Tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO với tư cách bên thứ ba

24/09/2014 12:00 - 14252 lượt xem

Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) chính thức ra đời kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, kéo theo đó là sự ra đời của một loạt các hiệp định, thoả thuận, danh mục nhượng bộ thuế quan điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ thương mại của các quốc gia thành viên. Theo Trung tâm WTO của VCCI, có tới trên 95% hoạt động thương mại trên thế giới hiện nay được điều chỉnh bởi các Hiệp định của Tổ chức này[1]. Do đó, để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các qui định trong các Hiệp định này, một cơ chế giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ tổ chức này đã được thiết lập, thông qua Hiệp định về các Qui tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Understanding - DSU).
 
Với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam có thể sử dụng cơ chế này cho các tranh chấp thương mại có thể có với các thành viên WTO khác. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các lợi ích thương mại của chúng ta trong quan hệ thương mại quốc tế. Việc xem xét cơ chế giải quyết tranh chấp này cùng với hệ thống án lệ đồ sộ của nó có ý nghĩa thực tiễn to lớn không chỉ trong việc hiểu chính xác các qui định của các Hiệp định trong WTO mà còn góp phần bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong quá trình thực thi các Hiệp định này. Tuy nhiên, việc sử dụng cơ chế này với tư cách là nguyên đơn hay bị đơn thường đòi hỏi rất cao về nhân lực, kinh nghiệm và kĩ năng cũng như nguồn tài chính. Khi đó, việc tham gia với tư cách bên thứ ba là lựa chọn rất đáng lưu ý, bởi đó sẽ là cơ hội để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm khi mà quá trình giải quyết tranh chấp WTO đang ngày càng trở nên kĩ thuật hơn, và các vụ việc ngày càng phức tạp hơn.
 
1. Tổng quan về cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO
 
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng dựa trên nền tảng cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT 1947, khắc phục những bất cập trong cơ chế cũ, đưa ra một số cải tiến căn bản về thủ tục, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tính chất xét xử của thủ tục này cũng như tăng cường tính ràng buộc của các quyết định giải quyết tranh chấp. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO theo đó được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa vụ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.
 
Theo cơ chế này, các thủ tục giải quyết tranh chấp sẽ bắt đầu bằng một cuộc tham vấn song phương giữa thành viên có khiếu nại với thành viên áp dụng biện pháp có tranh chấp, và nếu tham vấn không thành công, các thành viên khiếu nại có thể yêu cầu Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body – DSB) thành lập Ban Hội thẩm. Ban Hội thẩm sẽ xem xét vấn đề tranh chấp trên cơ sở các quy định trong các Hiệp định của WTO mà Bên nguyên đơn viện dẫn như là căn cứ cho đơn kiện của mình để giúp DSB đưa ra khuyến nghị/quyết nghị thích hợp cho các bên tranh chấp.
 
Các bên tranh chấp có quyền kháng cáo báo cáo của Ban Hội thẩm. Cơ quan Phúc thẩm thường trực (SAB) sẽ xem xét theo thủ tục phúc thẩm những kết luận và giải thích pháp lý được đưa ra trong báo cáo của Ban hội thẩm, theo đề nghị của một trong các bên tranh chấp. SAB chỉ xem xét lại các khía cạnh pháp lý và giải thích pháp luật mà không điều tra lại các yếu tố thực tiễn của tranh chấp. Báo cáo của SAB được thông qua tại DSB và không thể bị phản đối hay khiếu nại tiếp.
 
Khi báo cáo được thông qua xác định một biện pháp của một bên là vi phạm quy định của WTO, cơ quan ra báo cáo phải đưa ra khuyến nghị nhằm buộc bên có biện pháp vi phạm phải tuân thủ quy định của WTO (yêu cầu bị đơn rút lại hoặc sửa đổi biện pháp liên quan) và có thể đề xuất các cách (không bắt buộc) để các bên có thể thực hiện khuyến nghị đó.
 
