Tương lai của WTO “đi trong sương mù”

01/06/2020 12:00 - 306 lượt xem

Tại cuộc họp trực tuyến của tất cả các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 14/5, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo tuyên bố rằng ông sẽ từ chức vào ngày 31/8, rút ngắn nhiệm kỳ thứ hai trước một năm. Hành động này đã làm phức tạp thêm các vấn đề tại WTO, đặc biệt là khi các cuộc thảo luận nóng lên về sự cần thiết phải hướng nội nhiều hơn về nguồn cung thực phẩm.


Trước đó, đầu tháng 5, Liên minh châu Âu và 19 thành viên khác của WTO đã chính thức thông báo về thỏa thuận kháng cáo tạm thời để giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên. Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ngừng hoạt động vào tháng 12 năm 2019. Thông báo này về cơ bản không có Mỹ là nước đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm WTO và không đồng ý cải cách các đề xuất. Các thành viên WTO giờ đây sẽ tạo ra một nhóm gồm 10 thẩm phán có thể được triệu tập để nghe các kháng cáo trong tương lai.


Ông Azevêdo bắt đầu làm tổng giám đốc WTO cách đây 7 năm và dưới sự giám sát của ông, WTO đã loại bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp và cho phép xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ từ các nước kém phát triển nhất. Tuy nhiên, nhu cầu cải cách WTO vẫn còn. Trong tuyên bố từ chức, ông Azevêdo đã nhận định WTO không thể đóng băng trong khi thế giới xung quanh thay đổi sâu sắc. Việc đảm bảo rằng WTO tiếp tục có thể đáp ứng nhu cầu của các thành viên và các ưu tiên là một điều bắt buộc chứ không phải là một lựa chọn. Tình trạng “bình thường mới” đang xuất hiện từ đại dịch Covid-19 sẽ phải được phản ánh trong công việc hoạt động của WTO.


Cũng trong đầu tháng 5 này, Thượng nghị sĩ Mỹ Josh Hawley đã đưa ra nghị quyết chung để rút Mỹ khỏi WTO với lập luận rằng phải đưa sản xuất trở lại Mỹ, đảm bảo chuỗi cung ứng quan trọng và khuyến khích đổi mới trong nước, mà rút khỏi WTO “là bước đi đầu tiên”. Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề thương mại đã cảnh báo rằng việc rút khỏi WTO sẽ chỉ để lại một khoảng trống cho Trung Quốc và làm giảm vị thế sức mạnh của Mỹ. Trong khi đó, tại sự kiện Nhà Trắng mới đây, Tổng thống Donald Trump khi thông báo viện trợ cho nông dân, đã đưa ra nhận xét bất ngờ về việc chấm dứt thỏa thuận thương mại với bất kỳ quốc gia nào xuất khẩu bò thịt sống tới Mỹ. Hiệp hội gia súc Mỹ cho biết về sự cần thiết phải ngăn chặn dòng gia súc nhập khẩu vào nước này. Sức mạnh của Mỹ nằm ở khả năng sản xuất một nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, phong phú và giá cả phải chăng. Mỹ cần giữ gìn an ninh lương thực này bằng cách tạo cơ hội cho các nhà sản xuất nông nghiệp của Mỹ phát triển mạnh. Thương mại thịt bò là một công việc phức tạp và các nhà sản xuất gia súc của Mỹ dựa vào các đối tác thương mại quốc tế an toàn và đáng tin cậy. Khoảng 12% thịt bò được tiêu thụ ở Mỹ là sản phẩm nhập khẩu, nhưng sản phẩm đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ về an toàn trước khi được phép vào thị trường.


Các nhà phân tích của Cơ quan Cảnh báo Thương mại toàn cầu quan tâm về các cuộc thảo luận rộng hơn về việc liệu Mỹ có nên hướng nội và hạn chế thương mại với các nước khác hay không. Kể từ năm 1970, đã có 6 đợt tăng giá lớn đối với hàng hóa và các quốc gia có xu hướng kích hoạt việc kiềm chế xuất khẩu. Sự bùng nổ lớn cuối cùng của giới hạn xuất khẩu là từ năm 2008 đến 2011 và tình trạng tiêu cực. Mặc dù có một số cuộc thảo luận ban đầu về kiềm chế xuất khẩu sau đại dịch, nhiều nước đã nới lỏng những điều đó ngoại trừ giới hạn xuất khẩu lúa mì Nga. Mỹ là một nước xuất khẩu lớn hầu hết các sản phẩm thịt, nhưng cũng có rất nhiều quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm thịt nếu Mỹ gặp phải tình trạng thiếu thịt trong nước. Khả năng tìm nguồn hàng từ nước ngoài, và mở cửa cho thương mại hoặc toàn cầu hóa, thực sự là một lợi ích khi chuỗi cung ứng gặp rắc rối. Do đó, cần tận dụng toàn cầu hóa chứ không phải quay lưng lại với hệ thống thương mại toàn cầu.


Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm