Tình hình xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và những giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường

13/01/2009 04:09 - 2431 lượt xem

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ là mặt hàng có truyền thống lâu đời của Việt Nam, và được xuất khẩu khá sớm so với các mặt hàng khác, đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đồng thời có một vai trò quan trọng trong giải quyết một số vấn đề kinh tế xã hội tại nông thôn.

Là mặt hàng có mức độ tăng trưởng khá cao trong những năm qua,bình quân khoảng 20% trên 1 năm, với kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD trong năm 2004 và đạt hơn 750 triệu USD vào năm 2007, dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2008. Thị trường xuất khẩu TCMN của nước ta ngoài các nước chủ yếu như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh , Pháp, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan... Hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cũng là mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất lớn.
Mặc dù ngành thủ công mỹ nghệ có kim ngạch xuất khẩu không cao so sánh nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, nhưng hàng mỹ nghệ lại mang về cho đất nước thực thu ngoại tệ có một tỷ trọng rất cao trong kim ngạch xuất khẩu của mình. So với một số mặt hàng khác như may mặc, gỗ và giày da do nguyên liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài giá trị gia tăng của các ngành này chủ yếu là chi phí gia công và khấu hao máy móc thiết bị, cho nên giá trị thực thu ngoại tệ mang về cho đất nước chỉ chiếm một tỷ trọng từ 5-20% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu.

Nhưng đối với hàng thủ công mỹ nghệ do sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đặc biệt là các nguồn nguyên vật liệu, được thu lượm từ phế liệu và thứ liệu của nông lâm sản, chẳng những mang lại hiệu quả từ thực thu giá trị ngoại tệ rất cao, có những mặt hàng TCMN hầu như đạt 100% giá trị xuất khẩu, còn lại cũng đạt trên 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đồng thời xuất khẩu hàng TCMN đã giúp xã hội thu hồi một bộ phận chất thải nôngnghiệp sau chế biến và thu hoạch, đã biến phế liệu trở thành những sản phẩm xuất khẩu, góp phần tích cực cho việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên mức độ phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ vẫn còn hạn chế so với tiềm năng của nó: đặc biệt những năm gần đây doanh thu xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mặc dù có tăng trưởng nhưng vẫn không đạt được chỉ tiêu đề ra, ngoài một số mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ, các mặt hàng TCMN còn lại đã bộc lộ nhiều điểm yếu.

Mẫu mã sản phẩm chậm cải tiến, thiếu mặt hàng mới, kiểu dáng sản phẩm không theo kịp tập quán và thói quen tiêu dùng của thị trường xuất khẩu, sản phẩm không dự đoán được những biến đổi khí hậu của từng địa phương. Sản phẩm thiếu đồng bộ, tính hoàn thiện sản phẩm còn thấp, công dụng không rõ nét, độ an toàn chưa được chú ý, bao bì không hấp dẫn... đặc biệt là thiếu sản phẩm được thiết kế kiểu dáng sáng tạo từ đơn vị trực tiếp sản xuất, chi phí giá thành sản phẩm vẫn còn cao, làm giảm đi khả năng cạnh tranh của hàng hoá. Những mặt hàng được sản xuất mang đặc tính và tượng trưng của từng địa phương còn hạn chế, chưa gây được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng và các nhà phân phối.

Mặc dù có trên 200 làng nghề, 1,4 triệu lao độngvà 1000 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng TCMN, nhưng đa số vẫn là các đơn vị vừa và nhỏ, quy mô sản xuất manh mún, nhà xưởng sản xuất còn thiếu và máy móc thiết bị phụ trợ sản xuất còn đơn sơ, lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu của những đơn hàng lớn, hoặc khi có đơn hàng lớn lại gặp phải thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, phải huy động các cơ sở gia công riêng lẻ, dẫn đến chất lượng hàng hoá không ổn định, hoặc thời gian giao hàng kéo dài không đảm bảo được thời gian hợp đồng.

Sự liên kết giữa các nhà sản xuất và kinh doanh còn hạn chế, thiếu chiến lược cộng tác lâu dài. Hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà sản xuất không được quan tâm, thiếu tin cậy lẫn nhau: tranh mua tranh bán, làm giảm hiệu quả kinh doanh, chưa phát huy được thế mạnh của cộng đông. Lực lượng lao động thiếu ổn định do thu nhập của ngành mỹ nghệ còn thấp so với các ngành khác. Lao động sau đào tạo nghỉ việc tự lập cơ sở sản xuất hoặc chuyển qua các ngành có thu nhập cao, làm cho đơn vị sản xuất TCMN thường gặp khó khăn về lao động có tay nghệ.

Các đơn vị sản xuất nhỏ thường thiếu thông tin, thiếu vốn, khả năng tiếp thị và xúc tiến thương mại rất hạn chế, hàng hoá nhiều lúc phải bán qua nhiều trung gian, làm cho giá bán thấp, sản xuất thiếu hiệu quả, không có khả năng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang bị và cải tiến máy móc thiết bị, hạn chế việc phát triển và nâng cao chất lượng lẫn số lượng sản phẩm.

