Vấn đề sản xuất thép quá mức trên thế giới – Phương án xử lý của Hoa Kỳ

03/10/2016 12:00 - 9933 lượt xem

Trong thời gian gần đây, cung vượt quá cầu đối với ngành thép trong nước đang là một trong những vấn đề mà các nhà kinh tế rất quan tâm. Theo số liệu của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất thép trong nước, dự báo nhu cầu thép xây dựng trong cả nước năm 2015 khoảng 6 triệu tấn, trong khi đó, công suất của các nhà máy trên cả nước lên đến 11 triệu tấn. Ngoài thép xây dựng, các mặt hàng thép khác cũng chung tình trạng. Như vậy, hầu hết chủng loại thép đều có công suất và sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.Trước tình hình này, ngành thép trong nước đang đối mặt với áp lực lớn về đầu ra của sản phẩm.

Tuy nhiên, nhìn ra thị trường thép thế giới, việc sản xuất thép dư thừa không phải câu chuyện của riêng Việt Nam, các nhà sản xuất thép thế giời đều đang đối mặt với vấn đề này. Bài viết này sẽ hướng đến các phân tích và phương án giải quyết của một nền kinh tế lớn của thế giới – Hoa Kỳ.

1. Thực trạng sản xuất quá mức của thế giới ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ

Mặc dù nền kinh tế của Hoa Kỳ và thế giới đã hồi phục từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2009, ngành thép vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do sản xuất dư thừa trên toàn cầu.

- Lượng sản xuất: Theo Ủy ban Thép của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng sản xuất thép thế giới đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2014. Nguyên nhân được cho là do sự gia tăng sản xuất bất ngờ của Trung Quốc. Năng lực sản xuất của thế giới mà OECD dự kiến thậm chí còn cao hơn vào giai đoạn 2015-2017, lên đến 2.361 triệu tấn, tương đương với lượng dư thừa lên đến 700 triệu tấn so với nhu cầu của thị trường năm 2015.

- Nhu cầu của thị trường: Vào cùng thời điểm, nhu cầu quốc tế đối với ngành thép lại suy giảm. Vào tháng 10 năm 2015, Hiệp hội Thép thế giới đã hạ mức nhu cầu dự kiến, ước tính nhu cầu thế giới giảm khoảng 1.7% vào năm 2015. Sản lượng toàn cầu cũng giảm 2.9% năm 2015 so với năm 2014.

- Xuất khẩu toàn cầu: Mặc dù có sự chênh lệch giữa cung và cầu đối với sản phẩm thép trên thế giới, theo số liệu của OECD, lượng xuất khẩu thép vẫn gia tăng khoảng 4% từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014.

-  Nguyên nhân: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch cung cầu là do sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc và một số nền kinh tế dẫn đến sự sụt giảm về lượng tiêu thụ hàng hóa và các nguyên liệu công nghiệp. Sự thúc đẩy xuất khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia lại càng gây áp lực lớn với các nền kinh tế yếu kém.

- Tác động: Ở Hoa Kỳ, sản lượng sản xuất thép thô (crude steel) giảm khoảng 10% vào năm 2015, ở mức78.9 triệu tấn trong khi công suất sử dụng của ngành mới chỉ đạt trung bình 70.1%, giảm 10% so với năm 2014. Vào năm 2014, ngành sản xuất thép đối mặt với sự gia tăng thép nhập khẩu, tăng 37.9% so với năm 2013 nhưng lượng nhập khẩu này cũng đang suy giảm vào năm 2015. Mặc dù xuất khẩu thép suy giảm đều trong 4 năm, giảm đến 17% từ năm 2014 đến năm 2015. Vào năm 2015, ngành sản xuất thép Hoa Kỳ cắt giảm 12.000 lao động. Ảnh hưởng tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác, bao gồm cả nền kinh tế Anh và Nhật Bản.

Trước những tác động bất lợi đó, Chính quyền Obama đang tìm cách tháo gỡ vấn đề này. Vào ngày 12-13 tháng 4 năm 2016, Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức một buổi tham vấn để thu thập thêm thông tin về tình trạng năng lực sản xuất dư thừa và đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Phần tiếp theo của bài nghiên cứu giới thiệu một số giải pháp xử lý mới nhất của Hoa Kỳ trong thời gian qua trước những khó khăn của ngành sản xuất thép trong nước.
 
2. Một số đề xuất của Hoa Kỳ
2.1. Tăng cường pháp luật thương mại

Hệ thống pháp luật vững vàng là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ hóa giải những tác động từ nền kinh tế thế giới. Chính phủ Hoa Kỳ đã luôn tận dụng các công cụ thương mại để hỗ trợ ngành sản xuất trong nước.

- Năm 2015, Tổng thống Obama ký Đạo luật thực thi thương mại hiệu quả, giải quyết những hạn chế còn tồn tại trong pháp luật chống bán phá giá/chống trợ cấp, bao gồm cả những quy định chặt chẽ và biện pháp mạnh mẽ hơn đối với các nhà sản xuất xuất, khẩu nước ngoài không hợp tác với Bộ Thương mại trong quá trình điều tra.

