Tình hình xuất nhập khẩu tháng 2/2009

04/03/2009 12:00 - 1199 lượt xem

Tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 25,1 % so với tháng 2/2008. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 86,3%, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 14,0%.

Tuy nhiên, tính chung 2 tháng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 8,02 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4,25 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tháng 2 tăng so với tháng 2/2008 chủ yếu do tăng lượng xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản đang vào thời vụ thu hoạch như: cà phê tăng 74,4%, nhân điều tăng 83,3%, chè các loại tăng 60%, hạt tiêu tăng 186,9%, gạo tăng 98,2%. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng gạo và nhân điều thì giá của các mặt hàng nông sản đều giảm đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm mặt hàng này.

Nhóm mặt hàng khoáng sản, lượng xuất khẩu dầu thô tăng 42,6%. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu giảm mạnh làm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 35,1%; lượng xuất khẩu than đá giảm 7,2% nhưng do giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3%; Riêng mặt hàng quặng và khoáng sản khác, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, chỉ bằng 37,5% so với tháng 2/2008.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng công nghiệp chế biến tăng so với cùng kỳ như: sản phẩm hoá chất tăng 281,0%, thuỷ tinh và sản phẩm thuỷ tinh tăng 44,2%, sản phẩm từ sắt thép tăng 46,4%, hoá chất tăng 33,3%, dệt may tăng 25%, da giầy tăng 27%, sản phẩm chất dẻo tăng 19,6%. Ngoài ra, đóng góp vào mức tăng chung còn có một số mặt hàng khác như: túi xách, va li và ô dù, mây, tre, cói, thảm, giấy, ... với mức tăng trưởng từ 5- 10%. Cũng trong nhóm hàng này nhưng sản phẩm gỗ giảm 13,9% và hàng điện tử và linh kiện máy tính giảm 4,2%.

Ngoài nhóm mặt hàng trên, mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm (chủ yếu là vàng) đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu (khoảng 800 triệu USD), nếu loại trừ yếu tố này thì xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng hơn 2%.

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tăng do: Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang vào vụ thu hoạch nên lượng xuất khẩu tăng; giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này tận dụng thời cơ để xuất khẩu gây yếu tố xuất khẩu vàng đột biến tăng cao.

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu tăng trong tháng 2 còn có một số mặt hàng công nghiệp chế biến như sản phẩm gỗ, cao su, sản phẩm từ cao su, hàng điện tử và linh kiện máy tính, dây điện và cáp điện do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ giảm, các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp sản xuất,... đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu ,đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 2 tháng năm 2009 giảm 23,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 28,6% so với với cùng kỳ, nhưng tăng 32 % so với tháng 1/2009. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 35,8%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2%.

Tính chung 2 tháng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,73 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4,91 tỷ USD, giảm 48,7%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,8 tỷ USD, giảm 29,8%.

Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng giảm cả về lượng và trị giá ở hầu hết các mặt hàng là nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến. Các mặt hàng tiếp tục giảm sâu như: phôi thép giảm 76,8%, ô tô nguyên chiếc giảm 72,9%, thép giảm 71,6%, thức ăn gia súc giảm 61,2%, gỗ giảm 55,8%, bông giảm 54,3%, xăng dầu giảm 52,9%,... nguyên nhân chính do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, việc ký kết hợp đồng mới khó khăn, sản xuất chững lại dẫn đến nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất giảm. Nhóm các mặt hàng tiêu dùng cũng giảm do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm.

Ngoài nguyên nhân do khủng hoảng kinh tế thế giới, ước tính sự biến động giảm của một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đóng góp khoảng 16,1% vào mức giảm của kim ngạch nhập khẩu.

Nguồn: http://www.moit.gov.vn
Quảng cáo sản phẩm