Trường hợp khiếu kiện không vi phạm (khiếu kiện phát sinh khi một quốc gia ban hành một biện pháp thương mại gây thiệt hại (làm mất hay phương hại đến) các lợi ích mà quốc gia khiếu kiện có được từ Hiệp định hoặc cản trở việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định - không phụ thuộc vào việc biện pháp đó có vi phạm Hiệp định hay không), bên thua kiện không phải rút lại biện pháp liên quan (vì không có vi phạm), nhưng báo cáo có thể khuyến nghị bên thua kiện thực hiện các dàn xếp nhất định để thoả mãn các bên liên quan, ví dụ như bồi thường.
 
DSB cũng là cơ quan giám sát việc thực thi khuyến nghị của các bên liên quan. Trong thời gian quy định cho việc thực hiện khuyến nghị, bất kỳ thành viên nào cũng có thể đưa vấn đề thực hiện khuyến nghị này vào chương trình nghị sự của DSB. Mỗi khi có đề nghị như vậy thì bên phải thực hiện khuyến nghị có nghĩa vụ giải trình bằng văn bản về việc thực hiện khuyến nghị của mình gửi cho DSB chậm nhất là 10 ngày trước khi tiến hành phiên họp của DSB.
 
Nếu các thành viên WTO có quan tâm đến tranh chấp, họ có thể tham gia với tư cách là bên thứ ba. Các thành viên này có thể yêu cầu tham gia các phiên tham vấn nếu họ có một “lợi ích thương mại đáng kể” (substantial trade interest) đối với vấn đề đang được thảo luận, và bên bị khiếu kiện cũng phải đồng ý rằng các khiếu nại về lợi ích thương mại đáng kể của các thành viên quan tâm là có cơ sở. Nếu bên bị khiếu kiện không đồng ý, các thành viên quan tâm sẽ không được tham gia phiên tham vấn, tuy nhiên, họ có thể yêu cầu tham vấn trực tiếp với bên bị khiếu kiện theo một vụ việc tranh chấp mới độc lập.
 
Việc tham gia của các bên thứ ba đối với vụ việc đơn giản hơn so với các bên nguyên đơn và bị đơn. Họ thường chỉ nhận được tài liệu đệ trình của các bên tranh chấp gửi cho Ban hội thẩm và trình bày miệng quan điểm của họ tại cuộc họp đầu tiên. Ngược với tài liệu đệ trình của các bên, tài liệu của bên thứ ba cũng thường ngắn và đưa ra nhận xét về những lập luận pháp lý và tình tiết thực tế của các bên.
 
2. Các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO mà Việt Nam tham gia với tư cách bên thứ ba
 
Cũng giống như các nước đang phát triển khác, sự hạn chế về nguồn lực pháp luật, khó khăn về tài chính, lo ngại về vấn đề trả đũa và sự thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là những rào cản lớn cho Việt Nam, thể hiện thông qua việc Việt Nam mới chỉ tham gia vào hệ thống này với tư cách là nguyên đơn trong 02 vụ việc. Tuy nhiên, việc tham gia vào các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO với tư cách là bên thứ ba không đòi hỏi những thủ tục phức tạp như với tư cách nguyên đơn của vụ việc, thêm vào đó còn là cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các nước khởi kiện đối với các vấn đề mà Việt Nam quan tâm, có lợi ích. Do đó, việc tham gia của các nước thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với tư cách bên thứ ba là rất thường xuyên.
 
Theo số liệu của WTO, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 18 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO với tư cách bên thứ ba, bao gồm các vụ việc có mã: DS 343, DS 360, DS 375, DS 376, DS 377, DS 399, DS 402, DS 405, DS 414, DS 422, DS 430, DS 431, DS 432, DS 433, DS 437, DS 449, DS 464 và DS 471. Trong đó:
 
- Liên quan đến Hiệp định chống bán phá giá (ADA) (31 vụ việc tính từ năm 2007 đến nay), ta đã tham gia 8 vụ trong đó có 3 vụ kép (chống bán phá giá/chống trợ cấp-AD/CVD)
 
