Vì sao hàng Việt xuất khẩu sang Nga có xu hướng giảm tốc?

13/05/2019 12:00 - 450 lượt xem

Bên cạnh nguyên nhân đến từ các biện pháp phòng vệ thương mại do Ủy ban Liên minh Kinh tế Á-Âu áp dụng cho mặt hàng quần áo lót và quần áo trẻ em từ Việt Nam (hiện biện pháp này đã hết hiệu lực), theo các nhà kinh tế tại Nga, xu hướng này còn do tâm lý tiêu dùng thay đổi.

Người Nga ngày nay tuy không còn “cuồng” hàng xa xỉ nhưng vẫn rất xem trọng chất lượng và thương hiệu. Đây cũng là những người tiêu dùng khá sành sỏi trong “khảo giá” và ưa chuộng kênh bán hàng online.
Thế nên, hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa bản địa hoặc hàng mang thương hiệu Nga sản xuất ở nước ngoài. “Dù Việt Nam có nhiều tên tuổi may mặc, da giày không thua kém hàng sản xuất tại châu Âu về thời trang và chất lượng như An Phước, Việt Tiến, Blue Exchange hay Ninomaxx, Juno, Biti’s… nhưng các thương hiệu này chưa được biết đến rộng rãi ở Nga (một phần do chưa được sản xuất với kích cỡ phù hợp).

Riêng hàng thủy sản Việt Nam lại có giá “cứng” hơn các nước Đông Nam Á khác do phải chịu giá thức ăn chăn nuôi khá cao”, ông Dmirtriy Makarov - Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam (Chi nhánh TP HCM) nhận xét.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, những thị trường mà Việt Nam đang xuất khẩu thành công như Mỹ và EU có văn hóa kinh doanh, thủ tục hành chính, phương thức thanh toán, ngôn ngữ sử dụng phổ biến trong thương mại rất khác biệt với Đông Âu. Dung lượng thị trường Đông Âu được đánh giá là còn nhỏ nên các nhà xuất khẩu tại Việt Nam cũng chưa mặn mà.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga Trần Đăng Chung (Chủ tịch Công ty Milton - Nga) cho hay, xứ sở bạch dương là nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Sức mua của thị trường Nga đang giảm nên DN Việt cần có chiến lược phù hợp hơn, nếu vội vã đưa một lượng hàng lớn sang Nga thì khả năng thất bại là có thật. Tuy nhiên, cơ hội vẫn ở đó vì kinh doanh luôn có tính chu kỳ.

“Milton cũng như nhiều DN khác tại Nga, chỉ thu hẹp một số mảng kinh doanh thiếu hiệu quả chứ không bỏ hẳn vì cần giữ tâm thế sẵn sàng "nhập cuộc" khi thị trường tốt lên. Tóm lại, những DN lớn và kinh doanh chính thống rất nên làm ăn với thị trường Nga. Hiệu quả ban đầu có thể thấp nhưng tương lai hứa hẹn nhiều tiềm năng”, doanh nhân từng 30 năm kinh doanh tại Nga khuyến nghị.

Thống kê từ Cơ quan Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam (Chi nhánh TP HCM) cho thấy xuất khẩu hàng Việt sang Nga có xu hướng giảm tốc trở lại sau khi bất ngờ “hồi sinh” giai đoạn 2016-2017, từ mức tăng hơn 35% năm 2017 chỉ còn tăng hơn 9% vào 2018 (trong đó hàng may mặc, giày dép giảm tốc mạnh nhất).

Việt Nam - Đông Âu hiện đã thiết lập được hành lang pháp lý khá thuận lợi cho thương mại song phương với 14 Ủy ban Liên Chính phủ, một cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Ba Lan và một Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (FTA VN-EAEU) gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Từ đầu những năm 90, Đông Âu đã trở thành khu vực từng có hoạt động ngoại thương sôi động với Việt Nam. Tuy nhiên mối quan hệ thương mại này lại “trầm lắng” trong suốt thời gian qua, khi đa số DN tại Việt Nam lo tập trung khai thác những điểm đến hấp dẫn như EU và Mỹ.
Nguồn: Petro Times
Quảng cáo sản phẩm