Xuất khẩu gạo VN năm thứ 20: Thiếu chiến lược đúng tầm

11/05/2009 11:36 - 1009 lượt xem

Tính đến 26/4/2009, các DN đã xuất khẩu 2,201 triệu tấn gạo với giá bình quân 406,73 USD/tấn trong khi đó chỉ tiêu XK gạo cả năm chỉ là 4,5 - 5 triệu tấn.
Đạt kỷ lục rồi... lo và lấn cấn
Tổng Thư ký VFA cho biết: Tổng lượng gạo XK đến hết tháng 4/2009 sẽ là 2,285 triệu tấn, đạt trị giá FOB 930 triệu USD (CIF 1,049 tỷ USD), tăng 65,4% về lượng và 55% về trị giá FOB (tăng 61,6% trị giá CIF) so với cùng kỳ 2008.  
Tính chung 4 tháng, giá XK bình quân đạt 415 USD/tấn có tăng so với các lô hàng đã xuất (406,73 USD/tấn) nhưng vẫn thấp hơn 75 USD/tấn so với cùng kỳ.  
Riêng tháng 4/2009, nếu cộng thêm số lượng gạo đang xuống tàu của tuần cuối tháng này, sản lượng gạo XK cả tháng 4 sẽ đạt 700.000 tấn, vượt qua mức kỷ lục 644.000 tấn của tháng 3.  
Số lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu tiếp đến ngày 30/6/2009 còn 1,484 triệu tấn gạo nữa.  
“Đó là chưa kể một đơn vị phía Bắc vừa ký thêm 200.000 tấn nữa” - Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong bổ sung.
Tình hình này dẫn đến khả năng phải kiến nghị Thủ tướng mở rộng thêm sản lượng XK đã “gút lại” hồi đầu năm (4,5-5 triệu tấn).
Điều đáng quan ngại hơn là số lượng gạo đã đăng ký XK và ủy thác XK cả năm, theo thống kê của VFA ngày 26/4, đã lên đến trên 5 triệu tấn, tức là đã vượt hơn 240.000 tấn so với kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2009.
Theo cách lý giải của VFA, rút kinh nghiệm 6 tháng cuối năm 2008, tiến độ ký kết hợp đồng và giao hàng chậm đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa cho nông dân, tồn kho DN lớn, nên ngay từ quý IV/2008, Thường trực VFA đã chủ động giao dịch các hợp đồng tập trung (HĐTT) số lượng lớn với Philippines, Malaysia và Cuba.  
Đồng thời, vào đầu năm 2009, VFA đã điều hành linh hoạt để đẩy mạnh XK, tiêu thụ hết luá gạo tồn kho của DN và chuẩn bị thị trường, tiêu thụ kịp thời lúa hàng hóa vụ đông-xuân, bảo đảm giá tốt cho nông dân.  
Nhưng cũng do điều hành linh hoạt nên tiến độ ký kết hợp đồng XK tăng nhanh, vượt mức cân đối.  
Vì thế, ngày 20/2/2009, VFA ban hành Thông báo  yêu cầu doanh nghiệp “giãn” ký hợp đồng mới và “chỉ đăng các hợp đồng XK gạo từ tháng 7/2009”.
Khi chiếc barie này hạ xuống, có tới 350.000 tấn gạo (riêng Cty Du lịch-Thương mại Kiên Giang - KTC - có 130.000 tấn) bị “lọt sổ” trong kế hoạch giao hàng đến 30/6/2009.  
TGĐ KTC Nguyễn Hùng Linh cho rằng: “Đinh ninh là 53.500 tấn gạo tại các hợp đồng của KTC đã ký từ 10-18/2 (giao hàng tháng 3,4) nằm trong kế hoạch XK 6 tháng đầu năm của VFA, nên sau khi đã trao đổi với Chủ tịch VFA, KTC khẩn trương chuẩn bị giao hàng...”. “Sự cố” vì thế, đã xảy ra.
Trừ 53.500 tấn gạo của KTC hiện đang xuống tàu, số gạo còn lại hơn 290.000 tấn của nhiều DN địa phương khác; tuy được cuộc họp VFA mở rộng ngày 27/4 đã mổ xẻ, phân tích nhưng vẫn bỏ ngỏ kết luận cuối cùng.  
Vì thế, Chủ tịch VFA tái khẳng định: “Tiếp tục thực hiện điều hành XK gạo với 3,5 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm. Còn tình trạng mất cân đối về chỉ tiêu XK thì cần báo cáo lên trên”. Cũng tại cuộc họp này, VFA cũng thống nhất mời thêm một số quan chức ở các tỉnh có sản lượng lúa lớn tham gia Tổ điều hành XK gạo.
Để XK gạo vững bền
Năm ngoái, sự cố “tạm ngưng đăng ký hợp đồng XK chứ không ngưng XK”, làm mất mát nặng nề về cơ hội thị trường đang thuận về giá. Năm nay lại xảy ra sự cố 53.500 tấn gạo của tỉnh có sản lượng lúa gạo thứ 2 cả nước đã khiến chuyên gia lo lắng.
Với quan điểm của một DN, TGĐ Angimex Cao Minh Lãm, bày tỏ chính kiến: “Từ năm 1988, ta đã xuất khẩu gạo cho Cuba; đến nay đã 20 năm nhưng năm nào cũng có chuyện vì không có chiến lược rõ ràng. Vào WTO rồi, an ninh lương thực phải có chiến lược quốc gia để chúng ta hành động cho đúng. Ông Lãm còn cho rằng: “Trong chiến lược XK gạo phải xác định đâu là mục tiêu số 1? Nếu an ninh lương thực là số 1 thì giao nhiệm vụ (trọng trách-PV) cho tổng công ty nhà nước; từ đó phân chia chỉ tiêu cho các DN địa phương thực hiện. Nếu nông dân là số 1 thì xác định ưu tiên lợi nhuận (30, 40, hay 50%) cho nông dân. Từ đó, việc kinh doanh của các khâu sẽ vận hành theo để nông dân, nông thôn phát triển vững bền”.
Phó chủ tịch một tỉnh ĐBSCL có sản lượng lúa hơn triệu tấn/năm cho biết kinh nghiệm của Thái Lan về quản lý điều hành XK hàng chục triệu tấn gạo là rất đáng suy gẫm.  
Từ năm 2003, Chính phủ Thái có hẳn một cơ quan đại diện chăm lo an ninh lương thực.  
Theo đó, mỗi kỳ thu hoạch, cơ quan này làm đầu mối mua hết lúa hàng hóa trong dân với giá cao hơn thị trường theo các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao.  
Trên cơ sở chỉ tiêu XK do Chính phủ đã cân đối (có tính đến an ninh lương thực và các hoạt động chế biến khác); cơ quan đại diện Chính phủ đứng ra tổ chức cho DN XK gạo đấu thầu. DN muốn XK có hiệu quả, trước khi tham gia đấu thầu đã phải chuẩn bị sẵn khách hàng.
Trong chỉ tiêu XK đã ấn định và không thay đổi, DN thỏa sức “khoe tài” kinh doanh của mình. Cách làm đó không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn tránh triệt để những hiện tượng “thái quá”, hoặc “bất cập” như đã từng xảy ra trong hoạt động XK gạo VN nhiều năm qua.
 
Nguồn: http://cafef.vn
Quảng cáo sản phẩm