Trung Quốc có “vũ khí” gì trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

09/04/2018 12:00 - 1807 lượt xem

(TBKTSG Online) - Các động thái ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước này có thể đặt ra bài toán thử thách cho “kho vũ khí thương mại” của Trung Quốc.

Cục đất ném đi, cục chì trả lại

Trong tuần qua, cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung nóng lên với các động thái đe dọa chĩa nhau vào nhau, khiến giới đầu tư trên các thị trường chứng khoán nín thở lo lắng.Tất cả bắt đầu từ việc Mỹ hôm 3-4 công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 25% đối với danh sách 1.300 sản phẩm của Trung Quốc (có giá trị kim ngạch xuất khẩu 50 tỉ đô la Mỹ sang Mỹ mỗi năm) để trừng phạt việc Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Danh sách này bao gồm nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ, vận tải và y tế.

Trung Quốc dĩ nhiên không ngồi yên chịu trận.

Hôm 4-4, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với 106 mặt hàng của Mỹ từ máy bay, ô tô cho đến các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, bắp, thịt heo. Các mặt hàng đó mang về cho Mỹ kim ngạch xuất khẩu 50 tỉ đô la mỗi năm từ thị trường Trung Quốc.

Động thái trên cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đáp trả với quy mô và sức mạnh tương ứng nhắm vào các sản phẩm của Mỹ.

Những tưởng hành động của Trung Quốc có thể khiến Mỹ suy nghĩ lại và cân nhắc đàm phán. Song cuối ngày 5-4, Tổng thống Donald Trump tiếp tục đẩy cao căng thẳng khi dọa áp thuế nhập khẩu thêm cho 100 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc.

Một ngày sau đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” và “với bất cứ giá nào” để chống lại cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Bắc Kinh nói rằng sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả mới và toàn diện để bảo vệ lợi ích đất nước và người dân nước này.

Thế nhưng Trung Quốc sẽ đối mặt với một vấn đề khó khăn nếu đáp trả theo kiểu đánh thuế nhập khẩu ngược trở lại đối với hàng hóa Mỹ. Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trị giá 505 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, cao hơn nhiều so với 130 tỉ đô la Mỹ giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chính phủ Mỹ vẫn còn có rất nhiều sự lựa chọn để áp thuế nhập khẩu thêm đối với hàng hóa Trung Quốc.

Alex Wolf, chuyên gia kinh tế ở Quỹ quản lý tài sản  Aberdeen Standard Investments nói rằng, nếu Trung Quốc tìm cách đáp trả nhằm vào hàng hóa như vậy, sẽ đến lúc, không còn đủ hàng hóa Mỹ để Trung Quốc đánh thuế.

Đánh trả nhắm vào ngành dịch vụ

Chuyên gia kinh tế Larry Hu của ngân hàng Macquarie (Úc) cho rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều vũ khí thương mại để đáp trả Mỹ. Theo ông, Trung Quốc có nhiều sự lựa chọn khác ngoài hàng hóa, chẳng hạn như ngành thương mại dịch vụ giữa hai nước bao gồm các lĩnh vực du lịch, giáo dục, nơi Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn so với Trung Quốc.

Theo ngân hàng đầu tư Nomora (Nhật Bản), hơn 50% mức thặng dự thương mại 39 tỉ đô Mỹ trong ngành dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đến từ chi tiêu của du khách Trung Quốc đến thăm Mỹ và du học sinh Trung Quốc đang theo học ở các trường lở Mỹ

Gần đây, Trung Quốc gia tăng sử dụng du khách của nước này như là một vũ khí kinh tế. Năm ngoái, vì tức giận trước việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Trung Quốc đã dùng du lịch để gây sức ép cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Các biện pháp “trừng phạt” của Trung Quốc bao gồm một lệnh cấm không chính thức buộc các công ty lữ hành Trung Quốc ngưng tổ chức các tour đưa khách Trung Quốc đến Hàn Quốc. Lệnh cấm này khiến khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc giảm gần một nửa chỉ trong vài tháng, gây thiệt hại lớn cho công việc kinh doanh của các khách sạn, cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch của Hàn Quốc.

