Vai trò của các thành phần phi nhà nước-Bài học từ Thái Lan và Ấn Độ

26/01/2007 12:00 - 1624 lượt xem

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Chống bán phá giá là các biện pháp do Chính phủ nước nhập khẩu tiến hành đối với hàng hóa bán phá giá nhập khẩu từ nước ngoài gây thiệt hại. Tuy nhiên, đằng sau các vụ kiện chống bán phá giá luôn là những xung đột về lợi ích giữa ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu và các nhà xuất khẩu bán phá giá. Vì vậy, những thành phần phi Nhà nước này đóng vai trò trọng tâm trong các vụ việc chống bán phá giá. Điều này được thể hiện khá rõ trong các quy định pháp lý cũng như trong thực tiễn các vụ việc chống bán phá giá ở Thái Lan và Ấn Độ.
Về mặt pháp lý, cả Ấn Độ và Thái Lan đều quy định vai trò tích cực của các bên liên quan (bao gồm nguyên đơn và bị đơn) trong việc khởi xướng cũng như trong quá trình tố tụng chống bán phá giá mà các nước này tiến hành đối với nhà xuất khẩu nước ngoài. Cụ thể, để được chấp nhận đơn kiện, ngành sản xuất trong nước cần chủ động “tập hợp lực lượng” để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tính đại diện của nguyên đơn (các nhà sản xuất khởi kiện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng sản lượng trong nước). Đồng thời, việc đơn kiện có được chấp nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin về việc hàng nhập khẩu bị bán phá giá và những thiệt hại gây ra đối với ngành sản xuất trong nước mà các nguyên đơn tự thu thập và cung cấp trong đơn kiện.

Khi việc điều tra được bắt đầu, vai trò của các bên bị đơn lúc này có ý nghĩa quyết định đối với kết quả điều tra cũng như những hệ quả kéo theo. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền khi xem xét xác định biên độ phá giá, thiệt hại hay mối quan hệ nhân quả đều chủ yếu dựa vào các chứng cứ do các bên cung cấp, họ không phải là người đi tìm kiếm chứng cứ mà chỉ là người đánh giá và trong trường hợp cần thiết là kiểm chứng các thông tin mà các bên đưa ra. Ví dụ, ở Ấn Độ, trong quá trình điều tra để ra các kết luận sơ bộ hoặc cuối cùng, những thông tin được ưu tiên xem xét đầu tiên là các chứng cứ do bên bị đơn cung cấp (với tuyên bố của họ về tính xác thực của các chứng cứ/thông tin này). Khi những thông tin này không đầy đủ hoặc thiếu chính xác (ví dụ các nhà xuất khẩu liên quan không hợp tác hoặc không cung cấp được các thông tin theo yêu cầu) thì cơ quan có thẩm quyền (Ban Chống bán phá giá và các Biện pháp tương tự trực thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ - DGAD) sẽ sử dụng đến những thông tin sẵn có từ các nguồn khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là những thông tin mà bên nguyên cung cấp. Cơ quan có thẩm quyền điều tra chống bán phá giá của Thái Lan (Ban Các biện pháp bồi thường và lợi ích thương mại - Vụ Ngoại Thương - Bộ Thương mại Thái Lan - BTIR) cũng hành xử với cách thức tương tự.

Có thể thấy khá rõ rằng cơ quan điều tra chống bán phá giá ở hai nước này hành xử giống như một “trọng tài” đứng giữa các bên để xem xét hơn là một “quan toà” đứng trên để phán xử. Trách nhiệm làm rõ vụ việc trên thực tế đã chuyển từ Nhà nước sang các bên. Điều này phù hợp với bản chất của sự việc (tranh chấp về lợi ích giữa các bên) đồng thời cũng cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể đảm nhận được một số lượng lớn các vụ việc mà không bị quá tải. Đây thực sự là cách tiếp cận mà Việt Nam nên học tập (đặc biệt trong điều kiện Cục quản lý Cạnh tranh – Cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra chống bán phá giá còn quá ít nhân lực và cũng chưa có kinh nghiệm trong việc này). Tất nhiên cách tiếp cận này đặt trách nhiệm lớn lên vai các chủ thể phi Nhà nước, và trong trường hợp của Việt Nam điều này chắc chắn sẽ gây ra không ít khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam vốn chưa có sự liên kết thật chặt chẽ, chưa có thói quen tuân thủ thật đầy đủ các quy định về sổ sách kế toán, cũng như luôn luôn gặp khó khăn khi tiếp cận các thông tin số liệu cần thiết. Tuy nhiên, một mặt điều này là không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá, một mặt khác trên thực tế doanh nghiệp ở Ấn Độ và Thái Lan cũng đã có được các cách thức phù hợp để đảm nhiệm việc này và bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong thực tiễn, các vụ việc chống bán phá giá (đi kiện hoặc bị kiện) ở Ấn Độ và Thái Lan đều mang đậm nét vai trò của các chủ thể phi Nhà nước.

