Thách thức mới cho ngành gỗ Việt Nam

22/04/2009 12:00 - 1186 lượt xem

Khó khăn lớn nhất là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm từ 30 – 35%.
 

Khó khăn lớn nhất là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ giảm từ 30 – 35% và có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – chủ tịch hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: “Bây giờ đa số các doanh nghiệp mới có hợp đồng đến tháng 4 thôi, còn tháng 5, tháng 6 trở đi đang phải đi tìm”.

Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn như đạo luật Lacey của Hoa Kỳ, hiệp định “tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) của EU. Đây thực sự là những khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ của nước ta.

Thêm vào đó, năm 2009, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức mới khi các nước trong khu vực Asean liên kết lại để tăng sức cạnh tranh.

Tổng giám đốc cục Xúc tiến xuất khẩu Thái Lan (DEP) Rachane Potjanasuntorn cho hay Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã đồng ý hợp tác trong việc phát triển sản phẩm, đặc biệt các sản phẩm trang trí nội thất và đồ gỗ, với mục đích định vị sản phẩm trên các thị trường thế giới.

Lãnh đạo của ba quốc gia đã thảo luận những mối quan tâm liên quan đến vấn đề này trong suốt hội nghị Asean đã được tổ chức ở khu nghỉ mát Cha-am, Thái Lan.

Mặc dù nhiều quốc gia đã bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng ông tin rằng sản phẩm đồ gỗ Thái Lan vẫn có nhiều cơ hội và nhu cầu về các mặt hàng này vẫn còn mạnh trong năm nay.

Xuất khẩu của ngành công nghiệp này có khả năng sẽ tăng trưởng 3 – 5% với tổng doanh số 45 tỉ baht trong năm nay.

Ông Rachane nói rằng, cho đến nay lao động trong ngành này chưa hề bị cắt giảm. Ngược lại, nhu cầu lao động trong lĩnh vực này đã gia tăng.

Nguồn: http://cafef.vn

Quảng cáo sản phẩm