Xoay xở tìm hợp đồng mới

08/01/2009 12:00 - 1101 lượt xem

    Đối tác từ các thị trường lớn như Mỹ, EU... đang tiếp tục cắt giảm mạnh đơn hàng nhập khẩu, nhưng trong tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp VN vẫn tiếp tục xoay xở ký hợp đồng mới để duy trì hoạt động, giữ người lao động. Tình hình trên đang xảy ra phổ biến ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, đồ gỗ...

Chốt giá mức nào?

Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Savimex, đến thời điểm hiện nay tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu quý 1-2009 đã đạt khoảng 3,5 triệu USD, gồm các mặt hàng nội thất, bàn ghế học sinh... Tuy nhiên, để đạt con số trên vài tháng qua ông Vũ đã phải xoay xở đủ kiểu với khách hàng chỉ một vấn đề duy nhất: chốt giá ở mức cạnh tranh nhất để có được hợp đồng. “Chưa bao giờ chúng tôi lại đối mặt với khó khăn đến vậy. Đặc biệt, sự khó khăn này tác động dây chuyền đến cả khách hàng chứ không riêng gì những người nhận hợp đồng như chúng tôi”, ông Vũ chia sẻ. Ước tính chỉ riêng đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Savimex hiện đã tụt giảm 30-40%.

Tương tự, ông K. - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giày A, đơn vị có gần 1.000 công nhân - cũng trong tâm trạng hết sức lo lắng. Những ngày đầu năm 2009 này, toàn bộ công nhân trong công ty đang tất bật cho hợp đồng xuất khẩu 200.000 đôi giày vải và dép sang châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, ông K. cho biết đây là một trong những hợp đồng còn sót lại của năm 2008, sắp tới ra sao vẫn đang tiếp tục... xoay. “Thông thường tháng 1 hằng năm là tôi đã có được hợp đồng của năm tháng đầu năm. Còn bây giờ tháng nào biết tháng đó...”, ông K. tâm sự.

So sánh với đơn đặt hàng mọi năm, thời điểm này đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ của Công ty A đã giảm khoảng 35%, còn khách hàng từ châu Âu thay vì chốt giá hiện vẫn trong tình trạng dọ giá. Thậm chí có khách trước đó đã chốt xong số lượng đặt hàng nhưng đến giờ chót vẫn hủy.

Bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Tổng công ty Phong Phú, thừa nhận: “Ký được hợp đồng với khách hàng Mỹ thời điểm này rất “chua”, bởi phần lớn họ đều muốn giá rất rẻ đồng thời đòi hỏi chất lượng thật cao”. Bà Hương cho hay mặc dù đã ký được đơn hàng xuất khẩu xấp xỉ 4 triệu USD trong quý 1-2009, nhưng đơn giá hợp đồng buộc phải hạ ít nhất 8-10% so với trước.

Mở rộng thị trường truyền thống

Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), trong tình hình hiện nay phần lớn doanh nghiệp ngành may vẫn duy trì được việc làm cho người lao động, dù đơn hàng đã giảm ít nhất 30% so với trước đó. “Tình cảnh khó khăn thật sự của năm 2009 có thể từ cuối quý 1 khi thời điểm giao hàng xuân hè chấm dứt, bắt đầu chuyển sang làm hàng cho mùa vụ thu đông”, ông Kiệt nói. Bởi khi đó các nhà nhập khẩu sẽ chính thức chốt lại tổng giá trị đơn hàng cho mùa hàng giao cuối năm.

Để đối phó với những khó khăn sắp tới, bà Phạm Minh Hương cho biết tổng công ty đang chuyển hướng sang những thị trường còn khả năng mở rộng. “Từ giữa năm 2008 khi nhận thấy dấu hiệu của Hiệp định kinh tế Việt - Nhật tiến triển theo chiều hướng thuận lợi, chúng tôi đã đẩy mạnh khai thác vào thị trường này”.

Ngoài ra, khi nhận thấy khách hàng từ EU có dấu hiệu e dè về chất lượng mặt hàng khăn dệt từ Trung Quốc, Phong Phú đã chủ động liên hệ đặt quan hệ mới với khách để chào thử sản phẩm. Kết quả là trong đơn hàng của quý 1-2009, số lượng hàng giao cho thị trường Nhật, EU tăng vọt, đơn giá hợp đồng vẫn duy trì được mức tương đối, kéo lại phần nào đơn hàng lẫn giá hợp đồng đang sụt giảm mạnh từ thị trường Mỹ.

Với Savimex, ông Nguyễn Hoàng Vũ cho biết trong khi một số thị trường khác sụt giảm thì thị trường Nhật - vốn là thị trường truyền thống lâu nay của công ty - vẫn duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng để giữ chân đối tác trong tình hình hiện nay, ngoài việc duy trì chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng thì mức giá phải hết sức cạnh tranh, đặc biệt là những đối tác ở các thị trường truyền thống.
Dẫn chứng khách ruột của Savimex là các đối tác Nhật, ông Vũ cho biết “chỉ cần lô hàng xuất có một sơ suất nhỏ là coi như... lên đường”. Trong khi đó với khách hàng đến từ Mỹ, chỉ cần chất lượng lô hàng không đồng đều, thời gian giao hàng chậm cũng coi như xong vì “nhà nhập khẩu Mỹ không chỉ muốn hàng giá rẻ, chất lượng cao mà còn dễ dứt áo ra đi nhất trong tình thế khó khăn hiện nay, rõ ràng nhà sản xuất đang cần họ hơn” - ông Vũ phân tích.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

 

Quảng cáo sản phẩm