Ở Thái Lan, không phải là Chính phủ mà là Nghiệp đoàn các ngành sản xuất Thái Lan (The Federation of Thai Industries), tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan trong các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp với khoảng 6000 hội viên thuộc 35 ngành sản xuất khác nhau, là chủ thể đầu tiên đứng mũi chịu sào trong nhiều vụ việc mà nhà sản xuất Thái Lan bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài. Cụ thể, mỗi khi các doanh nghiệp này khi có nguy cơ bị kiện hoặc khi đã bị kiện ở nước ngoài, Nghiệp đoàn sẽ tập hợp các nhà sản xuất liên quan (bao gồm các nhà sản xuất có sản phẩm liên quan, các nhà sản xuất các sản phẩm đầu vào – upstream industries và các nhà sản xuất sử dụng các sản phẩm đầu ra – downstream industries) để bàn các phương án hành động chung. Nghiệp đoàn đồng thời cũng tiến hành thảo luận các vấn đề với các ngành sản xuất có liên quan (trong nhiều trường hợp việc bán phá giá có thể gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất này nhưng có thể mang lại lợi ích cho ngành sản xuất khác), chia sẻ các thông tin... Theo yêu cầu của các doanh nghiệp thành viên, Nghiệp đoàn thành lập một Uỷ ban ad hoc trong mỗi vụ việc làm đầu mối phối hợp hành động giữa các doanh nghiệp thông qua một loạt các hoạt động như thống nhất việc mời luật sư đại diện, hướng dẫn cách trả lời các bảng câu hỏi, vận động các doanh nghiệp hợp tác trong quá trình điều tra... Nghiệp đoàn cũng là nơi cung cấp thông tin về sản phẩm, về các thị trường và về tình hình xuất nhập khẩu sản phẩm tại Thái Lan cũng như các thị trường khác để các doanh nghiệp nhanh chóng nhận thức được các nguy cơ liên quan (bị kiện chống bán phá giá ở nước ngoài hoặc bị các nhà sản xuất nước ngoài bán phá giá vào thị trường nội địa). Trong một số trường hợp, Nghiệp đoàn có thể có hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp trong các vụ kiện.

Trong các vụ kiện chống bán phá giá, vai trò của luật sư là hết sức quan trọng. Vì vậy, thông thường, các doanh nghiệp đều thông qua Nghiệp đoàn hoặc Hiệp hội cùng lựa chọn một (hoặc một số) công ty luật tư vấn, đại diện cho mình trong các vụ kiện. Thường thì trong các vụ kiện tại nước ngoài, doanh nghiệp Thái Lan thuê luật sư của chính nước đó làm luật sư tư vấn và đại diện. Đối với các vụ kiện khởi xướng ở Thái Lan, doanh nghiệp nước này sử dụng luật sư Thái và cả luật sư nước ngoài nếu cần thiết. Khi lựa chọn luật sư cho các vụ kiện chống bán phá giá, các doanh nghiệp thường rất quan tâm đến khả năng sử dụng các chuyên gia về kinh tế của công ty luật cũng như khả năng sử dụng tiếng Anh của họ (đặc biệt trong các vụ kiện ở nước ngoài).

Trong một chừng mực nhất định, Chính phủ Thái Lan cũng cung cấp một số trợ giúp cho các doanh nghiệp Thái Lan bị kiện bán phá giá ở nước ngoài như hướng dẫn doanh nghiệp trả lời các bảng câu hỏi, đưa ra các tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ một phần về tài chính... (thông qua hoạt động của Tổ các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài thuộc BTIR) nhưng trách nhiệm chủ yếu trong các vụ kiện vẫn thuộc về các doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp là người mời và trực tiếp chi trả thù lao cho các luật sư tư vấn và đại diện (chung cho cả ngành sản xuất liên quan). Về cơ bản, các doanh nghiệp Thái Lan khá chủ động và tham gia tích cực vào các vụ việc chống bán phá giá trong nước cũng như ở nước ngoài và điều này cũng đưa lại những kết quả tích cực.

Đối với trường hợp của Ấn Độ, vai trò của các chủ thể phi Nhà nước mang tính quyết định trong các vụ việc chống bán phá giá. Các doanh nghiệp tự mình tập hợp các thông tin liên quan, thuê và trả tiền cho luật sư tư vấn và đại diện, trả lời các bảng câu hỏi, tham gia vào các quy trình tố tụng...Sự tham gia của các Nghiệp đoàn hay Liên hiệp các ngành sản xuất vào các vụ việc này hạn chế hơn so với trường hợp của Thái Lan. Thường thì Nghiệp đoàn chỉ đưa ra những tư vấn pháp lý (có thu phí) cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng ở giai đoạn khởi kiện khi có yêu cầu.