- Ngày 24 tháng 2 năm 2016, Tổng thống Obama đã ký Đạo luật Thực thi và thuận lợi hóa thương mại 2015 nhằm giúp Chính phủ tăng cường thực thi thương mại ở cảng và biên giới, nỗ lực ngăn chặn hành vi gian lận thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, tạo ra công cụ mới hữu hiệu chưa từng có trước đây cho Chính phủ giải quyết các hành vi thương mại không lành mạnh, tạo ra cơ chế thực thi liên ngành nhằm nâng cao sự phối hợp chặt chẽ trong Chính phủ.

- Tổng thống Obama đã dành 606 triệu USD ngân sách tài khóa năm 2017 cho các hoạt động quản lý thương mại của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới và 84 triệu USD dành cho công tác thực thi của Cục thực thi và tuân thủ của Bộ Thương mại đối với các hoạt động thương mại quốc tế. Bộ Thương mại đang bắt đầu áp dụng những mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD/CVD) mới đối với nhiều chủng loại thép từ các quốc gia: Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc và đang cân nhắc đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng những biện pháp này.
 
2.2. Ban hành các công cụ mới để tăng cường thực thi pháp luật thương mại Hoa Kỳ

Pháp luật chống bán phá giá/chống trợ cấp là công cụ chính để xử lý các hành vi thương mại không công bằng, bao gồm cả trong ngành thép. Bộ Thương mại và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) hiện đang thực thi 332 lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với gần nửa trong số đó (149 lệnh) là đối với sản phẩm thép. Tính riêng năm 2015, Bộ Thương mại khởi xướng 61 vụ điều tra về phòng vệ thương mại với 75% số vụ việc đối với sản phẩm thép. Theo dự báo, số lượng vụ việc trong năm 2016 có khả năng còn gia tăng số lượng hơn nữa so với năm 2015. Các công cụ và biện pháp mà Hoa Kỳ đã sử dụng gồm có:

- Vận hành Hệ thống phân tích và giám sát nhập khẩu thép để cung cấp những thông tin tổng hợp về nhập khẩu thép một cách sớm nhất. Đây là một hệ thống có hiệu quả giám sát số lượng thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ, lượng thép xuất khẩu và lượng xuất nhập khẩu sản phẩm hạ nguồn của thép.

- Tăng 10% ngân sách tài khóa năm 2016 để thuê thêm 38 nhân viên mới hỗ trợ cho các công việc liên quan đến các vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp. Nhờ vậy, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xử lý các đơn yêu cầu hiệu quả hơn. Các khoản chi bổ sung cho phép Bộ Thương mại thực hiện điều tra với nhiều nhà sản xuất nước ngoài hơn, tiến hành thẩm tra nhiều hơn, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan trong quá trình điều tra mà ngành sản xuất trong nước quan tâm.

- Trong năm 2015, CBP phối hợp với Cục Thực thi di trú và Hải quan và Cơ quan điều tra nn ninh nội địa đã tịch thu từ các nhà nhập khẩu lượng thép giá trị hơn 900.000 USD và thu hơn 45.5 triệu USD tiền phạt do vi phạm pháp luật chống bán phá giá/ chống trợ cấp.

- Tháng 2 năm 2016, CBP thực hiện mục tiêu tăng cường các cuộc rà soát thép nhập khẩu, sử dụng những biện pháp phù hợp đối với nguy cơ do thép nhập khẩu gây ra và mục tiêu sữ còn thắt chặt hơn nữa.

- Đối với một số sản phẩm thép có nguy cơ cao, CBP cũng yêu cầu tất cả các giấy tờ được nhà nhập khẩu nộp phải được CBP kiểm tra và tất cả các khoản thuế ứng trước phải được thực hiện trước khi thông quan vào thị trường Hoa Kỳ (quy trình live entry). Cuối cùng, CBP đang gia tăng những thủ tục nghiệp vụ đối với thép nhập khẩu, bao gồm cả việc kiểm toán các nhà nhập khẩu.
 
2.3. Khởi kiện tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO)

Từ khi Tổng thống Obama nhậm chức năm 2009, Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) đưa tổng cộng 20 vụ việc khởi kiện tại WTO với 6 vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của ngành sản xuất thép Hoa Kỳ:

-  Một vụ việc thắng kiện tại WTO về vấn đề hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và thuế đối với sản phẩm vonfram và molypden gây tăng giả tạo giá thép đầu vào và giảm giá sản phẩm của Trung Quốc.

- Một vụ việc thắng kiện tại WTO về biện pháp Chống bán phá giá/Chống trợ cấp của Trung Quốc đối với sản phẩm hạt hướng điện thép (grain-oriented electrical steel), gây thiệt hại 250 triệu USD xuất khẩu hàng năm của Hoa Kỳ.

