WTO “đe dọa” ngành chăn nuôi

26/04/2009 12:00 - 1065 lượt xem


Nhập khẩu thịt và thịt gà (tính bằng đô la Mỹ) tuy đã bớt "sốt" nhưng vẫn là nguồn đe dọa đối với chăn nuôi trong nước (Đvt: đô la Mỹ). Nguồn: Trần Ngọc Yến, Trung tâm Thông tin PTNNNT.

Đúng như dự báo của các chuyên gia, nông nghiệp là lĩnh vực sẽ chịu nhiều tác động không thuận lợi nhất khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng riêng với ngành chăn nuôi quá trình tác động lại diễn ra nhanh và mạnh đến như vậy.

Tại hội thảo về đánh giá tác động sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO thuộc Viện Kinh tế TPHCM tổ chức tuần qua, các chuyên gia đã đưa ra những con số giật mình.

Cuối quí 3-2007 do giá cả các mặt hàng trong nước leo thang Bộ Tài chính đã quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng thịt sớm hơn lộ trình và mức thuế cam kết với WTO. Ví dụ, theo cam kết, đến 2012 Việt Nam mới phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt bò xuống 14% nhưng Bộ Tài chính đã cắt giảm xuống còn 12%. Tương tự, thuế nhập khẩu thịt heo theo cam kết từ 25% xuống còn 20%. Thịt gà, vịt, ngan không bắt buộc cắt giảm nhưng thuế nhập khẩu cũng được giảm từ 40% xuống còn 12%; trứng gia cầm từ 80% giảm còn 20%...

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đã giúp cho thực phẩm ngoại giá rẻ ồ ạt nhập về Việt Nam. Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2008 lên tới 323 triệu đô la Mỹ gồm sữa và kem, thịt gia cầm, thịt cừu...

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 81 triệu đô la bao gồm chủ yếu mật ong và heo sữa. Nghĩa là chúng ta đang nhập siêu các sản phẩm chăn nuôi với tỷ trọng nhập khẩu nhiều gấp gần bốn lần so với xuất khẩu!

Chưa hết, riêng thịt gà nhập khẩu, từ 40.868 tấn năm 2007 đã tăng lên 103.401 tấn trong tám tháng đầu năm 2008, tương đương 100 triệu con gà, trong khi đàn gà cả nước hiện chỉ hơn 241 triệu con, tức thịt gà nhập khẩu chiếm gần 40% thị phần thịt gà cả nước!

Tương tự, trong tám tháng đầu năm 2008 lượng thịt trâu, bò ngoại nhập tăng gấp ba lần và thịt heo nhập tăng gấp 18 lần so với cả năm 2007... Ngoài ra, theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, điều không kém phần lo ngại là một lượng khá lớn phụ phế phẩm (đầu, chân, nội tạng gia cầm ...) - những thứ mà ở nước ngoài “vứt đi”, “giá trị bằng không” cũng được tận thu nhập về bán, làm thực phẩm cho người.

Chỉ một đợt tấn công của thịt ngoại nhập khẩu với thời gian chưa đầy 12 tháng, cùng với diễn biến thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và dịch bệnh lan rộng, ngành chăn nuôi đã xơ xác, tơi tả. Theo Trung tâm Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 30% số hộ nông dân chăn nuôi đã phải bỏ hoàn toàn hoặc từng phần kế hoạch chăn nuôi sau cơn khó khăn. Bà Trần Ngọc Yến, chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm Thông tin PTNNNT thuộc Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT, cũng cho biết hệ quả kéo theo là đã có khoảng 20% doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phải đóng cửa.

Mặc dù lượng thịt nhập khẩu trong thời gian gần đây, bắt đầu từ tháng 11-2008 đến nay, đã giảm đáng kể do hai lần Bộ Tài chính thực hiện chính sách tăng thuế trở lại (lần thứ nhất vào tháng 10-2008 và lần thứ hai vào tháng 3-2009) nhưng hiện tượng trên cho thấy năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi nước ta là vấn đề đáng báo động. Theo ông Phạm Thiết Hòa, ngành chăn nuôi của ta hiện vẫn trong tình trạng manh mún, mức độ áp dụng khoa học còn hạn chế và thiếu định hướng rõ ràng, từ đó làm cho năng suất sản xuất rất thấp, thấp hơn thế giới 30%.

Mặt khác, do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên Việt Nam chưa được phép áp dụng quy chế tự vệ để chống lại những đột biến về nhập khẩu cho các mặt hàng chăn nuôi như thịt heo, thịt bò... Khi giảm thuế nhập khẩu thịt sớm hơn lộ trình, Nhà nước lại “không có bất cứ khuyến cáo nào để người nuôi có thể chủ động giảm đàn, ngừng chăn nuôi hoặc có biện pháp đối phó trước nguy cơ cạnh tranh với thịt nhập khẩu” - ông Phạm Thiết Hòa phát biểu.

Đó là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, cho biết thậm chí đến cả chiến lược chăn nuôi của ngành cũng chỉ mới được thông qua trong cuộc họp gần đây. Các chuyên gia lo lắng rằng với cách chuẩn bị như trên, liệu ngành chăn nuôi sẽ phải chống đỡ ra sao khi chỉ còn hai năm nữa, tức đến 2012 theo cam kết với WTO thuế nhập khẩu sẽ phải bị cắt giảm và Việt Nam sẽ không còn được phép tự tăng cao thuế hơn mức đã cam kết?

Ông Từ Minh Thiện cho rằng vấn đề căn cơ của ngành chăn nuôi là phải làm sao hạ được giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, theo ông, ngoài việc áp dụng chính sách thuế dễ tiên liệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hoạch định một chiến lược bài bản về phát triển ngành chăn nuôi, trong đó đặc biệt là phải sớm quy hoạch được nguồn thức ăn cho chăn nuôi nhằm đảm bảo cung cấp đủ, giá thành thấp, đồng thời tránh sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu. Ngoài ra, cần xây dựng và áp dụng một hàng rào kiểm soát vệ sinh dịch tễ (STS) hợp lý, vừa có tác dụng làm tăng chất lượng sản phẩm xuất khẩu, vừa kiểm soát chặt các nguồn thực phẩm nhập khẩu.

Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ nên sớm điều chỉnh chính sách cho nông nghiệp theo hướng tăng hỗ trợ thông qua nhóm “hộp xanh” mà WTO cho phép như nghiên cứu khoa học, chế tạo giống; khuyến nông, đào tạo; hỗ trợ đầu tư (tín dụng ưu đãi); xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp... Đồng thời, sử dụng thật hợp lý, linh hoạt nhóm chính sách “hộp đỏ” (can thiệp vào thị trường) trong trường hợp cần thiết.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm