Việc áp thuế giày da của EC sẽ ảnh hưởng đến 1 triệu công nhân Việt Nam

06/12/2006 12:00 - 1485 lượt xem

Tổ chức ActionAid Việt Nam vừa kiến nghị Uỷ ban Châu Âu (EC) xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam và cần đảm bảo rằng quyết định này không ảnh hưởng trực tiếp đến những công nhân da giày Việt Nam.

Kiến nghị đã được gửi lên phiên điều trần của EC về vụ kiện này, tổ chức tại Brussels (Bỉ), hôm 2/6/2006. ActionAid còn gửi kèm theo báo cáo nghiên cứu “Tác động của vụ kiện bán phá giá của EC đối với ngành da giày Việt Nam " - tài liệu do ActionAid Việt Nam và Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) thực hiện trong nửa đầu tháng 5/2006, sau khi EC áp dụng mức thuế sơ bộ 4,2% từ ngày 7/4/2006, kèm theo một lá thư tập thể với hơn 2.000 chữ ký của công nhân da giày.

Theo công bố của ActionAid Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy, việc áp thuế của EC sẽ gây khó khăn cho đời sống của một triệu công nhân làm việc trong ngành da giày và các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, vốn đang sống chỉ với mức 1 euro/ngày.

LEFASO cho rằng, tác động này càng nghiêm trọng hơn khi đa số lao động là nữ, bình quân mỗi lao động phải hỗ trợ 2-3 thành viên khác trong gia đình. Như vậy, khi lao động ngành này có nguy cơ mất việc làm sẽ kéo theo những vấn đề xã hội khác như bản thân lao động trẻ không có tương lai, con em họ sẽ bị thất học, gia đình họ ngày càng khó khăn và rất dễ trở nên nghèo đói.

Cuộc nghiên cứu đánh giá tác động của vụ kiện này đã được tiến hành ở 21 doanh nghiệp sản xuất giày mũ da xuất khẩu vào thị trường EU đóng trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố.

Theo lộ trình của vụ kiện, hôm nay cũng là ngày áp dụng mức thuế 8,4%, tăng lên gấp đôi so với mức thuế áp dụng từ tháng 4/2006.

Theo TTXVN

Quảng cáo sản phẩm