Thị trường Campuchia: Người tiêu dùng chấp nhận hàng Việt

08/04/2009 12:00 - 1334 lượt xem

Tại hai chợ lớn nhất của thủ đô Phnom Penh là Orussay và Phsar Thmây thì đa phần các sạp bán quần áo trẻ em đều có hàng Việt Nam.

Người dân Campuchia đang ủng hộ hàng Việt Nam.Nếu chỉ nhìn vào bề nổi, theo khảo sát của một số doanh nghiệp Việt Nam, có vẻ như hàng Thái Lan đang lấn lướt với số lượng trên 300 văn phòng đại diện, đại lý công ty Thái có mặt tại Campuchia so với Việt Nam chỉ có khoảng 150.

Sức sống hàng Việt từ những doanh nghiệp nhỏ

Cũng theo khảo sát trên, nhìn ở 25 siêu thị và trung tâm thương mại lớn – nhỏ ở Phnom Penh, có khoảng trên 80% là sản phẩm nhập từ các nước hoặc các công ty đa quốc gia dán nhãn mác Thái.

Tuy nhiên, hàng Việt Nam chiếm thị phần áp đảo ở nhóm sản phẩm giá từ trung bình đến thấp và nhà sản xuất là cơ sở, doanh nghiệp nhỏ không có thương hiệu mạnh. Gần như tất cả các chợ, tiểu thương nói được tiếng Việt dù họ là người Khmer hay Hoa vì chính họ thường xuyên làm ăn, giao dịch với thương nhân Việt Nam.

Tại hai chợ lớn nhất của thủ đô Phnom Penh là Orussay và Phsar Thmây thì 100% các sạp bán quần áo trẻ em đều có hàng Việt Nam, bán mạnh nhất là loại có mức giá thấp nhập từ các cơ sở sản xuất nhỏ.

Nét khác biệt của hàng may mặc Việt Nam so với ba năm trước, chính là trên nhãn đều có tem phụ ghi bằng tiếng Khmer, ghi rõ xuất xứ “made in Vietnam” cùng tên cơ sở sản xuất như Nguyên, Ngân, Tí Ti, Bibi… Một số cửa hàng, sạp chợ đang nâng cấp kinh doanh, bày hàng bán theo kiểu tự chọn thì tất cả các mẫu quần áo cho trẻ em từ sơ sinh đến ba tuổi đều cùng loại, cùng hiệu với những sản phẩm đang bán ở Co.opmart hay Big C.

Sau hàng may mặc, ba nhóm sản phẩm hàng Việt Nam bán phổ biến ở 30 ngôi chợ lớn (có từ 100 sạp trở lên) tại Campuchia là hàng nhôm nhựa gia dụng, nước hoa và dụng cụ – nguyên liệu cho thợ làm tóc, làm nail, trang điểm…

Tất cả những loại sản phẩm mà các công ty lớn ít chú ý như kim, chỉ, nút, tăm xỉa răng, lược, gương… đều là sản phẩm từ chợ Bình Tây và Kim Biên đưa vào Campuchia. Một chủ sạp bán giày dép, quần áo, túi xách ở chợ Orussay cho biết: “Người Campuchia thích mua hàng Việt Nam vì vừa túi tiền. Đáng chú ý, cứ loại hàng Việt Nam nào bán chạy là Thái có hàng y chang”.

Làm ăn lớn: “nút thắt” đã mở

Biết rõ thị trường Campuchia đầy tiềm năng, nhưng suốt thời gian dài từ năm 2003 đến 2007, nhiều công ty lớn của Việt Nam vẫn chưa thể phát triển kinh doanh chính thức vì những chi phí phát sinh. Từ đầu năm 2008, nhiều doanh nghiệp đã giải được bài toán này.

Ông Võ Duy Hồng, trưởng phòng thương hiệu Casumina cho biết: “Công ty đã chọn cách xuất khẩu FOB. Sản phẩm Casumina xuất khẩu chính ngạch theo phương thức này, trách nhiệm vận chuyển, bán hàng, mở mạng lưới… giao hết qua nhà phân phối tại Campuchia. Và công ty chỉ hỗ trợ thêm kinh phí cho việc quảng bá, xây dựng mạng lưới.

Lợi thế là người địa phương, nhà phân phối ở Campuchia có thể tự tổ chức hình thức kinh doanh thương mại phù hợp, với mức chi phí rẻ hơn đến 25% so với các doanh nghiệp Việt Nam từng tiến hành trước đây. Nhờ vậy mà lốp ô tô và xe máy Casumina có thể bán cạnh tranh với hàng Thái Lan nhờ giá rẻ, chất lượng tốt”.

Cách khác, mà một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm, là bắt tay với thế hệ thương nhân mới là người thân của các quan chức địa phương hoặc quân đội. Họ từng học về marketing, quản trị kinh doanh ở Thái Lan, Singapore, Mỹ, Úc… Họ biết cách kết hợp các phương thức kinh doanh hiện đại với cách giao dịch truyền thống dựa trên uy tín và các mối quan hệ, nên có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập mạng lưới phân phối, cũng như đường vận chuyển hàng hoá, kho trữ hàng… rộng khắp các tỉnh từ Kandal, Svay Riêng, Battambăng... cho đến Phnom Penh, Siem Reap…

Nhiều vùng đô thị Campuchia đang trong giai đoạn phát triển, dấu hiệu thấy rõ là những siêu thị mini, cửa hàng tự chọn, cà phê máy lạnh wifi… được mở ra. Cơ hội phát triển kinh doanh theo bài bản hiện đại cũng mở với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Bắc Sơn, giám đốc tiếp thị công ty Điện Quang phân tích: “Đã đến lúc hàng Việt Nam không chỉ đem bán sang đây một sản phẩm đơn thuần, mà phải mang theo cả các giá trị cộng thêm như dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi, bảo trì, tư vấn, tham gia vào hoạt động chăm sóc cộng đồng… để xây dựng thương hiệu và tên tuổi”.

Nguồn: http://vietbao.vn

Quảng cáo sản phẩm