Vấn đề quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc

20/03/2018 12:00 - 2012 lượt xem

Ngày 20/12/2017, EU đã công bố một báo cáo nhận định rằng nền kinh tế Trung Quốc có sự can thiệp sâu của Nhà nước, từ đó không cấp quy chế kinh tế thị trường cho quốc gia này. Báo cáo dài 465 trang của Liên minh châu Âu nhận định rằng mô hình kinh tế Trung Quốc có sự khác biệt với một nền kinh tế thị trường thông thường. Báo cáo cho rằng nhà nước Trung Quốc thiết lập và kiểm soát tất cả các khía cạnh của chương trình nghị sự kinh tế, với các ngân hàng được xem như công cụ để thực hiện, đặt trong một hệ thống tài chính “cứng nhắc và bóp méo”. Báo cáo cũng cho rằng Trung Quốc đang dành nhiều đối xử ưu đãi cho các doanh nghiệp nội địa. Ví dụ, doanh nghiệp Trung Quốc trong các ngành ưu tiên được nhận đất với giá thuê rất rẻ, thậm chí miễn phí, được sử dụng nguồn năng lượng giá rẻ, được ưu tiên trong tiếp cận vốn với chi phí vay thấp…

Báo cáo này của EU lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Trung Quốc. Đây cũng là phản ứng của Trung Quốc đối với những lần trước đó, khi Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác tỏ quan điểm từ chối công nhận làm nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Còn nhớ, ngày 04/12/2017, Mỹ cũng đã công bố một tài liệu dài 40 trang cho rằng Trung Quốc không tuân thủ cam kết giảm can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Theo cam kết khi gia nhập WTO của Trung Quốc, nước này chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp ở các nước Thành viên WTO khác (và do đó có thể không được sử dụng phương pháp tính toán chuẩn của WTO cho các vụ việc này) tới hết 11/12/2016. 

Nay, thời hạn đó đã đi qua. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc sẽ được đối xử như thế nào sau ngày 11/12/2016. 

Trung Quốc cho rằng hết thời hạn như đã cam kết trong WTO, hàng hóa Trung Quốc cần phải được tự động đối xử như hàng hóa trong các trường hợp từ nền kinh tế thị trường thông thường. 
Trong khi đó, các nước phương Tây (mà dẫn đầu là Hoa Kỳ và EU) thì lại cho rằng đây không phải là thời hạn để công nhận đương nhiên, và vì WTO không có điều khoản nào về việc sau thời hạn này thì cơ chế cho Trung Quốc là gì nên các nước sẽ tự đánh giá, xem xét.

Sau nhiều phản đối từ phía Trung Quốc và dường như cũng nhận thấy sự đuối lý của mình, các nước phương Tây đang chuyển sang sử dụng “lá bài” mới. Theo đó, sau thời điểm 11/12/2016, sẽ không có khái niệm kinh tế thị trường hay phi thị trường với Trung Quốc nói chung nữa – Trung Quốc sẽ được xem như một nền kinh tế như bất kỳ nền kinh tế nào khác; tuy nhiên, ở mỗi vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp thì các nước này sẽ xem xét xem có tồn tại của các yếu tố đặc biệt, bóp méo thị trường không và nếu có thì sẽ sử dụng phương pháp tính toán thích hợp. 

Ngày 9/3/2017, Trung Quốc đã kiện EU ra WTO về vấn đề này (vụ DS 516). Hoa Kỳ và 17 nền kinh tế khác đã đăng ký tham gia vụ kiện với tư cách bên thứ ba. Việt Nam có đăng ký tham gia vào quá trình tham vấn trước vụ kiện nhưng không/chưa đăng ký tham gia với tư cách bên thứ ba trong vụ kiện. Trên thực tế, phán quyết đối với vụ việc này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nhất định tới Việt Nam khi mà chúng ta đang tiến dần tới mốc 31/12/2018, thời điểm mà Việt Nam cũng sẽ hết thời hạn bị coi là nền kinh tế phi thị trường theo cam kết gia nhập WTO.

Tranh cãi về quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc sau thời điểm 11/12/2016 có lẽ sẽ chỉ được ngã ngũ khi WTO đưa ra phán quyết về vấn đề này (trong khuôn khổ vụ việc số DS 516 của WTO). Trong khi chờ đợi kết quả vụ kiện, hiện các bên vẫn liên tục đơn phương đưa ra phương pháp, lập luận, ứng xử khác nhau về vấn đề này.

Kết quả vụ kiện này sẽ có ý nghĩa quan trọng như là một tiền lệ đối với Việt Nam. Lý do là cũng như Trung Quốc, Việt Nam phải chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và thời hạn kết thúc đối với Việt Nam là 31/12/2018.
Tiêu chí kinh tế thị trường trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp

Theo các nước như EU hay Hoa Kỳ, để được công nhận có quy chế kinh tế thị trường thì ít nhất nền kinh tế cần bảo đảm (i) sự tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế và (ii) các hoạt động trong nền kinh tế phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường. Nói cách khác, can thiệp của Chính phủ vào các hoạt động kinh tế cần được giảm thiểu đến mức tối đa. Trong vụ việc này, đối với nền kinh tế Trung Quốc, các nước này đánh giá chính phủ Trung Quốc vẫn nắm và điều hành sự lên xuống, thay đổi của đồng tiền và các nhân tố khác trong nền kinh tế, đặc biệt là thông qua cơ chế của các doanh nghiệp Nhà nước.

WTO không có cam kết hay quy định nào về các tiêu chí kinh tế thị trường. 
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI tổng hợp
Quảng cáo sản phẩm