Xuất khẩu 2017: Cơ hội đến từ RCEP không nhiều

09/02/2017 12:00 - 2889 lượt xem

Những tác động tích cực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tới xuất khẩu của Việt Nam không được kỳ vọng nhiều như đã từng có đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mặc dù vậy, nếu khai thác tốt các hiệp định tự do thương mại đã ký kết với các đối tác như ASEAN, Hàn Quốc, EU... thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong năm 2017.

2016: xuất nhập khẩu đều tăng chậm
Nhìn chung, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 không có nhiều điểm sáng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 176 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 8,6% so với năm 2015. Sở dĩ tốc độ tăng trưởng thấp như trên là do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm (-1,8%), trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%, nhóm hàng nông sản - thực phẩm giảm 3,8%.

Về cơ cấu, trong khi xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI) vẫn tăng khá so với năm trước đó (điện thoại và linh kiện tăng 14,4%, dệt may tăng 3,3%, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,4%...) thì xuất khẩu các mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô lại có xu hướng giảm cả về giá và lượng. Cụ thể, dầu thô giá giảm 36,7% (lượng giảm 24,2%), gạo giảm 21,7% (lượng giảm 25,7%), sắn và sản phẩm từ sắn giảm 24,3% (lượng giảm 10,9%).

Nhìn chung, mặc dù có sự cải thiên nhẹ so với năm 2015, nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu trong năm 2016 vẫn ở mức khá thấp trong vòng sáu năm qua, thể hiện sự khó khăn của kinh tế thế giới vẫn đang có những tác động tiêu cực nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt ở khía cạnh giá các mặt hàng nguyên liệu thô và nông sản. Ngoài ra, một điểm đáng quan ngại là hoạt động xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI (chiếm đến 70%). Điều này sẽ khiến cho Việt Nam luôn ở trạng thái bị động và dễ tổn thương khi các yếu tố ngoại quan thay đổi. Điển hình, vụ sản phẩm Galaxy Note 7 của Samsung bị thu hồi và tạm ngừng sản xuất hồi đầu quí 4-2016 đã phần nào khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện trong năm 2016 thấp hơn hẳn năm 2015 (14,4% so với 30%), qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nói chung (dù mức độ không quá lớn).  

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước đạt 173,3 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 4,6% so với năm 2015 (thấp hơn nhiều mức tăng 12% trong năm 2015). Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2016 đạt 183 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với năm 2015 (vẫn thấp hơn mức tăng 18,9% của năm 2015). Sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng nhập khẩu diễn ra ở cả nhóm hàng tư liệu sản xuất và tiêu dùng (năm 2016 chỉ lần lượt tăng 4,4% và 6,8% so với mức tăng 12,3% và 10,4% của năm 2015). Kim ngạch nhập khẩu tăng ít đi phần nào phản ánh nhu cầu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước năm 2016 có xu hướng chậm lại so với năm 2015.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu như trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu 2,68 tỉ đô la Mỹ trong năm vừa qua. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là mức thặng dư thương mại có được này chủ yếu nhờ nhập khẩu tăng thấp chứ không phải do xuất khẩu khởi sắc. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta với 28 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016 dù mức nhập siêu từ thị trường này đã giảm 15% so với năm 2015. Trong khi đó, nhập siêu từ Hàn Quốc tăng 8%, nhập siêu từ ASEAN tăng 12,5%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu lớn là Mỹ với 29,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,3%.

2017: Cơ hội đến từ các hiệp định thương mại đã ký kết
Xuất khẩu năm 2017 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ (chiếm khoảng 20%) dự kiến vẫn có mức tăng trưởng kinh tế tốt và là đầu tàu của kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, sự đình trệ của Hiệp định TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, đặc biệt đối với mặt hàng dệt may.

Hiện Việt Nam, với tư cách là một thành viên của ASEAN, cũng đang tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định RCEP. Tuy nhiên, cho dù có sớm hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết ngay trong năm 2017 thì RCEP cũng khó có thể thay thế được TPP ở kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam do tình trạng trùng lặp về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước thành viên.

Về cơ bản, các thành viên tham gia hai hiệp định TPP và RCEP khá tương đồng nhau, chỉ khác ở chỗ ngoài ASEAN, Nhật Bản, Úc, New Zealand thì TPP bao gồm thêm Mỹ, Canada, Chile, Peru, Mexico; còn RCEP có thêm Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.
TPP không được thực thi đồng nghĩa với việc Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận sâu hơn với các thị trường ở Bắc Mỹ, trong đó chủ yếu là Mỹ. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 38,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 21,6%. Trong khi đó, RCEP mang đến cho Việt Nam thêm cơ hội tiếp cận các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu sang ba thị trường này là 36 tỉ đô la Mỹ, tương đương tỷ trọng 20,4%. Tuy nhiên, cần lưu ý RCEP là hiệp định thiên về đồng bộ và hài hòa hóa các FTA đã ký giữa ASEAN và các đối tác khác ngoài khối, do vậy ý nghĩa cắt giảm thuế quan trên thực tế đã được thực thi dựa trên các FTA đã có hiệu lực.

Riêng đối với Hàn Quốc thì Việt Nam cũng đã có một FTA song phương, trong đó nhiều dòng thuế đã được cắt giảm. Thêm vào đó, đối với các đối tác trong RCEP, Việt Nam phần nhiều ở vị thế nhập siêu, đặc biệt đối với Trung Quốc (khác với việc Việt Nam luôn có thặng dư với Mỹ trong TPP). Vì vậy, có nhiều nguy cơ Việt Nam sẽ gia tăng nhập siêu nếu RCEP được thực hiện.  
Vì những lý do trên, những tác động tích cực của RCEP tới xuất khẩu của Việt Nam không được kỳ vọng nhiều như đã từng có đối với Hiệp định TPP. Mặc dù vậy, nếu khai thác tốt các hiệp định tự do thương mại đã ký kết với các đối tác như ASEAN, Hàn Quốc, EU... thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Nguồn: Báo Hải quan
Quảng cáo sản phẩm