Thuốc giải cho bảo hộ thương mại

18/05/2018 03:01 - 935 lượt xem

Các nền kinh tế châu Á nên tăng cường động lực tăng trưởng nội địa, trong đó có tiêu dùng và đầu tư, từ đó giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài

Trong 5 thập kỷ qua, các nước châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện lời hứa về hướng tiếp cận bảo hộ hơn đối với thương mại - một động thái có thể gây ra hàng loạt biện pháp trả đũa từ những nước khác, mô hình tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Á ngày càng chịu nhiều áp lực.

Năm rồi, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, dựng lên hàng rào thuế quan đối với máy giặt và tấm pin năng lượng mặt từ Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Gần đây, Nhà Trắng còn đánh thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu, viện lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Mỹ chủ trương áp thuế với hàng loạt hàng hóa của Trung Quốc dựa trên cáo buộc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là sự đảo ngược đáng sửng sốt đối với những gì nước Mỹ đã làm suốt từ những năm 1930 trong vai trò thủ lĩnh chính của thương mại tự do. 

Tất nhiên, một số người tiền nhiệm của ông Trump cũng từng theo đuổi chính sách bảo hộ nhưng những quyết sách đó đều đến từ những bàn thảo thật sự với các đối tác thương mại. Trong khi đó, các hạn chế thương mại của ông Trump mang tính chất đơn phương hơn và khiêu khích hơn.

Những hành động của ông Trump dường như chẳng giúp được gì nhiều cho những ngành công nghiệp liên quan. Đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ, lợi ích lại càng ít hơn nữa. 

Chẳng hạn trong ngành thép, các biện pháp thuế quan có thể giúp cho một số ít công nhân kiếm được việc làm nhưng cùng lúc gây tổn hại một số lượng người lao động lớn hơn trong nhiều ngành liên quan khác như xây dựng, năng lượng, khí đốt và sản xuất ôtô. Các biện pháp thuế quan kiểu như vậy không có khả năng đảo ngược xu thế đi xuống của các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống tại Mỹ.

Thuế quan cũng không giúp ích gì nhiều cho cán cân thương mại Mỹ. Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông tin rằng thương mại toàn cầu là trò chơi phải có kẻ thắng người thua nên xem các biện pháp thuế quan là con đường trực tiếp để cắt giảm thâm hụt thương mại. 

Tuy nhiên, nguồn cơn thực sự của tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ nằm ở sự mất cân bằng vĩ mô trong nền kinh tế, như tiêu dùng hộ gia đình cao quá mức và thâm hụt tài khóa. Thuế quan không phải biện pháp giải quyết được những mất cân bằng như vậy.
Chính sách thuế mà ông Trump đưa ra sẽ đẩy cao rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã chuẩn bị cho một kết cục như vậy. 

Để ứng phó với những hạn chế ngày càng nhiều về thương mại của Washington, Bắc Kinh có thể giới hạn nhập khẩu máy bay hoặc các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành từ Mỹ. 

Ngay cả những nước đồng minh của Mỹ cũng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại. Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ cân nhắc các biện pháp trả đũa đối với hàng Mỹ, trong đó có rượu whisky và môtô.

Khi tuyên bố rằng "chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng chiến thắng", Tổng thống Donald Trump khó có thể sai lầm hơn. 
Chiến tranh thương mại toàn cầu làm suy yếu phục hồi kinh tế, gây tổn hại tới doanh nghiệp và người tiêu dùng bằng cách gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng. Các nền kinh tế châu Á vốn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Malaysia (xuất khẩu chiếm 71% GDP), Hàn Quốc (45%)… sẽ chịu tác động cực kỳ nặng nề.

Để giảm thiểu rủi ro, các nền kinh tế châu Á phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc bảo vệ thương mại tự do. Cùng với nhau, họ có thể sử dụng những diễn đàn như G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới) hoặc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để cải thiện cơ chế giám sát thương mại toàn cầu, giảm căng thẳng thương mại hoặc ngăn chặn các chính sách "làm nghèo hàng xóm". 

Để cải thiện cơ hội thành công, các nền kinh tế châu Á nên loại bỏ bất kỳ biện pháp bảo hộ nào đang duy trì tại thị trường nước nhà trong lúc tránh phá giá hàng hóa bán ở thị trường quốc tế. Trung Quốc - vốn đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ, EU và Nhật Bản vì những hành vi thương mại thiếu công bằng - phải chịu trách nhiệm lớn ở vấn đề này.

Châu Á cũng nên đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong khu vực. Mười nền kinh tế ASEAN cùng với 6 nền kinh tế Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand đã đồng ý thảo luận Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Thỏa thuận này có thể tạo đà cho mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong khu vực. Một thỏa thuận có tiềm năng khác là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế TPP sau khi Mỹ rời đi. Nếu Trung Quốc gia nhập hoặc Mỹ quay trở lại, tác động tích cực của hiệp định này sẽ gia tăng đáng kể.

Cuối cùng, các nền kinh tế châu Á nên tăng cường động lực tăng trưởng nội địa, trong đó có tiêu dùng và đầu tư, từ đó giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. 

Đồng thời, các nước cần cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng cách giảm bớt quy định về sản phẩm, lao động và các thị trường tài chính. Ngoài ra, các nền kinh tế châu Á nên coi những biện pháp thuế quan của Mỹ như một cơ hội để "tân trang" mô hình tăng trưởng của mình. 
Nguồn: Báo Người lao động
Quảng cáo sản phẩm