Trung Quốc sẽ nhượng bộ gì để hóa giải chiến tranh thương mại với Mỹ?

30/11/2018 12:00 - 8157 lượt xem

Để tháo gỡ các căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ phải đưa các nhượng bộ tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị cấp cao của khối các nền kinh tế lớn G20 tại Argentina vào cuối tuần này.

Trung Quốc khó chấp nhận các nhượng bộ làm suy yếu các công ty nhà nước cũng như phá hỏng tham vọng vươn lên dẫn đầu thế giới về công nghệ nhưng nước này có thể đưa ra các kế hoạch mở rộng cửa thị trường hơn cho các công ty nước ngoài cũng như siết chặt các quy định bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ.

Mở rộng cửa thị trường, bảo vệ tài sản trí tuệ

Tờ South China Morning Post ngày 29-11 dẫn các nguồn tin cho biết tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Argentina, ông Tập có thể sẽ cam kết mở rộng sự tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài và giảm bớt trợ cấp cho các công ty nhà nước. Trung Quốc xem đây là động thái quan trọng để ổn định môi trường bên ngoài Trung Quốc, từ đó, giúp nước này ứng phó với các khó khăn kinh tế trong nước.

Giới phân tích cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với những khó khăn lớn trong nửa đầu năm tới bao gồm các rủi ro tỉ lệ thất nghiệp tăng cao hơn và các dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài. “Nếu căng thẳng thương mại với Mỹ có thể dịu lại, điều này sẽ tạo ra môi trường bên ngoài ổn định, giúp giới lãnh đạo Trung Quốc ứng phó với các rủi ro suy thoái ở nền kinh tế trong nước”, một nguồn tin nắm rõ các cuộc thảo luận của chính phủ Trung Quốc nói.

Nguồn tin này cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cam kết bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, ông Tập cũng có thể cam kết giải quyết vấn đề thâm hụt thặng dư thương mại với Mỹ đang ở mức quá lớn. Trung Quốc có thể dễ dàng làm điều này bằng cách mở rộng thị trường hơn nữa. “Đây là một vấn đề ít áp lực nhất đối với chính phủ Trung Quốc”, nguồn tin trên nói.

Liu Weidong, một học giả ở Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng do chịu áp lực lớn hơn Mỹ trước các tác động của chiến tranh thương mại, Trung Quốc phải chuẩn bị đưa ra nhiều nhượng bộ hơn dự kiến. Ông nói các nhượng bộ này có thể bao gồm kế hoạch giải quyết các mối lo ngại của Mỹ về nạn ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ và mở rộng cửa hơn để các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Từ lâu, các tổ chức kinh doanh nước ngoài phàn nàn về việc Bắc Kinh chậm mở cửa thị trường, dùng các chính sách nhà nước để can thiệp vào phát triển ngành công nghệ cao, trợ cấp lớn cho các tập đoàn trong nước.

Để xoa dịu các lo ngại này, Bắc Kinh đã giảm khoa trương chương trình phát triển ngành công nghệ cao mang tên “Made in China 2025”, cam kết dần bãi bỏ mức trần sở hữu cổ phần của nước ngoài trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, có nhiều lời kêu gọi từ bên ngoài hối thúc Bắc Kinh tiến hành các động thái nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Không bỏ rơi các công ty nhà nước

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 27-11, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng có khả năng cao hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại nếu “Trung Quốc có ý tưởng mới, thái độ mới, sự hợp tác mới nào đó”.

Ông Kudlow có lẽ muốn ám chỉ rằng Trung Quốc cần phải đưa ra các nhượng bộ mạnh mẽ hơn so với trước đây.

Phát biểu của ông Kudlow đẩy lùi chút ít bi quan vào hồi đầu tuần này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông dự kiến tăng mức áp thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm.

Nguồn tin của tờ South China Morning Post cho biết Trung Quốc sẽ không bỏ rơi các công ty nhà nước nhưng nước này cần phải loại bỏ các quy định pháp lý ưu ái họ để tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.

Nguồn tin cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc nên dừng cung cấp vốn vay ưu đãi cho các công ty nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán và xóa bỏ các chính sách công nghiệp mâu thuẫn, không hiệu quả. Cũng theo nguồn tin này: “Các đề xuất mà Trung Quốc đưa ra có thể chỉ một lần thôi và Trung Quốc muốn thể hiện sự thành tâm cao nhất. Nếu Mỹ từ chối đón nhận, chúng ta sẽ phải chờ xem nước nào có thể chịu đựng thiệt hại kinh tế lâu hơn”.

Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung - Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Bắc Kinh, cho rằng không có khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào để giải quyết một số yêu cầu quan trọng của Washington, bao gồm ngưng hỗ trợ các công ty nhà nước và trợ cấp cho các ngành công nghệ cao.

Học giả Weidong cũng nhận định Bắc Kinh có thể không làm bất cứ điều gì gây suy yếu các công ty nhà nước.

Phần lớn giới phân tích cho rằng kết quả khả quan nhất trong cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung lần này là hai bên ngừng kế hoạch áp thuế vào hàng hóa lẫn nhau nhưng việc đình chiến thương mại như vậy có thể chỉ là tạm thời.

Để duy trì sức ép lên Bắc Kinh, Washington tiếp tục cáo buộc Trung Quốc không chấn chỉnh các thực hành thương mại bất công.

Một nguồn tin từ Mỹ cho biết các đòn thuế chỉ là một phần nhỏ của cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động và nước này sẽ tiếp tục siết chặt đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ cũng như kiểm soát nghiêm ngặt hơn các hoạt động trao đổi công nghệ với các công ty Trung Quốc dù hai bên có xúc tiến đàm phán thương mại hay không sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung tại Argentina. Cũng theo nguồn tin: “Về cơ bản, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không thể trở về nguyên trạng trước thời điểm 2016”.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm