Úc khẳng định không có chiến tranh thương mại với Trung Quốc

20/05/2020 12:00 - 266 lượt xem

Trung Quốc hôm 18/5 xác nhận sẽ áp dụng mức thuế 80,5% đối với sản phẩm lúa mạch được nhập khẩu từ Úc sau khi kết thúc cuộc điều tra kéo dài 18 tháng về chống bán phá giá.


Úc cho biết sẽ không trả đũa thuế quan sau khi Trung Quốc áp thuế hơn 80% đối với lúa mạch xuất khẩu của nước này, đồng thời khẳng định hai nước vẫn chưa bước vào một cuộc chiến thương mại. 


Trung Quốc là thị trường lúa mạch lớn nhất của Úc, chiếm hơn 50% lượng lúa mạch xuất khẩu hàng năm, trị giá khoảng 917 triệu AUD.


Tối hôm 18/5, Trung Quốc xác nhận sẽ áp dụng mức thuế 80,5% cho sản phẩm này sau khi kết thúc cuộc điều tra chống bán phá giá kéo dài 18 tháng, trong đó kết luận rằng Úc đã bán phá giá và gây thiệt hại đáng kể cho thị trường nội địa Trung Quốc.


Trước đó, trong cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 11/2018, chính quyền Trung Quốc đã đề xuất mức thuế chống bán phá giá là 56,14%, nhưng sau đó đã được nâng lên 73,6%, kèm theo mức thuế chống trợ cấp là 6,9%. Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 19/5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm đối với tất cả các công ty, trong đó có bốn nhà xuất khẩu lúa mạch là Iluka Trust, Kalgan Nominees Pty Ltd, JW & JI Mcdonald & Sons và Haycroft Enterprises.


Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud bày tỏ sự nuối tiếc đối với nhiều nhà máy bia và người tiêu dùng Trung Quốc. “Họ sẽ phải trả chi phí cao hơn cho lúa mạch ở nước mình, hoặc chấp nhận sản phẩm không đạt tiêu chuẩn từ các quốc gia khác.”


Ông cũng cho biết sẽ tích cực làm việc với các nhà sản xuất lúa mạch ở Úc để tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới, đặc biệt là trong một vài tháng tới, trước khi đến thời gian thu hoạch của năm. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, bao gồm cả Indonesia, với khoảng 500.000 tấn hạt dùng trong chăn nuôi sẽ được sản xuất vào ngày 5/7 sắp tới trong điều kiện được miễn thuế quan.


Các cơ quan nông nghiệp lớn của Úc, bao gồm Liên đoàn Nông dân Quốc gia (NFF), cũng bày tỏ sự thất vọng về hành động tuyên bố bán phá giá của Trung Quốc và cho đó là vô căn cứ.


Giám đốc điều hành NFF, Tony Mahar cho rằng, đây là một đòn giáng mạnh vào những người nông dân trồng ngũ cốc ở Úc, vốn nhận được khoản tiền trợ cấp ít nhất trên thế giới. 


Diễn đàn tiếp cận thị trường công nghiệp ngũ cốc (GIMAF), Hội đồng xuất khẩu ngũ cốc Úc, GrainGrowers, Grain Producers Australia và Grain Trade Australia đã kêu gọi chính phủ Úc hỗ trợ nông dân bằng cách “gắn bó với Trung Quốc một cách tôn trọng và có ý nghĩa” và bảo vệ thỏa thuận thương mại từ những năm 1960 giữa hai nước.


Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho rằng, quyết định của Trung Quốc đã gây “thất vọng sâu sắc”. Ông xác nhận rằng, Úc không được báo trước về hành động của Trung Quốc và chỉ được thông báo chính thức sau khi Trung Quốc đã ra quyết định áp thuế mới.


Ông Birmingham cũng tuyên bố, Úc không chấp nhận các căn cứ của quyết định này và sẽ đánh giá chi tiết các kết luận của cuộc điều tra trong khi xem xét các bước tiếp theo, bao gồm việc thực hiện quyền kháng cáo.


Bộ trưởng Littleproud cho rằng, trong trường hợp không thể hiểu được nguyên nhân Trung Quốc áp thuế, bước tiếp theo là Úc sẽ đưa vấn đề ra giải quyết ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để cơ quan trọng tài độc lập này ra quyết định cuối cùng.


Ông Littleproud khẳng định, Úc nghiêm túc về việc đưa vấn đề ra trước WTO và Úc đã có kinh nghiệm và lịch sử giải quyết tranh chấp theo hình thức này.


Nguồn: Báo Dân Trí

Quảng cáo sản phẩm