Thị trường đá tự nhiên của EU và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam

12/12/2008 11:29 - 2108 lượt xem

Các nước thuộc liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu sử dụng các sản phẩm đá và đá tự nhiên truyền thống lớn nhất trên thế giới. 10 nước tiêu thụ đá tự nhiên lớn nhất của EU hiện chiếm hơn 27% tổng số lượng tiêu thụ đá của toàn cầu.

Năm 2006, EU tiêu thụ 82,2 triệu tấn đá tự nhiên, trong đó 39% là các sản phẩm đã hoàn thiện có giá trị 7,7 tỉ USD. Italia và Tây Ban Nha là những nước tiêu thụ đá lớn nhất của EU, chiếm 31% và 19% tổng số lượng đá được tiêu thụ của EU.

Tình hình tiêu thụ và sản xuất

Nhu cầu về đá tự nhiên phục vụ cho ngành công nghiệp tăng mạnh từ năm 2002, tương đối ổn định sau năm 2005, đạt sản lượng khoảng 48,5 triệu tấn. Những nước sản xuất đá tự nhiên chính là Italia (49% tổng sản lượng của cả EU), Tây Ban Nha (19%), Hy Lạp (12%)… Tuy nhiên, hiện nay EU đang ngày càng nhập nhiều các sản phẩm đá đã hoàn thiện. Nhiều nước cung cấp các sản phẩm đá với giá rất rẻ cho EU, do đó sự phát triển trong ngành công nghiệp sản xuất đá tự nhiên của EU hiện đang phải đối mặt với khó khăn.

Nhìn tổng thể, nhu cầu về đá ở EU sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Trong khi các nước sản xuất đá truyền thống của EU như Italia, Tây Ban Nha… đang phải đối mặt với việc thiếu vốn đầu tư vào sản xuất, phân phối và marketing, thì nhu cầu về đá ngày càng tăng của EU là một viễn cảnh tươi sáng đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu đá của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngành sản xuất đá toàn cầu đang phát triển mạnh trong những năm gần đây do sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất mới, chủ yếu là từ các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Bên cạnh đó, mức độ sản xuất của các nước trong EU đang giảm xuống. Trong năm 2006, sản xuất đá tự nhiên và các sản phẩm đá của EU đạt 32,5 triệu tấn, tương đương 8,4 tỉ euro. Do ngành sản xuất đá tự nhiên ở EU hiện không đáp ứng được nhu cầu nội địa ngày càng tăng, nên các nhà xuất khẩu từ những nước đang phát triển đang có nhiều cơ hội để thama nhập thị trường đá của EU, đặc biệt là những nhà xuất khẩu có khả năng đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của EU. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, những yêu cầu này là tiêu chí quan trọng và đảm bảo lợi ích lâu dài khi xuất khẩu đá tự nhiên và các sản phẩm đá sang thị trường EU.

Trong những năm trước, ngành xây dựng là một cỗ máy điều khiển toàn bộ nền kinh tế của EU. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2008-2010, tốc độ phát triển của ngành sẽ co lại so với tốc độ tăng trưởng GDP. Nền kinh tế EU được dự đoán có tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng là 1,4% và sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2009 và 2010 với tốc độ tăng trung bình năm là 1,6%.