Do ảnh hưởng của các mặt tồn tại tren, đã và đang làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm TCMN của nước ta so với các nước khác trong khu vực.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu đưa sản phẩm TCMN phát triển bền vững hướng tới mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỷ USD hàngTCMN vào năm 2010 chúng ta cần quan tâm và cần tăng cường những biện pháp sau:

-Các DN sản xuất hàng TCMN nên chủ động liên kết lại xây dựng làng nghề hoặc cụm sản xuất TCMN. Mỗi cụm hay làng nghề có thể do 5-10 doanh nghiệp cộng tác thành lập, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh như chia sẻ các hợp đồng lớn hoặc phân công phân khúc sản xuất. Tận dụng và phát huy hết công năng cơ sở vật chất và năng suất của máy móc thiết bị tại các đơn vị. Bổ sung lẫn nhau và ổn định việc làm cho lực lượng lao động. Thông qua cụm sản xuất hoặc làng nghề để phô trương khả năng sản xuất, nâng tính phong phú đa dạng sản phẩm thu hút sự quan tâm và lòng tin của người mua hàng.

-Tăng cường việc kiểm tra chất lượng sản phẩm khi sản xuất, để đảm bảo tính đồng nhất và ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời khắc phục những sản phẩm có khuyết điểm, để hoàn thiện sản phẩm đảm bảo về tính thẩm mỹ, tính an toàn khi sử dụng, xây dựng lại niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm mỹ nghệ của mình.

-Tăng cường công tác thu thập thông tin bằng nhiều hình thức để đảm bảo nắm bắt những nhu cầu, tập quán và phong tục của từng địa phương, cũng như các chính sách quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu thiết kế sản xuất sản phẩm thích hợp để xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu.

-Hội cần phát động và xây dựng phong trào thiết kế sáng tạo kiểu dáng sản phẩm bằng các giải thưởng trong giới doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN, cũng như các nghệ nhân, sinh viên học sinh để bổ sung mẫu mã sản phẩm mới cho ngành TCMN Việt Nam được đa dạng hoá và phong phú thêm.

-Bố trí lại sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất cho từng loại sản phẩm để tăng năng suất lao động, để giảm giá thành sản phẩm, và đảm bảo tiến độ giao hàng.

Đối với nhà nước

Cần có chính sách ưu đãi tạo điều kiện dễ dàng về thủ tục, khuyến khích phát triển và tổ chức các làng nghề hoặc cụm sản xuất TCMN tại các nơi có điều kiện phát triển sản xuất ngành TCMN: cụ thể là ở nông thôn và vùng ven đô thị để tận dụng nguyên liệu và nguồn lao động tại chỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Có chủ trương tài trợ cho vay ưu đãi các dự án phát triển ngành TCMN, tạo điều kiện cho các đơn vị TCMN mở rộng và phát triển sản xuất hàng TCMN.
Có vay tín chấp với các đơn vị đã có hợp đồng xuất khẩu, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thực hiện hợp đồng (có thể thông qua sự giới thiệu của hội).

Có chế độ thuế riêng đối với nguyên liệu đầu vào của ngành TCMN, chú ý đến tính đặc thù của từng loại nguyên liệu, đặc biệt không bắt buộc phải có hoá đơn tài chính đốivớicác nguyên liệu thuộc phế liệu, thứ liệu,  chất thải từ nông sản sau thu hoạch hoặc chế biến được thu mua hạơc thu gom từ nông dân. Nếu sợ thất thu thuế thì nên có chế độ cho  phép đơn vị sản xuất hàng  TCMN thu mua nguyên liệu nộp thuế thay người bán, để doanh nghiệp yên tâm thu mua nguyên liệu tập trung sản xuất tránh để doanh nghiệp vừa lmà vừa sợ bị xuất toán chi phí giá thành nguyên liệu, ảnh hưởng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Có quy định cụ thể về việc sử dụng laođộng nhàn rỗi không thường xuyên ở nông thôn, đối với lao động gia công hàng TCMN , để chi phí tiền gia công được chấp nhận là chi phí hợp lý.

Có chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại cho ngành TCMN thường xuyên trong và ngoài nước đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ để mở rộng thị trường xuất khẩu trực tiếp đến nhà phân phối, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thường xuyên cung cấp thông tin dự báo về diễn biến thị trường, giá cả và các thay đổi qui định về pháp luật nhập khẩu hàng TCMN của các nước, để tránh rủi ro cho doanh nghiệp hoặc định hướng mở rộng thị trường.

Hỗ trợ cho hội ngành nghề tổ chức các lớp dạy nghề, nâng cao trình độ sản xuất, quản lý, thiết kế sang tác mẫu sản phẩm TCMN.

Tài trợ cho các giải sáng tác mẫu mã kiểu dáng sản phẩm TCMN, để khuyến khích thiết kế sáng tạo, phát triển các mẫu mã sản phẩm TCMN mới, phù hợp với nhu cầu thị trường để khẳng định và tăng cường khả năng cạnh tranh sản phẩm TCMN Việt Nam đối với thị trường thế giới.

Nếu chúng ta có chính sách khuyến khích phù hợp,sẽ giúp doanh nghiệp ngành TCMN có điều kiện đầu tư phát triển, tăng cường khả năng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã riêng, kiểu dáng đẹp, chất lượng phù hợp, hữu ích với giá cả hợp lý có khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu, thì việc thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD vào năm 2010 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Nguồn: http://www.vinanet.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm