Thị trường xuất khẩu: Cơ hội lớn từ các thị trường nhỏ

21/10/2008 10:44 - 1219 lượt xem

Có rất nhiều đánh giá, phân tích ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Một số tham tán thương mại (TTTM) Việt Nam tại các nước cho rằng, vẫn có những cơ hội để có thể giữ vững, tăng trưởng ở mức độ nhất định về xuất khẩu từ nay đến hết năm 2008 và cả năm 2009…

Theo đánh giá của một số TTTM Việt Nam tại một số thị trường lớn, khả năng suy giảm mạnh về số lượng, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam là khá rõ ràng.



Nguy cơ suy giảm mạnh ở nhiều thị trường lớn

Tại Mỹ, sức mua của người dân, doanh nghiệp giảm rõ rệt khiến hàng Việt Nam nhập vào Mỹ thực tế đã giảm mạnh ngay từ đầu năm 2008. Thống kê của bộ Công thương cho thấy, tám tháng đầu năm 2008, xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2007 (đạt 7,65 tỉ USD) trong khi tám tháng đầu năm 2007 tăng 25,7%.

Còn theo TTTM Việt Nam tại Pháp, các nhà nhập khẩu Pháp cũng đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Do hàng nhập về khó tiêu thụ, chi phí lưu kho bãi tăng, nên các doanh nghiệp giảm lượng nhập, áp dụng phương thức thanh toán trả chậm, tận dụng hàng trong nước đang được giảm giá mạnh...

TTTM tại Bỉ và EU, ông Trần Trung Thực cho biết, kim ngạch sáu tháng đầu năm 2008 của Việt Nam nhập vào Bỉ chỉ đạt 316,6 triệu Euro, giảm 12,56% so với cùng kỳ. Trong đó, quý 2, giảm 22,9% so với quý 1/2008. Có những mặt hàng kim ngạch giảm rất mạnh như va li, túi xách, túi kéo giảm tới hơn 50%. Đồ gỗ, nội thất từ gỗ giảm 39,3%. Hàng giày dép giảm 31%. Hàng dệt may giảm gần 25%... Tỷ giá Euro/USD biến động mạnh hiện nay cũng bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đánh giá chung của TTTM tại các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… vấn đề đáng lo khác là do lượng hàng nhập khẩu giảm, các nước xuất khẩu cũng phải cạnh tranh quyết liệt, giảm giá bán mạnh hơn. Do đó, giá xuất khẩu hàng hoá Việt Nam có nhiều khả năng phải giảm theo. Hơn nữa, ở các thị trường này, đang có một xu hướng đáng lo ngại là nhiều nước tăng cường sử dụng rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất nội địa, giảm thâm hụt cán cân thương mại. Do đó, cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Vẫn nắm “to” nhưng đừng buông nhỏ

Chính nhiều TTTM tại các khu vực, thị trường lớn đã có đánh giá, khả năng giữ vững và đẩy được kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm và cho cả năm 2009 lại nên trông nhiều vào các thị trường nhỏ, mới… Không phải các nước kém phát triển hơn Mỹ, Anh, Pháp… không chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đánh giá chung là mức độ bị ảnh hưởng, suy thoái ít hơn và nhu cầu về hàng Việt Nam tại các thị trường như ASEAN, Tây Á, Nam Á, một số nước châu Phi… còn lớn. Một số nước như Nam Phi, Morocco, Nigeria… là những thị trường mới của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này còn thấp nhưng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào đây đều được tiêu thụ khá tốt và được người tiêu dùng chấp nhận về giá cả, chất lượng.

Hay ở thị trường Iran, hàng hoá Việt Nam, nhất là các mặt hàng linh kiện điện tử, giày dép, may mặc, nông sản... được đánh giá có sức cạnh tranh tốt. Nhưng điểm hạn chế là hiện nay, hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường này, theo các TTTM là còn rất yếu, do ít kinh phí. Tổng kinh phí cho xúc tiến thương mại cả nước năm 2008 chỉ có 126 tỉ đồng, bằng 25% kinh phí xúc tiến thương mại của các năm trước 2005. Nhiều TTTM đã cảnh báo về bộ Công thương rằng, việc khai thác, phát triển các thị trường mới nổi, các thị trường nhỏ rất quan trọng, nhất là trong thời gian tới, nó giúp giảm bớt rủi ro của việc phụ thuộc vào các thị trường lớn, có thể nảy sinh nhiều bất trắc, biến động.

Nhưng những thị trường lớn, theo đề nghị của các TTTM, vẫn phải có những ứng phó, giải pháp để cạnh tranh, khai thác, ít nhất cũng không để suy giảm nhiều. Theo ông Phạm Xuân Yêm, TTTM tại Pháp, do kim ngạch các mặt hàng giày dép, may mặc, đồ gia dụng… có nhiều khả năng giảm sút nên việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lương thực, hàng nông, lâm, thuỷ sản rất cần thiết để bù lại. Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện nay, nên điều chỉnh nhanh cơ cấu xuất khẩu: giảm xuất khẩu khoáng sản, nguyên liệu thô và đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như sản phẩm công nghiệp nhẹ. Có TTTM đề nghị không đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều lao động vì hiệu quả kinh tế thấp và dễ bị kiện ở nước ngoài do nhu cầu bảo hộ sản xuất, tạo việc làm ở các nước nhập khẩu.

Một số TTTM khác lại khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh quan hệ với khách hàng quen, khắc phục nhanh những yếu kém hiện nay như tình trạng giao hàng chậm, thiếu, khả năng cung ứng và sức cạnh tranh các nhóm hàng mới...

 

Nguồn: doanhnghiep24g.vn


 

Quảng cáo sản phẩm