Thái Lan dựa vào láng giềng để tránh “bão” chiến tranh thương mại

05/11/2018 12:00 - 5190 lượt xem

Thái Lan đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước láng giềng, nơi người tiêu dùng đang có mức thu nhập ngày càng tăng và có tâm lý chuộng “hàng Thái” trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nói chung của nước này.

Đặt cược vào sức mua các nước láng giềng

Tờ Nikkei Asian Review cho biết Thái Lan nỗ lực gia tăng các hoạt động thương mại với các nước láng giềng vì nước này đặt cược rằng sức mua ngày càng cao sẽ giúp giảm bớt tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến doanh thu xuất khẩu của Thái Lan.

Adul Chotinisakorn, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết Thái Lan đã thành lập Ủy ban Thương mại biên giới hỗn hợp (JBTC) với Myanmar để giảm giấy tờ trong thủ tục hải quan cũng như cải thiện hoạt động logistics ở các cửa khẩu. Theo ông, JBTC sẽ tập trung vào nhiệm vụ cắt giảm giấy tờ hải quan ở các cửa khẩu nằm dọc biên giới Thái Lan - Myanmar vì thủ tục hải quan rườm rà nên thông thường phải mất vài ngày hàng hóa Thái Lan mới có thể được thông quan. JBTC đang tiến hành các thay đổi để giúp các giấy tờ hải quan cần thiết có thể hoàn tất trong 30 phút. Ông còn cho biết thêm, Thái Lan đang lên kế hoạch thành lập các ủy ban tương tự với Campuchia, Lào và Malaysia. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ mở thêm nhiều cửa khẩu biên giới và tăng thời gian làm việc ở các cửa khẩu thêm một tiếng đồng hồ. Điều này có nghĩa là các cửa khẩu sẽ mở cửa từ 5 giờ sáng đến tận nửa đêm, thay vì 11 đêm như trước đây.

Với những thay đổi trên, chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tăng giá thương mại biên giới lên mức 1.500 tỉ baht (45 tỉ đô la) trong năm nay, tăng 15% so với năm 2017. Thái Lan kỳ vọng năm 2019 sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tương tự. Thương mại biên giới ngày càng quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các nước nằm ở lưu vực sông Mekong (Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam). Các nước này đang có mức tăng trưởng vững chắc và nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao.

GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 và có thể đạt hơn 7% trong năm nay, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới. Năm ngoái, Myanmar, Lào và Campuchia cũng đạt các mức tăng trưởng khá cao lần lượt 6,3%, 6,89% và 6,8%. Mức tăng trưởng kinh tế cao kết hợp với làn sóng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) ở các nước Mekong được kỳ vọng giúp nâng cao hơn mức thu nhập của người dân trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia.

Nỗ lực ứng phó chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Thái Lan cũng hỗ trợ các nước láng giếng phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn, giúp mở mang các tuyến đường và xây dựng một cây cầu thứ hai cũng như một cửa khẩu mới giữa thành phố Mae Sot, tây bắc Thái Lan và thị trấn Myawaddy, đông nam Myanmar.

Thái Lan cũng đang đàm phán với Lào và Campuchia về các dự án xây dựng đường xá và mở rộng các tuyến giao thương hiện nay giữa hai nước này với Thái Lan. Các cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại nằm dọc theo biên giới Thái Lan với các nước láng giềng sẽ giúp nước này thúc đẩy xuất khẩu bằng đường bộ từ các nước Mekong sang các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Các nỗ lực trên là một phần của chiến lược Thái Lan nhằm thúc đẩy thương mại biên giới giữa lúc các quan chức nước này lo ngại các hoạt động xuất khẩu có thể bị tổn thương khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng leo thang. Dù cuộc chiến này chưa ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Thái Lan nhưng nó đã gây những vấn đề khó khăn cho một số vấn đề thương mại, quá đó, gián tiếp làm suy giảm doanh thu xuất khẩu của nước này.

“Chiến tranh thương mại gây ra bất ổn trong các chính sách thương mại các đối tác của chúng tôi và điều này ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động xuất của Thái Lan”, Pimchanok Vonkorpon, Vụ trưởng Vụ Chiến lược và chính sách thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan, nói.

Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 9-2018 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng đầu tiên xuất khẩu của nước này suy giảm trong 19 tháng qua. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, xuất khẩu suy giảm do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và do các bất ổn kinh tế của các đối tác. Nếu xuất khẩu tiếp tục suy giảm, nền kinh tế nước này sẽ trì trệ vì xuất khẩu chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan.

Ông Vonkorpon cho biết Vụ Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan đang phối hợp chặt chẽ với các tùy viên thương mại ở 64 nước để vạch ra các kế hoạch ngăn chặn xuất khẩu suy giảm sâu hơn khi xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm