Toàn cảnh các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam năm 2014

29/06/2015 12:00 - 2844 lượt xem

Trong lịch sử đối phó với các biện pháp phòng vệ ở nước ngoài, 2014 là một năm đầy sóng gió đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đây không chỉ là năm giữ kỷ lục về số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) từ trước tới nay mà các vụ kiện xảy ra trong năm cũng mang nhiều điểm khác biệt so với các vụ kiện đã từng xảy ra.
 
Sản phẩm bị điều tra Nước điều tra Ngày khởi xướng Ghi chú/Thông tin cập nhật
Điều tra chống bán phá giá
Đá Granite Thổ Nhĩ Kỳ 12/12/2014 Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá – Chưa có kết luận
Ống thép hàn không gỉ cán nguội Thổ Nhĩ Kỳ 12/12/2014 Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá – Chưa có kết luận
Bộ đồ ăn và dụng cụ làm bếp bằng nhựa Melanine Ấn Độ 28/10/2014 Chưa có kết luận 
Máy chế biến nhựa Ấn Độ 14/10/2014  Chưa có kết luận
Ống thép dẫn dầu Canada 21/07/2014 Kiện đúp chống bán phá giá và chống trợ cấp; Thuế chống bán phá giá tạm thời: 53.2%;
Thép mạ kẽm Australia 11/7/2014 Chưa có kết luận 
Đinh thép Hoa Kỳ 19/06/2014 Kiện đúp chống bán phá giá và chống trợ cấp; Thuế chống bán phá giá tạm thời: 93.42-323.99%
Điều tra chống trợ cấp
Ống thép dẫn dầu Canada 21/07/2014 Kiện đúp chống bán phá giá và chống trợ cấp; Thuế chống trợ cấp tạm thời: 19%
Đinh thép Hoa Kỳ 19/06/2014 Kiện đúp chống bán phá giá và chống trợ cấp; Thuế chống trợ cấp tạm thời: 0.17 – 8.35%
Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
Điện thoại di động Thổ Nhĩ Kỳ 05/12/2014 Chưa có kết luận
Thép cuộn không gỉ cán nguội Ấn Độ 19/09/2014 Chưa có kết luận
Sợi Filament đàn hồi Ấn Độ 28/02/2014 Chấm dứt điều tra, không áp dụng biện pháp tự vệ do không có thiệt hại
Thép hợp kim Indonesia 12/02/2014  
 
Năm 2014 – Năm kỷ lục về số lượng các vụ điều tra

Năm 2014, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là đối tượng của tổng cộng 13 vụ điều tra phòng vệ thương mại ở nước ngoài, trong đó có 7 vụ chống bán phá giá và/hoặc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, 2 vụ chống trợ cấp và 4 tự vệ.

Sự gia tăng số lượng các vụ điều tra đối với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2014 nằm trong xu hướng tăng của các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới và về cơ bản là không quá bất ngờ.

Những năm gần đây, trào lưu nở rộ của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã mở ra các cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất hàng hóa, nhưng đồng thời cũng thu hẹp các công cụ can thiệp chính sách truyền thống (biện pháp thuế quan, trợ cấp…) mà Chính phủ các quốc gia có thể sử dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mình. Như một phản ứng tất yếu tức thời, nhiều ngành sản xuất nội địa ở các thị trường nhập khẩu có xu hướng đổ dồn sang sử dụng những công cụ vẫn còn được phép duy trì sau các FTA như phòng vệ thương mại. Cùng với đó là những khó khăn nội tại của các nền kinh tế cũng khiến cho tần suất sử dụng các công cụ này cao hơn, như là một đối sách để đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Cảnh báo này đã trở thành hiện thực trên thực tiễn thương mại thế giới khi mà trong ba năm liên tiếp (2011-2013), báo cáo của WTO ghi nhận sự gia tăng dần của các biện pháp phòng vệ thương mại. Và với các doanh nghiệp Việt Nam thì thực tế của năm 2014 đã chứng minh rất rõ xu hướng này.

Năm 2014 – Năm của những vụ điều tra phòng vệ thương mại “khác biệt”

Đối với riêng Việt Nam, năm 2014 ngoài sự gia tăng đột biến về số lượng, các vụ điều tra phòng vệ thương mại năm 2014 còn có nhiều điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, hàng xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt nhiều với các vụ kiện chống trợ cấp tại các thị trường mới. Nếu các Doanh nghiệp, Hiệp hội đã dần chấp nhận và sẵn sàng “sống chung với lũ” với việc kháng kiện chống trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ thì năm 2014 hàng xuất khẩu Việt Nam lại phải đối mặt với cuộc điều tra chống trợ cấp tại các thị trường mới như EU và Canada.

Thứ hai, hàng hóa Việt Nam bị kiện ở nhiều thị trường vốn không phải là thị trường xuất khẩu lớn và các sản phẩm không phải là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong số 13 vụ điều tra phòng vệ thương mại, có tới 3 vụ điều tra tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và 3 vụ điều tra tại Ấn Độ.Kim ngạch nhập khẩu hàng Việt Nam tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013 lần lượt là 2.8 triệu đô la Mỹ và 1.6 triệu đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng không lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia trong top 5 quốc gia có tần suất sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên nhất thế giới. Vì vậy, việc hai quốc gia này khởi xướng liên tiếp các điều tra phòng vệ thương mại là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, việc theo đuổi kháng kiện tại thị trường nước ngoài lại là một thách thức. Các vụ kiện này cho thấy những mặt hàng có lượng và kim ngạch xuất khẩu không cao vẫn có thể là đối tượng của các vụ điều tra phòng vệ thương mại ở những thị trường mà Việt Nam không xuất khẩu nhiều. Các vụ kiện trong quá khứ và năm 2014 tiếp tục là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu về rủi ro này.

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh về các vụ kiện phòng vệ thương mại năm 2014 đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cho thấy một xu thế nhiều rủi ro. Điều này một lần nữa đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cần đặc biệt chú ý tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại, dù là loại hàng hóa nào, dù là xuất khẩu đi thị trường nào. Và trong mọi vụ việc thì sự hiểu biết đầy đủ, tâm thế chủ động, bình tĩnh và sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là những yếu tố cốt lõi để các doanh nghiệp Việt Nam kháng kiện hiệu quả.
Quảng cáo sản phẩm