1.                DS471 U.S. – Certain Methodologies and their Application to Antidumping Proceedings Involving China
 
2.                DS464 U.S. Antidumping and Countervailing Measures on Large Residential Washers from Korea (AD/CVD)
 
3.                DS449 U.S. – Countervailing and Anti-dumping Measures on Certain Products from China (AD/CVD)
 
4.                DS422 U.S. – Antidumping Measures on Shrimp and Diamond Saw blades from China
 
5.                DS414 China – Countervailing and Antidumping Duties on Grain Oriented Flat-rolled Electrical Steel from the United States (AD/CVD)
 
6.                DS405 EU – Antidumping Measures on Certain Footwear from China
 
7.                DS402 U.S. – Use of Zeroing in Antidumping Measures Involving Products from Korea
 
8.                DS343 U.S. – Measures Relating to Shrimp from Thailand
 
- Liên quan đến Hiệp định chống trợ cấp (SCM) (29 vụ kiện tính từ năm 2007 đến nay), ta đã tham gia 4 vụ trong đó có 3 vụ kép (AD/CVD)
 
1.                DS464 U.S. Antidumping and Countervailing Measures on Large Residential Washers from Korea (AD/CVD)
 
2.                DS449 U.S. – Countervailing and Anti-dumping Measures on Certain Products from China (AD/CVD)
 
3.                DS414 China – Countervailing and Antidumping Duties on Grain Oriented Flat-rolled Electrical Steel from the United States (AD/CVD)
 
4.                DS437 U.S. – Countervailing Duty Measures on Certain Products from China
 
- Các vụ việc còn lại liên quan đến vấn đề thuế quan và hạn chế/cấm nhập khẩu.
 
Trong các vụ việc nêu trên, những nội dung mà Việt Nam quan tâm chủ yếu tập trung vào vấn đề phương pháp dành cho các nền kinh tế phi thị trường, thuế suất toàn quốc, đánh trùng thuế- double remedies, định nghĩa “tổ chức công”, phương pháp tính toán biên độ phá giá (đặc biệt là phương pháp “quy về không” -zeroing, phá giá mục tiêu -targetted dumping của Hoa Kỳ), các yếu tố xác định thiệt hại trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại …).
 
So sánh với số vụ việc tham gia với tư cách bên thứ ba của một số nước, đặc biệt là các nước trong khu vực như Trung Quốc (110 vụ), Thái Lan (69 vụ), Indonesia (12 vụ), Philippines (14 vụ), Malaysia (10 vụ), Singapore (14 vụ)[2] có thể thấy Việt Nam cũng khá tích cực trong hoạt động này. Việc tham gia với tư cách bên thứ ba trong các vụ kiện tranh chấp tại WTO, đặc biệt là các vụ việc về phòng vệ thương mại, sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam, không chỉ trong giải thích và áp dụng các quy định của WTO mà còn là kinh nghiệm xử lý vụ việc khi đưa ra WTO. Điều này sẽ tạo nên những tiền đề vững chắc cho việc sử dụng tốt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho Việt Nam trên trường quốc tế.
 
3. Kinh nghiệm tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp WTO với tư cách bên thứ ba của một số quốc gia trong khu vực
 
Nhận thức được vai trò trong việc tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp WTO với tư cách bên thứ ba, trong những năm gần đây rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan đã có động thái tích cực đối với hoạt động này.
 
3.1. Trung Quốc
 
Trung Quốc đã nhận ra giá trị và lợi ích khi tham gia với tư cách bên thứ ba vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO từ khi mới gia nhập vào tổ chức này và dần dần tăng cường sử dụng quyền này theo thời gian. Cho đến nay, số vụ việc tranh chấp tại WTO mà Trung Quốc tham gia với tư cách bên thứ ba là 110 vụ, đứng thứ tư sau Nhật Bản, EU (144 vụ) và Hoa Kỳ (114 vụ)[3].
 
Để đạt được kết quả này, trong khoảng năm 2002-2003, Trung Quốc đã tăng dần các nguồn lực dành cho việc giải quyết tranh chấp tại WTO, bao gồm tăng cường về nhân lực và hỗ trợ tài chính ổn định[4]. Các nguồn lực này cho phép Trung Quốc có thể tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO triệt để và hiệu quả hơn, bởi công tác này đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về cả nhân sự và tài chính.
 
