nhưng tính bền vững trong sản xuất của ngành này ở Việt Nam chưa cao, đang bộc lộ những khuyết điểm lớn từ giống, kỹ thuật cho đến thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, tiêu thụ.

Việc chìm trong tăng trưởng âm ở thị trường Mỹ và EU là bài học lớn cho ngành cá tra để có những điều chỉnh thích hợp để khôi phục trong giai đoạn tới.

Nguồn: Báo Làng Mới

Quảng cáo sản phẩm