-  Một vụ việc thắng kiện tại WTO về các biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp không có cơ sở đối với xe ô tô và xe SUV của Hoa Kỳ, sản phẩm hạ nguồn trọng yếu của ngành thép, từ đó giảm 5 tỷ USD xuất khẩu hàng năm.

-  Một vụ việc thắng kiện tại WTO về hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc và thuế đối với than cốc, bauxite và các nguyên vật liệu được sử dụng trong các sản phẩm hợp kim nhôm và nhôm bán thành phẩm và thành phẩm, bán thành phẩm và thành phẩm thép hợp kim và thép cùng nhiều sản phẩm khác.

- Một vụ việc đang khởi kiện tại WTO liên quan đến chương trình trợ cấp xuất khẩu mà Trung Quốc cung cấp dịch vụ miễn phí và giảm giá, cũng như trợ cấp tiền mặt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm cả ngành thép.

- Một vụ việc đang khởi kiện tại WTO liên quan đến chương trình trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp ô tô và phụ tùng ôtô.

USTR đang tiếp tục xem xét các vấn đề thương mại với sự hỗ trợ của các chuyên gia tại Trung tậm phối hợp thực thi thương mại do Tổng thống Obama thành lập năm 2012.

2.4. Phối hợp cùng các Đối tác quốc tế về cắt giảm năng suất và sản lượng

Năng lực sản xuất quá mức đang là một vấn đề quốc tế, và sẽ đòi hỏi giải pháp quốc tế về dài hạn. Hoa Kỳ đang xây dựng liên minh trên toàn cầu với các đối tác kinh tế có chung tư tưởng để đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng thép trên thế giới, cụ thể như sau:

- Hoa Kỳ, Mexico và Canada đã có buổi làm việc vào cuối tháng 3 tại Ủy ban Thương mại thép Bắc Mỹ, thống nhất về “sự cần thiết cho các chính phủ của các nước sản xuất thép lớn phải thực hiện cam kết mạnh mẽ và ngay lập tức để giải quyết các vấn đề về năng lực sản xuất thép dư thừa toàn cầu”

-  Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để xử lý vấn đề sản xuất dư thừa tại các buổi làm việc:
+ Cuộc họp cấp cao OECD vào tháng 4 về Sản xuất dư thừa và điều chỉnh cơ cấu ngành thép;
+ Ủy ban hỗn hợp tại Trung Quốc vào tháng 5 về Đối thoại về Kinh doanh và thương mại Thép;
+ Đối thoại vào tháng 6 Hoa Kỳ - Trung Quốc về Kinh tế và Chiến lược;
+ Buổi họp khối G-20 và Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong năm nay.

- Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ nêu lên quan ngại về việc Trung Quốc trợ cấp cho ngành thép trong buổi làm việc của Ủy ban Trợ cấp WTO vào tháng 4 năm 2016.

Như vậy, đối diện với những tác động từ việc dư thừa sản xuất thép, Hoa Kỳ đã đồng thời có những động thái nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước cũng như hạn chế sự gia tăng dư thừa sản lượng thép toàn cầu. Trong đó, có thể nhận thấy chính sách cơ bản của Quốc gia này là triệt để áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá/chống trợ cấp) để kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, tạo thị trường tốt hơn cho ngành sản xuất trong nước.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm trở lại đây, Hoa Kỳ luôn sử dụng rất tốt và hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, không chỉ xử lý được các hành vi thương mại không lành mạnh mà còn giảm áp lực từ hàng nhập khẩu tới nền kinh tế nội địa. Phương án của Hoa Kỳ cũng là một trong những giải pháp và nguồn tham khảo hiệu quả mà Việt Nam, nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ hàng nhập khẩu Trung Quốc, cần cân nhắc và sử dụng.
 
Tài liệu tham khảo:
1.    Anh Quyền, Ngành thép trong nước: Cung vượt cầu quá xa, ngày 19/8/2015
(http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/174-3750-nganh-thep-trong-nuoc--cung-vuot-cau-qua-xa.html)
2.    USTR – Fact sheet: Addressing steel excess capacity and its impacts: ensuring a level playing field for American Businiess and workers.
3.    Số liệu thống kê sản lượng thép của Bộ Công Thương, năm 2015
4.    Báo cáo của OECD về ngành thép - http://www.oecd.org/sti/ind/steel-market-developments.htm
5.    Báo cáo của Ủy ban Thép – OECD – Phiên họp thứ 78 của Ủy ban Thép – OECD -http://www.oecd.org/sti/ind/steelcommittee78thsession11-12may2015.htm
6.    S&P Global Platts - Border protection: A lot more than a wall is already in place to protect steel trade - http://blogs.platts.com/2016/05/06/border-protection-steel-trade/
7.    Stronger AD/CV Measures Among Tools Being Used to Deal with Steel Overcapacity – STRTRADE - http://www.strtrade.com/news-publications-steel-overcapacity-duty-evasion-AD-CV-041816.html
8.    Cổng thông tin Giải quyết tranh chấp của WTO -https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_status_e.htm

Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh
Quảng cáo sản phẩm