Đồng thời, sự tham gia với tư cách bên thứ ba của Trung Quốc không chỉ giới hạn trong các vụ việc liên quan đến những ngành công nghiệp, biện pháp hay quốc gia thành viên nhất định mà bao trùm tất cả các ngành, các loại biện pháp và các quốc gia. Việc tham gia vào các vụ việc có tính chất khác nhau giúp cho Trung Quốc tích luỹ được kinh nghiệm toàn diện, trong khi so với vai trò của một bên tranh chấp (nguyên đơn hay bị đơn), mức độ phức tạp của việc tham gia với tư cách bên thứ ba cũng như các nguồn lực cần thiết để thực hiện đều ít hơn. Ví dụ, bản đệ trình bằng văn bản của bên thứ ba thường đơn giản và ngắn gọn hơn, do đó chính phủ có thể tự mình chuẩn bị hoặc thuê luật sư với chi phí thấp hơn nhiều. Thậm chí nếu không có bản đệ trình bằng văn bản, quốc gia thành viên đang phát triển vẫn có thể quan sát toàn bộ quá trình, tham dự phiên tranh tụng để tích luỹ những kinh nghiệm ban đầu và hiểu rõ hơn về các vấn đề tranh chấp và quy định của WTO.
 
3.2. Thái Lan
 
Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan là nước sử dụng quyền bên thứ ba trong giải quyết tranh chấp tại WTO nhiều nhất (69 vụ)[5]. Điều này có thể được lý giải từ cấu trúc thể chế hợp lý của Thái Lan với sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan của chính phủ và giữa khu vực công với khu vực tư, bởi mặc dù đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các rào cản thương mại là các ngành công nghiệp, nhưng việc quyết định có theo đuổi một vụ khiếu kiện tại WTO hay không lại thuộc về chính phủ, do đó, việc sử dụng thành công cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa các đối tượng này.
 
Theo nguyên tắc chung, ở Thái Lan, tất cả các vấn đề WTO thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại, trong đó Vụ đàm phán thương mại, một cơ quan thuộc Bộ, là đầu mối phối hợp giữa các cơ quan và đảm bảo Thái Lan nhận được các thông tin và hướng dẫn thích hợp một cách kịp thời. Ngoài ra, Phái đoàn Thái Lan tại Geneva là cơ quan thực hiện hầu hết các chức năng phối hợp với các đồng nguyên đơn trong suốt quá trình kiện tụng thực tế. Các quan chức làm việc tại Phái đoàn đến từ các cơ quan khác nhau của chính phủ. Họ được kêu gọi và thuyên chuyển để hỗ trợ phái đoàn WTO khi cần thiết, thường là theo vụ việc (ad hoc) khi có vụ kiện hay vấn đề khác nảy sinh. [6]
 
Việc sử dụng nhân sự theo cơ chế ad hoc sẽ giúp cho Thái Lan huy động được các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể của vụ việc từ các bộ ngành, nâng cao hiệu quả làm việc và giảm chi phí về nhân sự. Hơn nữa, cơ chế này cho phép Đại sứ có đầy đủ thẩm quyền để quản lý quá trình kiện tụng và nhân viên tham gia, do đó giảm bớt quá trình phối hợp giữa các cơ quan khác nhau vốn rất rườm rà.
 
Khu vực tư nhân cũng có thể đóng góp đáng kể vào quá trình giải quyết tranh chấp của WTO thông qua các hoạt động như: kiến nghị cơ quan chính phủ để nâng cao mối quan tâm tiếp cận thị trường; chuẩn bị báo cáo tóm tắt pháp lý chính thức và cung cấp bằng chứng kinh tế để hỗ trợ các vụ việc tại WTO. Ngoài ra, khu vực tư nhân cũng có thể xây dựng các liên minh ở nước ngoài hoặc làm việc với báo chí quốc tế để nâng cao nhận thức công chúng. Trong vụ tranh chấp của EU đối với sản phẩm Đường, Hiệp hội Mía đường Thái Lan đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tranh chấp và được khuyến khích để gửi một đại diện đến Geneva để tham gia vào các cuộc thảo luận chính thức giữa chính phủ Thái Lan và các hiệp hội của các nguyên đơn khác.
 
