Thuỷ sản nhiễm dư lượng kháng sinh: Tìm thị trường dễ tính hơn

06/08/2007 08:11 - 1443 lượt xem

Thông báo mới nhất, ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan thực dược Mỹ cho biết đã thu giữ toàn bộ hàng cua ghẹ xuất khẩu từ Việt Nam với lý do đồng nhất:  có chloramphenicol bị luật pháp Mỹ cấm sử dụng trong thực phẩm... Người tiêu dùng Việt Nam cũng bắt đầu chia sẻ mối lo của người tiêu dùng Mỹ
Không kiểm soát nổi
 
Đã 3 năm nay Công ty TNHH Hải Nam (TP.HCM) không xuất cua, ghẹ sang Mỹ dù bà Nguyễn Thị Thu Sắc, giám đốc công ty cho biết mặt hàng này “đạt được lợi nhuận cao nhất” trong tất cả các loại thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Mới đây, Hải Nam vẫn có tên trong danh sách các công ty xuất khẩu thịt cua sang Mỹ “không được thông quan mà không cần kiểm tra” do Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa công bố. FDA cũng công bố 240 lô hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị từ chối vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, và buộc trả về xuất xứ trong 6 tháng đầu năm 2007. Nhiều nhất trong hàng trăm lô hàng vừa nói là các loại thuỷ sản đông lạnh, sơ chế hoặc đã chế biến…
 
Theo bà Sắc, những sản phẩm cua, ghẹ xuất sang Mỹ được công ty thu mua từ nguồn đánh bắt tự nhiên của ngư dân, thường xuyên bị nhiễm chloramphenicol là do các cơ sở sơ chế, bỏ chất bảo quản để sản phẩm giữ được độ tươi lâu hơn.
 
Một doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng có tên trong danh sách của FDA vừa công bố nói: “Chuyện cũng xảy ra gần 2 năm rồi. Tôi tưởng họ đã bỏ qua, nhưng không ngờ họ đưa lại tên”. Theo ông, khi bị nêu tên lại, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng đối với những mặt hàng khác khi xuất vào Mỹ và kể cả những thị trường xuất khẩu ở những quốc gia khác. Những quốc gia đang nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam, thường tham chiếu trang web của FDA.
 
Đã kiểm tra… vẫn nhiễm
 
Theo quy trình, sản phẩm thuỷ sản trước khi xuất khẩu đều phải qua sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ của Cục An toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản (Nafiquaved). Giá kiểm định mỗi container lên tới 300 USD, nhưng FDA vẫn phát hiện có dư lượng kháng sinh. Nguyên nhân, theo lý giải của bà Sắc, một lô hàng xuất khẩu, cục chỉ lấy ngẫu nhiên một mẫu kiểm tra, trong khi đó một lô hàng lại được thu mua từ nhiều nguồn khác nhau.
 
Khi kiểm tra sản phẩm, doanh nghiệp còn bị một vấn đề khó khăn khác là kết quả kiểm nghiệm của các trung tâm trái ngược nhau do trình độ kiểm nghiệm của những chuyên viên ở các trung tâm.
 
Không tiêu thụ nội địa?
 
“Chắc chắn không có chuyện các sản phẩm bị ách tắc ở thị trường nhập khẩu được doanh nghiệp bán ở thị trường nội địa”, bà Huỳnh Thị Thanh Giang, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK thuỷ sản An Giang khẳng định. Theo bà, những lô hàng nếu nhiễm vi sinh là phải tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Cách hạn chế thiệt hại khi bị phát hiện dư lượng kháng sinh, theo bà Sắc, doanh nghiệp “tìm những thị trường nhập khẩu khác dễ tính hơn”. Mà Việt Nam cho đến nay, đang là một trong những thị trường dạng đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu tình trạng này, các cơ quan quản lý của ngành cần thực hiện nghiêm túc và khắt khe hơn việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Nhưng giải pháp kiểm soát cũng mang ý nghĩa tình thế hơn là lâu dài.
 
Sơn Nghĩa
 
25/07/2007
 
Nguồn: sgtt
Quảng cáo sản phẩm