Tìm giải pháp để hàng Việt vượt qua 'bão' phòng vệ thương mại

17/04/2020 12:00 - 584 lượt xem

Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn chất chồng về nguồn vốn, nguyên liệu, thị trường…DN xuất khẩu còn phải “đau đầu” với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Bộ Công thương vừa có thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra quý I/2020, khuyến nghị DN thận trọng.

12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tráp thuế trong quý I/2020

Theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2019, đã có trên 160 biện pháp PVTM được khởi xướng điều tra và áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam. Hàng hóa là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM sẽ ngày càng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngày 15/4, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo danh sách 12 mặt hàng có thể có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong quý I/2020.

Cụ thể, 12 mặt hàng này gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Mỹ; lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU; xe đạp điện xuất khẩu sang Mỹ, EU.

Trong đó, đáng chú ý là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng là mặt hàng đang bị thị trường Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Cục PVTM cho biết, tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thông báo chính thức điều tra trốn thuế PVTM đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam. Tháng 1/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế PVTM đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, cơ quan này đang thụ lý hồ sơ và cân nhắc việc khởi xướng điều tra.

Với mặt hàng tủ gỗ, đây là sản phẩm vừa bị thị trường Mỹ áp dụng thuế chống bán phá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 4 tỷ USD năm 2018 xuống còn 2,5 tỷ USD năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%). Xu hướng tăng đặc biệt thấy rõ kể từ tháng 3/2019 khi Hoa Kỳ bắt đầu điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc.

Đối với sản phẩm đá nhân tạo đã bị thị trường Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2019, nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng gấp 2,5 lần so với năm 2018, từ 46,3 triệu USD lên 118,2 triệu USD.

Theo Cục PVTM, từ thời điểm tháng 6/2019 sau khi biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức được áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc, nhập khẩu đá nhân tạo từ Việt Nam đã tăng mạnh. Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù kim ngạch xuất khẩu của hai đối tác này thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên rất có khả năng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với sản phẩm đá nhân tạo của Việt Nam.

Còn lốp xe tải và xe khách đang bị thị trường EU áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường EU đã giảm từ 618,5 triệu Euro năm 2017 xuống còn 180 triệu Euro năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 11.700 Euro năm 2017 lên 69 triệu Euro năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu lốp xe tải/xe khách bắt đầu gia tăng từ tháng 5/2018 trùng với thời điểm EU áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Riêng với xe đạp điện xuất khẩu sang Mỹ, EU, hiện sản phẩm của Trung Quốc đang bị thị trường EU áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và bị thị trường Mỹ áp thuế 25% theo Mục 301 Luật Thương mại 1974. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng từ 74 triệu Euro năm 2018 lên 87,5 triệu Euro năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng từ 4,5 triệu USD năm 2018 lên 18,6 triệu USD năm 2019.

Vượt qua “cơn bão” PVTM như thế nào?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phải đối diện với các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyên nhân cơ bản là do tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó việc làm giả Giấy xác nhận của địa phương, giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, cắt dán con dấu giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài…khá phổ biến.

Trước tình hình trên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để tránh tình trạng bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ thì đầu tiên bản thân các DN cần làm ăn đàng hoàng, chân chính. DN không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chúng ta đều thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, DN đối diện với nguy cơ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới các DN  sản xuất, kinh doanh chân chính.

Đặc biệt, về lâu dài DN cần hướng đến xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Song song với đó, DN phải thường xuyên nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện để có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện PVTM khi xây dựng chiến lược xuất khẩu. Đồng thời, tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước. Lưu ý, trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Canada thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công thương, các DN cần chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra.

Thời gian tới, để hạn chế các tác động tiêu cực đối với DN Việt Nam, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN về dự báo, cảnh báo sớm đối với các biện pháp PVTM. Từ đó, kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Mặt khác, Bộ này cũng đang tích cực áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ nền sản xuất, DN trong nước./.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

Quảng cáo sản phẩm