3.3. Hàn Quốc
 
Kể từ khi WTO được thành lập, Hàn Quốc đã tích cực tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Tính đến nay, Hàn Quốc đã tham gia 117 vụ việc, trong đó có 16 vụ với tư cách nguyên đơn, 14 vụ với tư cách bị đơn và 87 vụ với tư cách là bên thứ ba[7].  Từ những con số này, có thể thấy Hàn Quốc luôn sử dụng triệt để các quyền của mình trong thương mại quốc tế, đặc biệt là quyền tham gia với tư cách bên thứ ba trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
 
Việc tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO với tư cách bên thứ ba, như đã phân tích, là một trong những cơ sở căn bản để khắc phục điểm yếu trong vấn đề năng lực, đặc biệt là với các nước đang phát triển. Thông qua quá trình tham gia này, họ sẽ phát triển được đáng kể kiến thức về quá trình tranh chấp, chức năng của cơ quan giải quyết tranh chấp và cách mà các cơ chế tranh chấp hoạt động. Đây chính là một hình thức vừa học vừa làm – “learning by doing” mà hiệu quả của phương pháp này là tích cực hơn rất nhiều so với việc nghiên cứu thông tin một cách thụ động và lý thuyết.
 
Hàn Quốc hoàn toàn quán triệt quan điểm này và tham gia rất tích cực trong các vụ việc tranh chấp tại WTO với tư cách bên thứ ba. Bên cạnh đó, cách thức xây dựng nguồn nhân lực của họ còn rất hiệu quả ở việc sử dụng luật sư nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian đầu chủ yếu thuê luật sư tư nhân của nước ngoài, khi nguồn nhân lực trong nước chưa đủ sức để đối phó với các tranh chấp tại WTO, trong quá trình này, đội ngũ cán bộ của chính phủ và luật sư trong nước có thể học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm từ luật sư nước ngoài. Khi nguồn nhân lực trong nước đã có những hiểu biết nhất định về cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, Hàn Quốc có thể thuê song song cả luật sư trong nước và nước ngoài, hoặc chỉ thuê luật sư trong nước, và tiến tới không thuê luật sư mà sử dụng đội ngũ cán bộ sẵn có của chính phủ. Năm 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập một cơ quan chuyên ngành là “Phòng Pháp luật thương mại quốc tế” nhằm thực hiện các hỗ trợ pháp lý về các Hiệp định WTO và những vấn đề thương mại nói chung[8].
 
3.4. Ấn Độ
 
Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập của GATT và WTO và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO khi tiến hành các hoạt động thương mại quốc tế. Trong khi hầu hết các nước đang phát triển còn thiếu tự tin khi tiếp cận với cơ chế giải quyết tranh chấp, Ấn Độ ngay từ đầu đã sử dụng tích cực công cụ này.
 
Ấn Độ đã khởi kiện 21 vụ việc, bị kiện trong 22 vụ việc và tham gia với tư cách bên thứ ba trong 100 vụ việc, từ đó đạt được những kinh nghiệm hữu ích trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO cũng như nhận được cơ hội để tác động đến pháp luật WTO theo hướng bảo vệ lợi ích thương mại của mình và hỗ trợ giải thích các quy định của WTO.
 
Trong những ngày đầu của WTO, Ấn Độ không sử dụng bất kỳ sự trợ giúp pháp lý nào từ bên ngoài để đối phó với các vụ việc mà phụ thuộc hoàn toàn vào sự tư vấn của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp và đại diện thường trực của mình tại WTO. Điều này đã khiến cho Ấn Độ không có được cơ chế ứng phó linh hoạt và liên tục đối với các vụ việc tranh chấp tại WTO, do đó quốc gia này đã bắt đầu sử dụng các luật sư và hãng luật tư nhân chuyên ngành, và trở nên chủ yếu phụ thuộc vào luật sư nước ngoài trong đó có ACWL (Trung tâm tư vấn về luật WTO) để giải quyết tranh chấp tại WTO.
 
