Thủy sản: thị trường nhỏ lên ngôi

08/04/2009 12:00 - 1025 lượt xem

Số lượng thị trường xuất khẩu thủy sản trong quý 1 năm nay tụt giảm mạnh và phần lớn các thị trường lớn, truyền thống lâu nay đều bị giảm kim ngạch, trong khi các thị trường nhỏ lại ngoi lên. Đây là điểm đáng chú ý của xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng qua.

Lớn thì giảm, nhỏ lại ngoi lên

Tại hội nghị giao ban xuất khẩu thủy sản quý 1 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep, cho biết trong 3 tháng qua, thủy sản Việt Nam xuất sang 122 thị trường, giảm 37 thị trường so với năm ngoái. Tuy nhiên, điều ông Hải lo lắng là phần lớn các thị trường lớn lâu nay của thủy sản nước ta như Mỹ, Nhật, EU đều giảm.

Tính từ đầu năm tới ngày 15-3, xuất khẩu thủy sản được 166.695 tấn với kim ngạch 579 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 8% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái mà nguyên nhân là do các thị trường tiêu thụ thủy sản chính giảm vì khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và trong nước thì khó khăn về nguồn nguyên liệu.

EU hiện vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất và trong quý 1 này, thị trường này chiếm 26% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, theo ông Hải, do khủng hoảng tài chính, nhu cầu tiêu thụ giảm nên xuất khẩu thủy sản sang EU giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 150,6 triệu đô la Mỹ. Trong khối này, có thị trường như Ý, Hà Lan giảm mạnh với 40%.

Tuy mua thủy sản của Việt Nam giảm nhưng đây lại là thị trường chiếm tới gần một nửa xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhật bản vẫn là thị trường mua thủy sản lớn thứ hai nhưng 3 tháng qua vẫn giảm hơn 9%, nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu tôm đông lạnh chiếm 1/3 xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Thị trường Mỹ tiếp tục giảm từ chỗ chiếm 16,5% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam, quý 1 này giảm xuống chỉ còn 15% do nhu cầu tiêu thụ thủy sản của quốc gia này tụt giảm nhanh hơn các thị trường khác. Thế nhưng điều đặc biệt là xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 3 tháng qua tăng đột ngột đến131%, đạt 18 triệu đô la Mỹ, trở thành thị trường mua cá tra lớn thứ hai sau EU của Việt Nam.

Những thị trường được xem là “nhỏ” lâu nay như Trung Quốc, Úc lại tăng mạnh. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong quý 1 tăng mạnh với 140% lên 12,7 triệu đô la Mỹ, còn tính chung cả ngành thủy sản thì xuất sang nước này tăng 38%. Úc cũng tương tự khi tăng mua thủy sản của Việt Nam lên 20% trong quý 1, trong đó riêng mua tôm đông lạnh tăng tới 73%.

Năm nay bằng năm ngoái

Trong dự báo của mình, ông Hải đã cho rằng dù có cố gắng thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay cũng chỉ bằng năm ngoái, tức xấp xỉ 4,5 tỉ đô la Mỹ. Ông đưa ra dự báo nói trên khi căn cứ vào thị trường của hai mặt hàng chính hiện nay là tôm đông lạnh và cá tra, ba sa của Việt Nam.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep thông báo một thông tin khiến các doanh nghiệp đồng loạt vỗ tay, là kể từ ngày 1-4 phía Mỹ đã bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá, phải ký quỹ (bond) với con tôm Việt Nam xuất sang nước này. Thời gian qua, nhiều nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam khốn khó với quy định ký quỹ này khi hàng năm mỗi doanh nghiệp phải đóng nhiều triệu đô la Mỹ.

Tuy vậy, xuất khẩu tôm hiện vẫn không có tín hiệu khả quan do nhu cầu của đa số thị trường giảm, đô la Mỹ rớt giá, còn các doanh nghiệp tôm trong nước thì hoạt động cầm chừng do thiếu hụt nguyên liệu, lượng tồn kho lớn và nguồn vốn không đảm bảo. Xuất khẩu tôm năm nay khó lòng bằng năm ngoái, ông Hải nhận định.

“Quý 2 và quý 3 năm nay là giai đoạn khó khăn nhất của ngành thủy sản Việt Nam vì đây là thời gian “tâm bão”, quyết định sự thành bại của ngành thủy sản bởi thông thường đây là thời gian kinh doanh phát đạt nhất trong năm cả về nguồn nguyên liệu trong nước lẫn bán hàng”, ông Hải nói.Xuất khẩu cá tra, ba sa sang Nga, dù có tín hiệu khai thông trở lại nhưng cũng bị hạn chế ít nhiều theo kiểu phía Nga có thể đóng lại bất kỳ lúc nào nếu doanh nghiệp trong nước không chịu ngồi lại với nhau, không chịu thay đổi tập quán kinh doanh cũ là ào ạt bán và phá giá theo kiểu “ta hại mình”.

Đạo luật Farm Bill 2008 của Mỹ cũng tiềm tàng một trở ngại lớn cho cá tra của Việt Nam nếu Bộ Nông nghiệp Mỹ trong thời gian tới, định nghĩa lại cá catfish, bao gồm luôn cả cá tra, ba sa của Việt Nam, có nghĩa cá tra sẽ liên tục bị thanh tra, giám sát của phía Mỹ. Đạo luật Nông nghiệp năm 2002 của Mỹ coi cá tra, ba sa của Việt Nam không phải là catfish.

“Định vị thị trường giá rẻ” là cơ hội cho con cá tra trong tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, nên ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch hội đồng quản trị Agifish ở An Giang, nhà xuất khẩu cá hàng đầu Việt Nam, cho rằng cá tra, ba sa vẫn là điểm nhấn quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam trong năm nay.

Mặt hàng này có triển vọng ở EU, nhất là Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ba Lan, rồi Nga thông tin mở cửa lại thị trường. Do vậy ông Hậu dự báo cá tra khá khả quan, ít nhất cũng bằng năm ngoái.

Cá tra, ba sa Việt Nam an toàn 100%

Trên trang điện tử tiếng A-rập của Bộ Nông nghiệp và cải cách Ai Cập đã đăng ý kiến của các quan chức bộ, ngành Ai Cập về cá ba sa, cá tra Việt Nam. Bài báo viết: Bộ trưởng Nông nghiệp và cải cách Ai Cập Amin Abaza khẳng định các mẫu phân tích và xét nghiệm chứng minh cá ba sa của Việt Nam an toàn 100%.

Về phần mình, tiến sĩ Hatim Al Zabali, Bộ trưởng Y tế nước này nói rằng tất cả các mẫu xét nghiệm về cá basa ở trung tâm nghiên cứu của bộ này 3 tháng qua cho thấy, trong 95 mẫu lấy từ 95 lô hàng cho kết quả 87 mẫu phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, 8 mẫu không đạt.Tiến sĩ Hamid Samaha, Chủ tịch Tổng cục Dịch vụ thú y nói rằng tất cả cá đông lạnh nhập khẩu, trong đó có cá ba sa, cá tra Việt Nam đều được kiểm nghiệm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm