Tránh “vạ lây” từ quan hệ Mỹ- Trung- EU

14/04/2019 12:00 - 626 lượt xem

Quan hệ giữa bộ ba Mỹ- Trung- EU luôn luôn tồn tại đan xen giữa chiến và hòa, khiến cho kinh tế thế giới khó tránh khỏi bị “vạ lây”.

Hiếm thấy từ trước tới nay mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và EU lại đồng thời trắc trở như vậy.

Ba phe giữa chiến và hòa

Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục đàm phán để giải quyết xung đột thương mại. Hai bên đã gia hạn thời hạn đàm phán vượt quá ngày 1/3 vừa qua và chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Trên danh nghĩa, hai bên đàm phán để xử lý cuộc xung đột thương mại mà Mỹ đã phát động nhằm vào Trung Quốc, nhưng trong thực chất, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc nhằm mục đích không để Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về kinh tế, khoa học kỹ thuật và quân sự. Cuộc đấu này không khoan nhượng và liên tục, nên đàm phán lần này dẫu có đạt được kết quả gì thì cũng chỉ là khoảng thời gian hoà hoãn giữa hai trận đấu.

Trong khi EU và Trung Quốc vừa có cuộc gặp cấp cao thường kỳ lần thứ 21. Bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích giữa 2 bên sâu sắc đến mức bản tuyên bố chung cho sự kiện này tưởng như không thể được thông qua. EU không dấu diếm tâm trạng hài lòng vì cho rằng Trung Quốc đã chịu nhượng bộ rất đáng kể về mở cửa thị trường và cam kết không ép buộc các doanh nghiệp của EU phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Hai bên còn nhất trí cùng nhau thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có nghĩa cả EU và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy tự do hoá mậu dịch trên phạm vi toàn cầu và đề cao vai trò của WTO để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực thi rất quyết liệt.

Sở dĩ Trung Quốc nhượng bộ EU vì quốc gia này muốn tranh thủ EU để tập trung đối phó Mỹ và phân hoá EU với Mỹ, nhưng việc đáp ứng những yêu cầu của EU không khác những gì mà Mỹ muốn Trung Quốc phải đáp ứng. Do đó, dù cuộc gặp cấp cao này giữa EU và Trung Quốc được EU coi là thành công, nhưng thực chất chưa thể giúp giải quyết ổn thoả mọi vướng mắc lâu nay trong mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.

Xung đột chưa có hồi kết

Cũng vào thời điểm này, Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế quan trừng phạt đối với sản phẩm của hãng chế tạo máy bay Airbus và nhiều nông sản của EU khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ để trả đũa cho việc EU trợ cấp cho Airbus khiến phía Mỹ bị thiệt hại tới 11 tỷ USD hàng năm. Biện pháp thuế quan này được phía Mỹ đưa ra sau khi WTO có phán xử rất bất lợi cho Mỹ trong vụ việc EU cáo buộc Mỹ trợ cấp cho hãng Boeing của Mỹ, và EU không chấm dứt việc này ngay cả khi WTO đã phán xử không cho phép trợ cấp nữa.

Thời gian qua, Mỹ và EU đã có một số cuộc đàm phán để xử lý ổn thoả mọi bất đồng giữa hai bên, nhưng đến nay chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Trong mối quan hệ Mỹ- Trung- EU luôn có sự đan xen giữa chiến và hoà mà thoả thuận nào dẫu có đạt được thì cũng chỉ nhất thời, xung đột vẫn quyết liệt và dai dẳng. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, không ngoại trừ có thể phát sinh thêm cuộc chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ và EU nếu hai bên trả đua nhau như Mỹ với Trung Quốc.

Kinh tế và thương mại thế giới vì thế trong hiện tại cũng như trong tương lai bị tác động tiêu cực. Còn sa đà vào tình trạng hiện tại, cả ba đối tác này đều khó có thể trở thành đầu tàu và chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Bởi vậy, mới đây IMF tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,3% từ mức 3,5% được đưa ra trước đó.

Trước thực trạng này, các nền kinh tế khác trên thế giới càng phải tự thân vận động, chủ động phòng ngừa và ứng phó. Vấn đề đặt ra là phải vừa thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với cả ba đối tác này, nhưng vừa tránh bị “vạ lây” bởi những hiềm khích giữa họ với nhau, đồng thời tìm cách tránh bị đẩy vào tình thế bị bên này lợi dụng, gây bất lợi cho bên kia. Mặt khác, các nền kinh tế này phải luôn có đối sách thích hợp với thực trạng đặc thù của quan hệ giữa bộ ba kia là luôn giữa ganh đua quyết liệt và hợp tác với nhau.
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Quảng cáo sản phẩm