Tự vệ cho hàng Việt

15/05/2009 12:00 - 1182 lượt xem

Hơn 15,6 tỉ USD nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2008 (kim ngạch xuất nhập hai chiều: 20,2 tỉ USD), riêng bốn tháng đầu năm 2009 con số nhập siêu từ Trung Quốc hơn 2,8 tỉ USD (hai chiều: 3,7 tỉ USD). Nếu so với con số nhập siêu gần 7,4 tỉ USD (hai chiều hơn 10,4 tỉ USD) của cả năm 2006, mới thấy tốc độ nhập siêu từ Trung Quốc đang khủng khiếp dường nào. Nhưng đó mới chỉ là con số được thống kê chính thức, còn nếu tính luôn hàng vào VN theo kiểu bên “cánh gà” thì chắc chắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Từ cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, phóng viên Tuổi Trẻ tìm đến “kinh đô” hàng hóa Quảng Châu (Trung Quốc) đã nhận ra một điều: muốn đánh hàng Trung Quốc về VN hiện trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú điện thoại gọi từ VN, một ngày sau hàng từ Quảng Châu đã có mặt ở biên giới VN - Trung Quốc, từ đó chuyển đi bất cứ nơi nào tại thị trường VN. Với một hệ thống dịch vụ khép kín liên hoàn như vậy có thể dễ dàng hiểu được vì sao hàng có xuất xứ từ Trung Quốc vào VN một cách nhanh chóng và tràn ngập khắp mọi ngóc ngách.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: chỉ một vài năm tới khi hàng rào thuế quan của VN theo cam kết ASEAN - Trung Quốc, WTO… tiếp tục được cắt giảm, VN là một trong những cửa ngõ để hàng Trung Quốc thâm nhập khu vực ASEAN.

Có lẽ ai cũng biết chất lượng nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc là câu chuyện “xài rồi mới biết”, nhưng do giá rẻ, hình thức bắt mắt… nên đang nhanh chóng chiếm lĩnh ở nhiều phân khúc thị trường. Tuy nhiên, với lợi thế sân nhà, nhiều chuyên gia cho rằng hàng VN vẫn có cơ hội tìm được chỗ đứng trên thị trường nếu chọn cho mình được phân khúc thị trường riêng. May mặc là một trong những ngành chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc trong thời gian gần đây, song những thương hiệu An Phước, Việt Tiến, Ninomax… vẫn phát triển mạnh nhờ chọn được phân khúc riêng không “đụng” hàng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cần cấp bách xây dựng mạng lưới phân phối bán lẻ đến tận các vùng sâu, vùng xa. Bởi chắc chắn khi hàng rào thuế quan dần dần được tháo bỏ, ngoài câu chuyện về chất lượng, giá cả, những doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối tốt sẽ chi phối thị trường.

Ở góc độ quản lý nhà nước, rõ ràng việc quản lý hàng lậu dọc theo biên giới phía Bắc của chúng ta thời gian qua có vấn đề. Bên cạnh việc thất thu thuế một lượng khổng lồ mỗi năm, lượng hàng đi theo con đường chui này còn làm điêu đứng các nhà sản xuất. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc xem lại việc chống hàng lậu, đặc biệt là những điểm nóng nhằm ngăn chặn phần nào lượng hàng tràn qua biên giới bất hợp pháp mỗi ngày.

Với những mặt hàng nhập khẩu chính ngạch, việc siết lại các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại… rõ ràng là công việc cấp bách của nhiều bộ, ngành chuyên môn. Ở nhiều nước, tất cả những mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng họ đều có những tiêu chí kiểm soát rất chặt chẽ, và chỉ mặt hàng nào hội đủ những tiêu chuẩn này mới được phép nhập. Do đó, dù thuế suất có giảm xuống 0% song hàng ngoại cũng khó lòng thâm nhập nếu không đủ chuẩn.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai việc áp dụng điều tra chống bán phá giá, nhằm đảm bảo công bằng cho hàng sản xuất trong nước. Bởi theo pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tự vệ trong hàng nhập khẩu vào VN, cũng như nghị định quy định chi tiết của Chính phủ, nếu việc nhập khẩu một mặt hàng nào đó tăng đột biến gây thiệt hại hoặc đe dọa đến sản xuất mặt hàng đó trong nước, Bộ Công thương được áp dụng các biện pháp đề nghị tăng thuế nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch, cấp phép nhập khẩu, phụ thu...

Có như vậy mới mong kiểm soát được các loại hàng “thượng vàng hạ cám” ngay từ các cửa khẩu biên giới.

XUÂN TOÀN

Nguồn: www.tuoitre.com.vn

Quảng cáo sản phẩm