Trung Quốc kiện cả Mỹ và EU vì thuế chống bán phá giá

18/12/2016 12:00 - 1273 lượt xem

Ngày 12/12, Trung Quốc tuyên bố sẽ khởi kiện Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), về cách tính thuế trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá.

Mỹ và EU không tin tưởng dữ liệu của Trung Quốc, nên đã phải sử dụng tham chiếu của các nước thứ ba để tự tính toán chi phí sản xuất của Trung Quốc, rồi trên cơ sở đó áp thuế trừng phạt.

Từ khóa “kinh tế thị trường”

Trên trang web của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) thông báo đã bắt đầu tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp với hai đối tác thương mại lớn là Mỹ và EU, theo quy định của WTO. Cơ quan này cho biết Trung Quốc đã nhiều lần nhẹ nhàng nhắc nhở Washington và Brussels thay đổi cách tính thuế chống bán phá giá cho phù hợp, nhưng bị cả hai phớt lờ.

MOC khẳng định, Mỹ và EU là hai trong số những thành viên WTO thường xuyên “sinh sự” với Trung Quốc nhất xung quanh vấn đề bán phá giá, nhưng lần này thì chính Mỹ và EU mới là những bên không tuân thủ nghĩa vụ của mình.

Theo các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc vào cuối năm 2001, trong vòng 15 năm đầu tiên, các thành viên WTO có quyền được tính thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc theo cách riêng so với những quốc gia khác, bởi Trung Quốc chưa có một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.

Thời hạn 15 năm đó vừa mới kết thúc hôm 11/12, nhưng Mỹ và EU quyết định chưa thay đổi phương pháp tính thuế theo hướng giảm nhẹ cho Trung Quốc, với lý do Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường.
 

Chỉ tính riêng mặt hàng thép, Trung Quốc chiếm đến gần một nửa sản lượng toàn thế giới

Cơ sở lập luận của Mỹ và EU là chính phủ Trung Quốc vẫn giữ vai trò chi phối trong nền kinh tế thông qua các khoản trợ cấp và ưu đãi tài chính, nên Mỹ và EU cảm thấy không tin tưởng vào các số liệu về giá cả sản phẩm mà nước này sử dụng để xác định chi phí sản xuất.

Vì thế, Mỹ và EU phải sử dụng dữ liệu giá tham chiếu của các nước thứ ba để tự tính toán chi phí sản xuất của Trung Quốc và trên cơ sở đó áp thuế trừng phạt với doanh nghiệp Trung Quốc. Phía Trung Quốc đương nhiên không đồng tình với cách lý giải đó, mà cắt nghĩa cam kết WTO là “hết 15 năm thì đương nhiên Trung Quốc phải được đối xử bình đẳng”.

Đương nhiên ư, hãy đợi đấy!

“Giọt nước tràn ly” khiến Bắc Kinh đâm đơn ra WTO bắt nguồn từ hai sự việc diễn ra gần như đồng thời trong tuần trước, khi chỉ còn vài ngày là thời hạn 15 năm hết hiệu lực, EU vẫn áp thuế chống bán phá giá theo phương pháp cũ đối với hàng hóa Trung Quốc, còn Mỹ thì kiện Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm ván ép.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các nước thành viên không có nghĩa vụ tự động công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường sau thời hạn 15 năm, chưa kể phần lời văn cam kết WTO của Trung Quốc vẫn cho phép Mỹ tiếp tục sử dụng “các biện pháp chống bán phá giá khác thay thế”.

Đến thời điểm này, Mỹ còn chưa hết quan ngại về sự mất cân bằng nghiêm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, mà điển hình là tình trạng dư thừa sản lượng trong các ngành thép và nhôm, hay sở hữu nhà nước vẫn chi phối nhiều lĩnh vực. Tóm lại là Trung Quốc chưa nghiêm túc thực hiện những cải cách cần thiết để nền kinh tế được vận hành tự do theo nguyên tắc thị trường.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn ra sức vận động để được công nhận là nền kinh tế thị trường, mà nhờ đó sẽ không bị các nước khác áp đặt trừng phạt nặng nề nữa, giúp tiết kiệm hàng triệu USD tiền thuế chống bán phá giá.

Chỉ tính riêng mặt hàng thép mà Trung Quốc chiếm đến gần một nửa sản lượng toàn thế giới, nước này đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, còn doanh nghiệp thép trong nước vẫn đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong 11 tháng đầu của năm 2016, đã có tổng cộng 41 cuộc điều tra của 16 quốc gia và khu vực nhằm vào các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng 24% so với năm trước đó. Trung Quốc một mực phủ nhận hành vi bán phá giá và cho rằng vấn đề dư thừa thép toàn cầu không phải do nguồn cung quá mức từ Trung Quốc, mà đến từ nhu cầu sụt giảm trên toàn thế giới.

Nguồn: Thoibaokinhdoanh
Quảng cáo sản phẩm