Việt Nam lọp top 7 nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ

07/10/2019 12:00 - 1924 lượt xem

Theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ, Việt Nam đã nhảy từ vị trí thứ 12 sang thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.

Theo đó, các dữ liệu cho thấy cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tạo ra khe hở cho các nhà xuất khẩu khác tham gia vào. Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chính của Hoa Kỳ, nhưng vị trí dẫn đầu của họ đã sắp phải nhường cho Mexico.

Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 43,25 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018, trong khi mua hàng từ Mexico tăng 5,5%, tương đương 12,4 tỷ USD. 

Việt Nam với mức tăng 34% tương đương 10,9 tỷ USD - đã nhảy từ vị trí thứ 12 sang thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ.

Tuy nhiên Bộ Công Thương Việt Nam lại cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam năm nay có thể tăng từ 7% đến 7,5% so với năm 2018, mức giảm mạnh so với hai năm trước chủ yếu là do căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở một số quốc gia làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Việt Nam.

Doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 8.2% trong 9 tháng đầu năm 2019 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 8,9%. Xuất khẩu của Việt Nam 2018 đã tăng 13,3% so với cùng kỳ trước đó, trong khi năm 2017 tăng 21,8%, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Dù Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ nhưng tăng nhập siêu từ Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, với kim ngạch 35,7 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, tăng 6,1 tỷ USD so với kim ngạch 5 tháng trước, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 153,87 tỷ USD, chiếm 63% kim ngạch cả nước, tăng 6%, tương ứng tăng 8,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Với thương chiến Mỹ - Trung ngày một gia tăng, Việt Nam đang không tránh khỏi việc bị lợi dụng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước, gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Với 12 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã khẳng định Việt Nam là quốc gia có những đóng góp to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Nhưng thực tế cho thấy, đi kèm với những lợi thế thì Việt Nam đang không tránh khỏi việc bị lợi dụng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp trong nước và hình ảnh hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong số các điểm đến của hàng hóa gian lận thương mại thì Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh nhất. Đáng lưu ý, hình thức gian lận thương mại cũng được lẩn tránh rất tinh vi, đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. 

Chẳng hạn như doanh nghiệp chuyển toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hoặc nhập khẩu một phần nguyên liệu sản xuất, linh kiện lắp ráp tại Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm.  Đây là lý do để lấy xuất xứ “Made in Vietnam” nhằm xuất khẩu hàng hóa đi các quốc gia khác.

Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn cố tình cung cấp hồ sơ giả mạo để xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí có trường hợp làm C/O giả hoặc thành lập doanh nghiệp chỉ để xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi sau đó tuyên bố giải thể.  Điều này vô hình chung dẫn đến việc các nước nhập khẩu đang siết chặt quản lý hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ thẳng thừng áp dụng lệnh trừng phạt.

Nguồn: Tin tức Việt Nam

Quảng cáo sản phẩm