Xơ sợi tổng hợp Việt Nam có thể vượt khó?

13/04/2020 12:00 - 347 lượt xem

Chỉ vỏn vẹn 3 tháng qua, hàng chục doanh nghiệp dệt sợi Việt Nam đã phải tạm ngừng sản xuất, gần 60 nghìn công nhân phải xin trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh đó, sự nỗ lực của các nhà sản xuất xơ sợi tổng hợp trong nước, sự tích cực của Cục phòng vệ thương mại trong xử lý vấn đề phá giá thị trường mặt hàng sợi tổng hợp là những tín hiệu khả quan.

Những điểm sáng từ VNPoly

Báo cáo mới nhất của Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp Việt Nam (VNPoly) - một trong hai doanh nghiệp sản xuất xơ sợi tổng hợp tại nước ta - cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong quý I/2020 vẫn tương đối ổn định và hiệu quả.

Một số chỉ tiêu sản xuất của VNPoly trong thời gian qua đều có dấu hiệu khởi sắc đáng lưu ý. Cụ thể như số lượng sản phẩm đạt loại ưu đều đạt từ 90-96%, lượng phế phẩm chỉ bằng 50% so với kế hoạch (1/2 tấn) và chỉ bằng 14,3% so với năm 2018. Tương ứng là lượng hàng tồn kho của VNPoly cũng đang ở mức tối ưu (26%). Đặc biệt trong 3 tháng qua, VNPoly đã tiêu thụ được gần 500 tấn sợi, ký kết hợp đồng xuất khẩu sợi sang thị trường Hoa Kỳ (200 tấn), Nhật Bản, Hàn Quốc và các đơn vị sản xuất khẩu trang chống khuẩn cao cấp phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nước và quốc tế.Theo đó, tính đến hết tháng 3, VNPoly đã sản xuất được 843 tấn sản phẩm, tổng doanh thu ước tính đạt 10,64 tỉ đồng. Nếu chỉ tính biến phí, hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPoly trong quý I đã có lãi tới 3,47 tỉ đồng. Đáng chú nhất là chỉ với công tác gia công, sản xuất sợi DTY với 9 dây chuyền, doanh thu của VNPoly đã bù đắp được biến phí, đặc biệt là “nuôi” được 190 cán bộ công nhân viên với thu nhập ổn định.

Về công tác tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, từ cuối năm 2019 đến nay VNPoly đã tích cực làm việc với Shinkong Synthetic Fibers Coporation (SSFC). Hai bên đã ký kết hợp đồng nguyên tắc hợp tác gia công sợi DTY. Theo đó, SSFC cung cấp nguyên liệu POY cho VNPoly và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà máy, đồng thời trả chi phí gia công đảm bảo đủ biến phí theo thỏa thuận của hai bên. SSFC sẽ hỗ trợ chuyên gia trong quá trình sản xuất, tạm ứng chi phí bảo dưỡng cho các dây chuyền còn lại chưa đưa vào sản xuất, cải tiến, cải tạo tối ưu hóa hệ thống phân xưởng sản xuất DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Cho đến nay, với sự hỗ trợ tích cực của SSFC, VNPoly đã sẵn sàng vận hành 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY. Trong 12 tháng kể từ ngày chính thức hợp tác vận hành với đối tác, VNPoly sẽ từng bước đưa toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi vào hoạt động và xây dựng phương án vận hành toàn bộ Nhà máy.

Bên cạnh việc vận hành các dây chuyền DTY thì VNPOLY cùng với đối tác đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hợp tác sản xuất kinh doanh cho toàn bộ nhà máy. Bởi vậy VNPoly đang tích cực triển khai rà soát hệ thống máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, tuyển dụng đào tạo, lập kế hoạch sẵn sàng vận hành lại toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi DTY.

Hiện nay, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Đài Loan, lô sợi DTY đầu tiên của sự hợp tác giữa VNPoly và SSFC đã được hoàn thành.

Có thể thấy rằng, những thành công ban đầu trong việc sản xuất kinh doanh 9 dây chuyền sản xuất sợi DTY của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã một lần nữa khẳng định trên thực tế rằng, toàn bộ hệ thống thiết bị, máy móc cũng như con người của VNPoly đủ năng lực và chất lượng sản xuất kinh doanh có lợi nhuận. Đây cũng chính là cơ sở xây dựng phương án hợp tác lâu dài, từng bước thu hồi vốn cho các cổ đông tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.      

Khẩn trương phòng vệ thương mại đối với sợi DTY

Thời gian qua do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mặt hàng dệt may, đặc biệt là xơ sợi tổng hợp Trung Quốc đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia trung chuyển. Để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất sợi Việt Nam, VNPoly đã cùng với hai đơn vị thu thập chứng cứ, khởi kiện các doanh nghiệp nhập khẩu phá giá mặt hàng xơ sợi tổng hợp.

Theo thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định số 1079/QĐ-BCT ngày 6/4/2020 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Vụ việc cụ thể như sau, vào ngày 7/11/2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm sản phẩm sợi dài làm từ polyester có các mã HS 5402.33.00, 5402.46.00 và 5402.47.00 (Hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Cộng hòa Ấn Độ (Ấn Độ), Cộng hòa Indonesia (Indonesia) và Malaysia (Malaysia - Hồ sơ yêu cầu).

Bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất trong nước, gồm 3 công ty là Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Industries và Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ.

Ngày 22/11/2019, Cục PVTM có công văn số 1056/PVTM-P1 đề nghị Bên yêu cầu bổ sung, làm rõ một số nội dung trong Hồ sơ yêu cầu. Trong các ngày 31/12/2019 và ngày 9/1/2020, Cục PVTM nhận được hồ sơ bổ sung, làm rõ các thông tin của Bên yêu cầu.

Căn cứ Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (Nghị định 10/2018/NĐ-CP), ngày 21/01/2020, Cơ quan điều tra có công văn số 45/PVTM-P1 xác nhận Hồ sơ yêu cầu đã hợp lệ và đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 28 Nghị định 10/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, Cơ quan điều tra đã có thư gửi Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia tại Việt Nam thông báo về việc nhận được hồ sơ đề nghị đầy đủ và hợp lệ.

Cục PVTM xác định rằng: Bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đáp ứng yêu cầu về tính đại diện cho ngành sản xuất trong nước; có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước; cơ quan điều tra đã tham vấn ý kiến chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan về phạm vi sản phẩm và thông tin về ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương về trình tự, thủ tục điều tra vụ việc phòng vệ thương mại và Điều 79 Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ...

Như vậy, việc Bộ Công Thương tiến hành điều tra việc bán chống phá giá đối với các sản phẩm sợi Filament từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Malayxia sẽ ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường VN, tạo cho thị trường cạnh tranh lành mạnh, môi trường tốt cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển. Hơn thế nữa để đáp ứng các hiệp định CPTPP, EVFTA thì bắt buộc Việt Nam phải sản xuất và cung cấp được từ sợi (đối với CPTPP) và từ vải (đối với EVFTA) thì các sản phẩm dệt may Việt Nam mới được hưởng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do nên trên. Quan trọng nhất là từ nay đã có tiền lệ và Việt Nam sẽ có thể áp dụng biện pháp chống phá giá, gia hạn thuế chống phá giá đối với các sản phẩm xơ sợi tổng hợp trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương đã có quyết định chính thức điều tra chống bán phá giá mặt hàng sợi dài (DTY) vào lãnh thổ Việt Nam từ ngày 6/4/2020.

Nguồn: PetroTimes

Quảng cáo sản phẩm