Tuy nhiên, bắt đầu từ 2003, Ấn Độ đã sử dụng luật sư trong nước để đại diện cho mình tại Ban Hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Kể từ sau 2004, Ấn Độ cũng không sử dụng dịch vụ của ACWL cho bất kỳ tranh chấp nào, nhưng vẫn xin ý kiến của ACWL về nhiều vấn đề pháp lý khác nhau. Trong khoảng thời gian này, Ấn Độ đã rất nỗ lực để các luật sư trong nước tham gia vào các vụ tranh chấp tại WTO, với mục tiêu giới hạn sự phụ thuộc vào luật sư nước ngoài và phát triển nguồn nhân lực trong nước.
 
Ngoài ra, kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO cũng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của năng lực các bên liên quan. Ví dụ, trong vụ việc EC-GSP, một bản ghi nhớ do Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu bông dệt may (Texprocil), một hiệp hội ngành hàng, trình Bộ Dệt may vào tháng 7 năm 2002 đã cảnh báo chính phủ Ấn Độ về các vấn đề mà ngành dệt may phải đối mặt, trong đó chỉ ra rằng chế độ GSP mới dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu từ Pakistan, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ. Điều này cho thấy rằng những phản ứng nhanh chóng từ hiệp hội ngành nghề sẽ giúp cảnh báo chính phủ về những thay đổi chính sách quan trong trong các công cụ thương mại ở các nước nhập khẩu lớn[9].
 
Có thể thấy việc tham gia giải quyết tranh chấp với tư cách bên thứ 3 đang trở thành xu hướng được các nước áp dụng ngày càng nhiều. Với những kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như trên, Việt Nam cần học hỏi và lựa chọn áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta, nhằm tích cực hơn nữa trong việc sử dụng công cụ này để bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà xuất khẩu cũng như của quốc gia.
 
Kết luận
 
Sự tham gia của bên thứ ba là một đặc điểm quan trọng trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Nó cho phép các quốc gia thành viên mặc dù không phải nguyên đơn hay bị đơn của vụ việc vẫn có thể tham gia và trình bày trước Ban hội thẩm về những vấn đề mà trong đó họ có lợi ích kinh tế và thương mại. Đối với các nước đang phát triển, điều này không những giúp họ có cơ hội bảo vệ lợi ích có liên quan của mình, mà còn có thể học tập, tích luỹ kinh nghiệm về quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO cũng như hiểu rõ về các quy định của WTO, đặc biệt là khi việc sử dụng công cụ này chủ yếu vẫn là sân chơi của các nước phát triển.
 
Nguồn: Phòng xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài - 
Cục Quản lý cạnh tranh
 
 
 
 
 
 
 
______________________________________________
 
 
 
[1] Số liệu tham khảo tại website: http://www.trungtamwto.vn/wto/gioi-thieu-co-che-giai-quyet-tranh-chap/gioi-thieu-ve-co-che-giai-quyet-tranh-chap-trong-wto
 
[2] Số liệu tham khảo tại website của WTO: WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/ territory.
 
[3] Số liệu tham khảo tại website của WTO: WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/ territory.
 
[4] Wenhua Ji & Huang, Cui. China’s Experience in Dealing with WTO Dispute Settlement: A Chinese Perspective. Journal of World Trade 45, no. 1 (2011): 1-37 © 2011 Kluwer Law International BV, The Netherlands
 
[5] Số liệu tham khảo tại website của WTO: WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/ territory.
 
[6] ICTSD International Trade Law Programme, Dispute Settlement at the WTO: The Developing Country Experience
 
[7] Số liệu tham khảo tại website của WTO: WTO Dispute Settlement: The Disputes, Disputes by country/ territory
 
[8] Korean Experience of the Dispute Settlement in the World Trading System – Dukgeun Ahn, KDI School of Public Policy and Management
 
[9] James J. Nedumpara, ‘Naming, Shaming and Filing’: Harnessing Indian Capacity for WTO Dispute Settlement   
 
Quảng cáo sản phẩm