Đặc biệt, các luật sư Ấn Độ có vai trò đặc biệt quan trọng trong các vụ kiện do ngành sản xuất Ấn Độ khởi xướng bởi theo pháp luật nước này, chỉ có các luật sư trong nước mới được chính thức đại diện cho các bên liên quan trong quá trình điều tra chống bán phá giá cũng như trong các vụ kiện có liên quan tại Toà án. Nhiều công ty luật của Ấn Độ đã đảm nhận rất tốt vai trò này với việc cung cấp hai hình thức dịch vụ chủ yếu là tư vấn và đại diện trong các vụ kiện chống bán phá giá. Trường hợp doanh nghiệp cần tư vấn chung về các vấn đề chống bán phá giá cũng như về cách thức ứng xử chung (trước khi thuê luật sư), các hiệp hội hay nghiệp đoàn của Ấn Độ sẵn sàng cung cấp các trợ giúp như vậy.

Dường như Chính phủ Ấn Độ chỉ tham gia vào các vụ việc điều tra chống bán phá giá mà Ấn Độ tiến hành với tính chất là cơ quan điều tra mà không trực tiếp hỗ trợ về kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò tích cực của DGAD trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và công chúng về vấn đề chống bán phá giá. Trong những năm vừa qua DGAD đã tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua việc cung cấp các thông tin (về những kiến thức cơ bản, số liệu) trên trang web chính thức của Bộ Thương mại (http://commerce.nic.in), thông qua việc phát hành các ấn phẩm với các thông tin khá đầy đủ và chuyên nghiệp về chống bán phá giá (Q&A, Mẫu các bảng câu hỏi, Báo cáo thường niên,...), tổ chức các Hội thảo hoặc buổi làm việc với các Phòng Thương mại, các Hiệp hội, các Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để phổ biến thông tin và giúp các đối tượng hiểu đầy đủ về bản chất của các biện pháp bồi thường trong thương mại quốc tế... Ngoài ra, DGAD cũng tiến hành các cuộc tọa đàm với các cơ quan liên quan của Chính phủ để thống nhất phương thức để các chủ thể liên quan có thể tiếp cận các số liệu xuất nhập khẩu thuận lợi và nhanh chóng hơn. Cùng với những nỗ lực tương tự của các hiệp hội doanh nghiệp, các viện nghiên cứu..., bước đầu có thể nói rằng hoạt động tuyên truyền về chống bán phá giá ở Ấn Độ đã có những hiệu quả rất tích cực. Với nhận thức đúng về bản chất của các vụ việc chống bán phá giá (nhằm đảm bảo cho thương mại công bằng), cả Chính phủ và các doanh nghiệp Ấn Độ dường như đều xem đây là các vấn đề thuộc về thương mại đơn thuần (không mang tính chính trị) và có cách hành xử tương ứng: chủ động khởi kiện khi thấy hàng hoá nước ngoài bán phá giá vào Ấn Độ và cũng bình tĩnh ứng phó với các vụ kiện ở nước ngoài. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Ấn Độ là lại đứng trong danh sách những nước đứng đầu trong việc tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá cũng như bị kiện nhiều nhất.

Tóm lại, liên quan đến vai trò của các chủ thể phi Nhà nước trong các vụ kiện chống bán phá giá, thực tế khảo sát ở Thái Lan và Ấn Độ cho những bài học hay đối với Việt Nam:
· Doanh nghiệp phải là chủ thể chủ động trong mọi hoạt động của các vụ việc chống bán phá giá (đi kiện và bị kiện) từ việc tập hợp lực lượng, thu thập và cung cấp thông tin, thuê luật sư tư vấn và đại diện, tham gia vào các hoạt động điều tra... Đặc biệt, việc chủ động hợp tác của doanh nghiệp trong các trường hợp bị kiện có ảnh hưởng mang tính quyết định đến các kết quả điều tra.

· Các Hiệp hội kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, làm đầu mối điều phối chung và hướng dẫn hành động của các doanh nghiệp trong các vụ việc chống bán phá giá.

· Việc tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và công chúng về các biện pháp chống bán phá giá có ý nghĩa quan trọng cho quá trình thực thi pháp luật chống bán phá giá.

· Vai trò của Chính phủ trong các vụ việc chống bán phá giá cần được xác định một cách đúng mức. Đối với các vụ kiện trong nước, cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ giới hạn ở vai trò của một “trọng tài” đứng giữa để xem xét chứng cứ do các bên cung cấp. Trong các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài, Chính phủ có thể cung cấp những hỗ trợ chung cho doanh nghiệp nhưng không can thiệp quá sâu vào các vấn đề chi tiết của quá trình điều tra./

Quảng cáo sản phẩm