Trong năm 2007, ngành xây dựng ở khu vực Tây Âu chững lại với tốc độ tăng trưởng rất thấp và dự đoán trong năm 2008, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng ở khu vực này chỉ đạt khoảng 1%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến toàn bộ các ngành của Tây Âu, do đó ngành xây dựng cũng bị tác động. Thêm vào đó là giá nhà đất ở khu vực này như Tây Banh Nha, Anh và Ireland đã giảm nhu cầu đầu tư cho xây dựng. Với viễn cảnh chung, công suất xây dựng ở Tây Âu trong năm 2009 và 2010 sẽ chỉ tăng nhẹ với tốc độ tăng tương đương là 1,2% và 1,3%.
Trái với khu vực Tây Âu, khu vực Trung Âu và Đông Âu trong giai đoạn tới sẽ phát triển mạnh ngành xây dựng. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cảu khu vực Trung Âu và Đông Âu đạt 7,6% và dự đoán sẽ tăng lên 9,2% trong năm 2008 và đến năm 2010 là 7,6%. Ba Lan hiện đang nổi lên là một quốc gia năng động, với tốc độ phát triển hai con số. Tốc độ tăng trưởng của Cộng hoà Séc sẽ tiếp tục gây ấn tượng cho đến hết năm 2010. Mặc dù, sẽ có sự phát triển không ổn định trong thời gian tới nhưng thị trường tiêu dùng đồ vật liệu xây dựng ở khu vực Trung và Đông Âu đang tương đối sôi động. Người dân ở khu vực này đang có thu nhập tăng cao, do đó họ muốn đầu tư nhiều tiền của  vào ngôi nhà của mình hơn. Tiêu thụ đá tự nhiên và các sản phẩm đá cũng do đó mà phát triển.

Nhập khẩu đá của EU

Trong năm 2006, EU đã nhập khẩu 3,6 tỉ euro cho sản phẩm đá tự nhiên. Kể từ năm 2002, tốc độ nhập khẩu các sản phẩm này của EU tăng bình quân 7,8%/năm. Sở dĩ có tốc độ tăng cao như vậy là do nhu cầu lớn của các nước thành viên mới của EU. Thêm vào đó là do các nhà sản xuất ở Italia, Tây Ban Nha đang giảm dần.
Hiện nay, EU nhập khẩu khoảng 33% đá thô và 67% các sản phẩm đá hoàn thiện. Về đá thô, nhu cầu nhập khẩu chủ yếu là đá vôi và đá silic. Đối với sản phẩm đã hoàn thiện, EU nhập chủ yếu các sản phẩm gạch lát sàn, lát đường, đá dùng trong ma chay và các loại đá nghệ thuật…

Hiện nay, các nước đang phát triển đang chiếm khoảng 52% tổng sản lượng đá nhập khẩu của EU. Trong đó, các nước xuất khẩu đá chính sang EU là Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Các nước nhập khẩu đá lớn nhất là Italia, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Nhìn chung, các sản phẩm đá nhập khẩu từ các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Thị phần sản phẩm hoàn thiện ngày càng tăng và đang chiếm lĩnh.

Xuất khẩu đá của Việt Nam sang EU

Hiện nay, mặc dù ngành khai thác, sản xuất và xuất khẩu đá của Việt Nam còn rất non trẻ song tiềm năng phát triển tương đối lớn. Sản phẩm đá của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Trong đó xuất khẩu sang EU chiếm 75%. Hiện nay, xuất khẩu đá của Việt Nam chủ yếu dưới dạng sản phẩm đã hoàn thiện hoặc đá granit bán thành phẩm. Nghệ An là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đá lớn nhất cả nước. Theo dự đoán, năm 2008, xuất khẩu đá của tỉnh này đạt 25 triệu USD.

Mặc dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu, song xuất khẩu đá của Việt Nam sang thị trường EU mới chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số 52% thị phần đá nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính là do đa số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hiện vẫn chưa có kinh nghiệm bán hàng, thương thảo. Hiện nay, giá các sản phẩm đá không tăng, ngân hàng siết chặt nguồn tín dụng, lãi suất tăng, doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động nên dẫn đến ngừng trệ khâu khai thác và chế biến. Hơn nữa, quy mô sản xuất của các cơ sở chủ yếu là nhỏ lẻ, trang thiết bị lạc hậu khiến hàng hoá không có sức cạnh tranh.

Với một môi trường kinh tế hấp dẫn,  hiện đã có nhiều doanh nghiệp của EU đang hướng tới Việt Nam như một thị trường thay thế dần Trung Quốc. Để đón nhận các đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam canà phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa vào dây chuyền công nghệ và các mẫu mã đa dạng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay. Nhà nước hiện cũng đang nghiên cứu và đưa ra các chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Hy vọng đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đá của Việt Nam khi bước vào thị trường tiềm năng này.

 
Nguồn: www.vinanet.com.vn
Quảng cáo sản phẩm