Tổng thống Trump tuyên bố áp lại thuế nhôm, thép đối với một số nước và nguy cơ các thương chiến mới

04/12/2019 12:00 - 1094 lượt xem

Sáng ngày 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp lại thuế quan và có hiệu lực ngay lập tức, đối với tất cả thép và nhôm được nhập khẩu vào Mỹ từ Brazil và Argentina. Thông báo bất ngờ được đưa ra sau khi Nhà Trắng đang chuẩn bị quay trở lại cách tiếp cận thương mại để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm tới.

Chính quyền cũng đã tiến gần đến việc đạt được thỏa thuận với Đảng Dân chủ trong Hạ viện để cải tổ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, và căng thẳng với Trung Quốc đã giảm bớt trong những tuần gần đây.

Thuế quan của Mỹ đã nhắm vào một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất ở Brazil vào thời điểm kinh tế đặc biệt dễ bị tổn thương. Thất nghiệp trên 10% và nền kinh tế đã bị đình trệ. Ngành công nghiệp thép, một trong những động cơ kinh tế của đất nước này, cũng đang ngày càng chao đảo, cắt giảm các dự báo tăng trưởng vào đầu năm nay.

Xuất khẩu thép của Brazil sang Mỹ chiếm khoảng 2,6 tỷ đôla vào năm ngoái - khiến Mỹ trở thành một trong những thị trường lớn nhất đối với thép của Brazil và các nhà phân tích dự đoán mức thuế sẽ gây tổn thất lớn. Argentina đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế và đang phải đối mặt với lạm phát tăng nhanh và sự thu hẹp kinh tế. Đồng peso đã mất hơn một nửa giá trị kể từ năm ngoái. Để ứng phó và chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất rõ rệt. Những rắc rối ở Argentina đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Brazil, mặc dù hiện không rõ những hành động nào đã khiến Tổng thống Trump đưa ra thông báo đột ngột ngày 2/12.

Tại Brazil, tin tức về thuế quan thép đã làm choáng váng các quan chức, những người trong gần một năm này đã tìm cách phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Thị trường đã tăng tới 21% kể từ khi Tổng thống Trump công bố thuế quan đối với nhôm, thép vào ngày 3/1/2018, cho thấy ông Trump không quá quan tâm đến một cú hích thị trường nếu đẩy mạnh căng thẳng thương mại. Bộ Tài chính Mỹ mỗi năm hai lần đưa ra một báo cáo xem xét các chính sách tiền tệ của tất cả các nền kinh tế lớn để xác định xem có quốc gia nào đang thao túng tiền tệ không đúng cách hay không. Đây ít nhất là lần thứ hai Tổng thống Trump tuyên bố về các chính sách của một quốc gia khác mà không phù hợp với đánh giá chính thức của Bộ Tài chính.

Vào tháng 8, Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đã thao túng tiền tệ, buộc Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phải khẳng định như vậy mặc dù không phát hiện ra Trung Quốc đang thao túng tiền tệ trong đánh giá chính thức. Và trong báo cáo mới nhất, được đưa ra vào tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã không cho rằng Brazil hay Argentina đã làm bất cứ điều gì không đúng trong việc xử lý tiền tệ của họ. Thay vào đó, báo cáo đó nói rằng đồng đôla Mỹ đã mạnh lên so với các loại tiền tệ của Brazil và Ấn Độ khi áp lực bên ngoài đối với nhiều thị trường mới nổi tăng lên giữa các cuộc khủng hoảng ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố ngày 2/12 đánh dấu bước ngoặt mới nhất trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump, đã trở thành yếu tố cố định chính trong các chính sách đối ngoại và kinh tế của ông. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tìm cách giành được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong năm nay, đang tập trung vào thỏa thuận thương mại một phần được gọi là giai đoạn 1, và sẽ bao gồm các khoản mua lớn của Bắc Kinh đối với các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Hạn chót tiềm năng tiếp theo có thể đưa Mỹ và Trung Quốc đến bàn đàm phán là vào ngày 15/12, khi đợt thuế tiếp theo của Tổng thống Trump dự kiến sẽ tác động đến khoảng 160 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 3/2018, các nhà cung cấp thép hàng đầu bao gồm Brazil, Hàn Quốc và Nhật Bản đã phàn nàn rằng Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vẫn chưa thiết lập một quy trình để các nước áp dụng miễn trừ thuế chỉ vài ngày trước khi thuế đối với thép, nhôm sản xuất ở nước ngoài đã được lên kế hoạch có hiệu lực. Vào thời điểm đó, Brazil là nhà cung cấp thép số 2 cho Mỹ. Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu 34,6 triệu tấn thép từ 85 quốc gia. Tổng thống Trump áp đặt thuế thép và nhôm sau khi Bộ Thương mại Mỹ phát hiện ra rằng số lượng lớn hàng nhập khẩu này gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã cố gắng sử dụng những công cụ này và các mức thuế khác làm đòn bẩy chống lại các quốc gia khác nhằm thay đổi chính sách thương mại của các nước đó.

Vào tháng 6, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Mexico và thậm chí đóng cửa biên giới Mỹ nếu không kiểm soát được dòng người di cư qua lại. Điều này đã khiến Mexico phải đàm phán và thực hiện một số thay đổi. Ban đầu, thuế thép và nhôm mà Trump áp đặt dường như dẫn đến sự hồi sinh ngắn ngủi của ngành thép trong nước, khiến các công ty mở rộng sản xuất khi giá tăng. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy sự phục hưng này là ngắn ngủi, và một số nhà máy đã bắt đầu cắt giảm công nhân trong bối cảnh giá trị cổ phiếu và giá thép giảm.

Nguồn Báo Công thương
Quảng cáo sản phẩm