Thuế chống phá giá giày mũ da của Việt Nam: Không thể kéo dài hình thức bảo hộ mậu dịch

03/10/2008 08:33 - 1277 lượt xem

Từ ngày 7-10, mức thuế chống bán phá giá 10% mà Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam từ năm 2006 sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, I-ta-li-a - cường quốc giày da và một số nước có ngành sản xuất giày dép phát triển đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thuế chống bán phá giá đánh vào giày da của Việt Nam.

Đề nghị này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ 15/27 nước EU khác, những nước đã từ lâu cho rằng việc duy trì loại thuế này chính là “hình thức bảo hộ và không công bằng”. Mặt khác, việc áp thuế chống bán phá giá cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa EU với Việt Nam.

Trước đó, nhiều hiệp hội và tập đoàn sản xuất giày dép hàng đầu thế giới cũng kêu gọi EU hủy bỏ hình thức áp thuế chống bán phá giá trên, cho rằng biện pháp này không những ảnh hưởng tới người tiêu dùng châu Âu mà còn tới ngành sản xuất giày dép hiện đại của châu Âu. Ba hiệp hội này là: Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC - gồm 41 tổ chức người tiêu dùng quốc gia); Tổ chức thương mại châu Âu (Euro Commerce - gồm các hiệp hội thương mại và công ty của 30 nước châu Âu - đại diện cho các lĩnh vực bán lẻ, bán buôn và thương mại quốc tế của châu Âu) và Hiệp hội các nhà bán lẻ hàng thời trang châu Âu (AEDT - đại diện cho hơn 400.000 doanh nghiệp bán lẻ hàng thời trang và giày dép châu Âu). Như vậy, lực lượng đòi bãi bỏ thuế chống phá giá với giày Việt Nam đã hợp đủ các hiệp hội đại diện cho các ngành sản xuất, thương mại, và người tiêu dùng.

Quan điểm trên của các chuyên gia thương mại không có ý nghĩa quyết định, song có thể gây thêm sức ép để Ủy viên Thương mại của EU Pi-tơ Man-đen-xơn “nghĩ lại”. Vì thế, khả năng EC sẽ tiến hành rà soát và đưa ra các phán quyết mới với sản phẩm này là rất lớn. Đây có thể là biện pháp mang tính dung hòa những tranh cãi trong nội bộ khối. Trước đây, khi dự thảo áp dụng thuế chống phá giá lên giày da Việt Nam và Trung Quốc đưa ra năm 2006 cũng đã gây ra sự chia rẽ giữa các nước EU. Để hóa giải bất đồng quan điểm, EC đã thông qua việc áp thuế, nhưng chỉ áp trong vòng 2 năm thay vì 5 năm như thường lệ.

Hai năm qua, việc áp thuế chống bán phá giá đã khiến lượng giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu sang EU giảm sút đáng kể; đồng thời gây tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành da giày, tới đời sống hơn nửa triệu lao động Việt Nam, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Tác động của nó càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh tháng 6-2008 vừa qua, EU đã đưa ngành da giày Việt Nam ra khỏi diện được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009-2011.

Trong khi đó, Việt Nam đang làm hết sức để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác từ các nước châu Âu.

Thật ra, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chỉ bảo vệ quyền lợi của một vài nước sản xuất giày da châu Âu không bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, đặc biệt là quyền lợi của đông đảo người tiêu dùng châu Âu. Do đó, quyết định áp dụng và rà soát thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam là không công bằng và không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất, xuất khẩu giày da của Việt Nam. Việc EC xem xét quyết định rà soát đối với sản phẩm giày mũ da xuất khẩu từ Việt Nam đang gây ra quan ngại không chỉ trong các doanh nghiệp Việt Nam mà cả trong các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh hiện tại và tiềm năng của Việt Nam.

Nó đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại mà Cộng đồng châu Âu khuyến khích, trái với mục tiêu của các chương trình trợ giúp xóa đói, giảm nghèo mà EC và các nước thành viên dành cho Việt Nam, không phù hợp quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Pi-tơ Li-sớt Han-xen: Đan Mạch phản đối các biện pháp chống bán phá giá với giày dép da đối với những quốc gia như Việt Nam. Việc sử dụng các biện pháp bảo hộ không phải là câu trả lời đối với những thách thức đang gia tăng trên toàn cầu. Việc rà soát thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới nền kinh tế Việt Nam và các nhà tiêu dùng châu Âu. Chúng tôi ủng hộ việc cắt giảm các hàng rào thương mại.

 

Nguồn: kinhte24h.com

Quảng cáo sản phẩm