Gây khó dễ cho các công ty Mỹ

Trung Quốc cũng có thể theo đuổi một chiêu thức đáp trả khác như đã sử dụng với Hàn Quốc, đó là gây khó khăn hơn cho hoạt động kinh doanh của các công ty lớn Mỹ tại thị trường Trung Quốc.
Trong thời điểm cao trào căng thẳng với Hàn Quốc về vấn đề THAAD vào năm ngoái, chỉ trong vòng một tháng, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã đóng cửa 74/99 siêu thị của tập đoàn Lotte ở Trung Quốc với lý do vi phạm các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, khiến doanh thu của tập đoàn này tại Trung Quốc giảm gần 900 triệu đô la Mỹ. Giờ đây, tập đoàn này đang cân nhắc rút khỏi thị trường Trung Quốc. Doanh thu của hai hãng ô tô Hyundai và KIA của cũng giảm mạnh tại Trung Quốc do truyền thông nhà nước Trung Quốc làm thổi bùng tâm lý tẩy chay ô tô của Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng nếu màn ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng leo thang, các công ty Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc nên “thắt dây an toàn” để chuẩn bị cho một chặng đường gập ghềnh trong thời gian tới.

Trung Quốc là thị trường khổng lồ đối với các thương hiệu hàng đầu của Mỹ như Apple và Starbucks nhưng có “rất ít công ty Trung Quốc có mạng lưới hoạt động lớn ở Mỹ”, theo chuyên gia Larry Hu.

Chuyên gia Alex Wolf cho rằng nhà chức trách Trung Quốc có thể gây khó khăn hơn cho các công ty Mỹ làm ăn trên sân nhà Trung Quốc bằng cách lấy cớ vi phạm các quy định có chọn lọc như an toàn phòng cháy chữa cháy hay an toàn thực phẩm để đóng cửa một phần các hoạt động kinh doanh của họ.

Song các động thái như vậy cũng sẽ gây hậu quả cho nên kinh tế Trung Quốc vì một lượng nhân công lớn của Trung Quốc đang làm việc trong các nhà máy lắp ráp các sản phẩm cho Apple hoặc làm việc trong mạng lưới 3.200 cửa hàng Starbucks trên khắp Trung Quốc

“Vũ khí” trị giá gần 1.200 tỉ đô

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có một vũ khí lợi hại, được ví như “vũ khí hạt nhân kinh tế”, có thể sử dụng để trừng phạt Mỹ dù quá rủi ro, đó là khối lượng trái phiếu chính phủ Mỹ khổng lồ mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ một khối lượng lớn trái phiếu của chính phủ Mỹ trị giá 1.170 tỉ đô Mỹ.

Lãi suất trái phiếu Mỹ đột ngột tăng lên sau khi một bài viết của hãng Bloomberg vào tháng 1-2018 ám chỉ rằng Trung Quốc đang cân nhắc giảm mua phiếu Mỹ vì nhiều lý do bao gồm căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Nếu Trung Quốc mua trái phiếu Mỹ ít hơn hoặc bán trái phiếu Mỹ, chính phủ Mỹ phải tìm các nhà đầu tư khác để thay thế. Điều này có thể khiến lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ và lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên, khiến chi phí trả lãi cho khoản nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ cũng tăng theo.

Một động thái như vậy cũng gây tổn thương cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc quyết định bán bớt trái phiếu Mỹ, giá trị của khối lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm cũng giảm đi, khiến uy lực của “vũ khí này” không còn.

Jeffrey Gundlach, Giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư DoubleLine Capital LP nói: “Trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ sẽ lợi hại hơn nếu như nó duy trì mối đe dọa. Nếu Trung Quốc bán chúng, mối đe dọa này sẽ biến mất”.

Ngoài ra, việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ có thể kéo giá đồng đồng nhân dân tệ tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ, làm suy yếu tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.
“Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ có bước đi bình tĩnh. Ít có khả năng họ sẽ áp dụng các bước đi cực đoan chẳng hạn như bán tháo trái phiếu Mỹ”, chuyên gia Larry Hu nhận định.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm