Trung Quốc và "bài toán khó WTO"

06/08/2007 08:40 - 1533 lượt xem

Làm thế nào để các sản phẩm “made in China” không đồng nghĩa với “Có hại cho sức khoẻ” là một bài toán khó đối với chính sách quản lý của Trung Quốc. Có thể bài toán "made in VietNam" cũng có câu trả lời tương tự. Tuần Việt Nam có bài về "lời giải" của "bài toán" này của nữ giảng viên Susan Aaronson, Đại học Kinh doanh George Washington. Tư liệu do bạn Bảo Bình (Hà Nội) cung cấp.
Trung Quốc đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trên nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, sản phẩm do Trung Quốc sản xuất hiện đã chiếm ¼ tổng sản phẩm toàn cầu. Nhưng sự thực là cách quản lý của nhà nước Trung Quốc không phải là động lực chính tạo ra bước nhảy vọt này. Sự ổn định về chính trị và kinh tế thế giới đang bị đe doạ bởi sự thất bại trong quản lý của Trung Quốc khi Trung Quốc áp đặt những luật chơi của riêng họ. Đất nước Trung Hoa hiện đại chưa tôn trọng luật chơi quốc tế. Họ vẫn coi trọng giá rẻ hơn chất lượng, một số công ty làm ăn không uy tín đang tạo ra một số tiền lệ xấu, đi ngược lại hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc.
 
Sự bất cập trong chính sách quản lý của Trung Quốc nằm ở chỗ ai cũng có thể là thương nhân, ai cũng có thể cung cấp hàng hoá. Đã có nhiều người tiêu dùng bị ngộ độc và tử vong vì sử dụng phải thực phẩm kém chất lượng của Trung Quốc. Nhà nước thì không đưa ra được câu trả lời thoả đáng. Các quốc gia như Guatemala, Panama, Pháp và Mỹ đã tăng cường kiểm duyệt hàng hoá của Trung Quốc và tạm dừng nhập khẩu một số sản phẩm như lốp xe, kem đánh răng, tôm và đồ chơi trẻ em. Những giải pháp thiết thực mang cả tính chính trị như vậy cũng không khiến Trung Quốc thay đổi và biết tôn trọng luật chơi quốc tế hơn.
 
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc lại có thái độ thiếu rõ ràng. Một mặt, những nhà quản lý hiểu rõ trách nhiệm của họ đối với một số thực phẩm kém chất lượng, đồ chơi trẻ em hay thuốc sản xuất liên kết với một số đối tác đã qua kiểm duyệt. Ở trong nước, họ lên những kế hoạch kiểm duyệt, cảnh báo và xử phạt những người vi phạm chất lượng sản phẩm hoặc môi trường pháp lý. Mặt khác, Trung Quốc tuyên bố rất nhiều chính sách “bảo hộ” hàng hoá của mình. Ví dụ, họ cấm nhập khẩu hàng hoa quả từ Mỹ với lý do có “quá nhiều vi khuẩn và bị hỏng”. Họ không nhập nước Evian của Mỹ cũng với lý do “không đủ tiêu chuẩn”. Rõ ràng là Trung Quốc và các đối tác kinh doanh của họ đang sa vào một số thương vụ gây tranh cãi. Những tranh cãi thương mại kiểu này ít nhiều thúc đẩy Trung Quốc phải mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chất lượng sản phẩm và xây dựng môi trường pháp lý hợp lý.
 
Những nhà hoạch định chính sách thương mại cần suy nghĩ chiến lược để giải quyết vấn đề này. Họ sẽ tìm thấy những cơ chế cần tìm cho những trường hợp này trong cam kết của Trung Quốc khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cam kết được ký năm 2001 này bao gồm những điều khoản chặt chẽ. Thứ nhất, Trung Quốc phải đảm bảo tính hiệu lực của tất cả các luật và điều khoản pháp lý liên quan đến thương mại (Đảm bảo chất lượng sản phẩm là một điều khoản luôn phải đi kèm với thương mại quốc tế). Thứ hai, Trung Quốc phải áp dụng luật quốc tế của WTO trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Theo cách đó, Trung Quốc phải đảm bảo “áp dụng và quản lý theo một khung chuẩn, ứng xử công bằng và hợp lý, thực hiện đúng nguyên tắc những biện pháp quản lý tập trung của chính phủ, đối với cả những hoạt động ở địa phương, thực hiện các điều lệ và những biện pháp khác…gắn liền với hoạt động thương mại quốc tế”.
 
Theo cách đó, các nước thành viên WTO mới có thể hợp tác với Trung Quốc trong thương mại. Các tổ chức thương mại của các nước thành viên khác có thể sẽ không bắt tay với Trung Quốc không đảm bảo quản lý chặt về luật và các điều khoản bị bóp méo có lợi cho Trung Quốc. Nếu tiếp tục theo cách ấy, Trung Quốc sẽ tự mình đóng cánh cửa thương mại với các nước. Những tổ chức thương mại này cần tập trung yêu cầu Trung Quốc tiến hành ngay các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết ổn thoả các mối bất hoà và cam kết với người tiêu dùng các sản phẩm “made in China” không đồng nghĩa với “Có hại cho sức khoẻ”. Nếu các cuộc đàm phán không đi đến một kết luận chung, Trung Quốc phải liên hệ với Tổng giám đốc WTO để đứng ra giải quyết. Nếu vẫn tiếp tục không tìm ra giải pháp chung, các nước có thể chính thức chấm dứt quan hệ thương mại với Trung Quốc.
 
Với những bài toán khó cho kinh tế Trung Quốc, có vẻ như Trung Quốc sẽ cố gắng không để xảy ra những cuộc tranh luận như vậy. Chính sách thương mại Trung Quốc hẳn nhiên không thích nhãn mác “made in China” tương ứng với dấu hiệu nguy hiểm. Chính phủ Trung Quốc không những chỉ phải tăng cường các biện pháp cưỡng chế và xử phạt, mà còn cần tự mình tạo ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của mình. Họ phải đào tạo các nhà quản lý thương mại về tầm quan trọng của an toàn chất lượng. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đặt ra các áp lực trong việc tiến hành kiểm tra sản phẩm, bởi giờ đây, họ đã nhận ra rằng người tiêu dùng trên toàn cầu không chỉ từ chối thức ăn chế biến không đảm bảo của Trung Quốc, mà trong tương lai, họ có thể kiện các công ty này vì cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
 
Kinh tế Trung Quốc có thể ví như một con vật lớn, nhưng chưa phải là khủng long. Bằng cách nào đó, các thị trường mà Trung Quốc hướng tới sẽ gây áp lực để Trung Quốc nâng cao khả năng quản lý. Trong khi đó, cùng với việc hợp tác và cùng phát triển trên nền các nguyên tắc luật quốc tế, các đối tác kinh doanh của Trung Quốc sẽ còn phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo Trung Quốc sẽ tôn trọng luật chơi quốc tế.
 
Bảo Bình (theo FT)
 
19/07/2007
 
Nguồn: vietnamnet
Quảng cáo sản phẩm