Xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ: Chiến lược cạnh tranh và đối tác.

13/03/2009 08:58 - 1266 lượt xem

Muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ những mặt hàng không khác so với hàng đang được tiêu thụ trên thị trường mà không chứng minh được với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ khả năng cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng, và đảm bảo thời gian giao hàng ít nhất như các bạn hàng hiện có của họ thì rất khó có hy vọng thâm nhập được thị trường này....

Các doanh nghiệp Việt Nam là những người đến sau tại thị trường Hoa Kỳ. Nếu muốn xuất khẩu vào Hoa Kỳ những mặt hàng không khác so với hàng đang được tiêu thụ trên thị trường mà không chứng minh được với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ khả năng cung cấp ổn định về sốlượng và chất lượng, và đảm bảo thời gian giao hàng ít nhất như các bạn hàng hiện có của họ, và nếu giá của Việt Nam không rẻ hơn giá nhập khẩu hiện hành thì các doanh nghiệp Việt Nam rất khó có hy vọng thâm nhập được thị trường này.

Hiện nay, đối với nhiều mặt hàng, đáp ứng các yêu cầu trên là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu do:

-Qui mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp thuần Việt Nam là nhỏ hoặc thậm chí manh mún. Nhiều doanh nghiệp lệ thuộc vào nhập khẩu hoặc thậm chí gia công. Những hạn chế và khó khăn này cộng với quản lý yếu kém dẫn đến giá thành sản xuất cao và khó đảm bảo cung cấp ổn định về số lượng và chất lượng, và thời gian giao hàng.

-Giá thành nhập khẩu một số mặt hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ kém cạnh tranh một phần do hàng Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn so với hàng nhập từ các nước có ưu đãi thương mại đặc biệt với Hoa Kỳ.

-Cước phí và thời gian vận tải hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cao hơn và dài hơn so với từ nhiều nơi khác.

Đối với những mặt hàng khó cạnh tranh bằng giá và số lượng thì cạnh tranh bằng tính độc đáo và khác biệt của sản phẩm để thâm nhập vào các thị trường ngách (niche market) có thể là chiến lược mà các doanh nghiệp Việt Nam phải lựa chọn. Các doanh nghiệp cần phải tập trung đầu tư để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh nổi bật của Việt Nam hiện nay là những lao động rẻ, khéo tay và dễ đào tạo nhằm tạo ra những mặt hàng độc đáo khác với những sản phẩm đang tiêu thụ trên thị trường, nhất là những mặt hàng đòi hỏi tay nghề cao và có giá trị gia tăng tương đối cao để cạnh tranh xuất khẩu nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng.

Hiện nay, Việt Nam đang nói nhiều đến xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu để vươn tới mạng lưới bán buôn và bán lẻ Hoa Kỳ. Biện pháp này có thể vẫn là duy y chí ít nhất tại thị trường Hoa Kỳ và Tây Âu trong vòng ít nhất 5-10 năm tới. Lý do chính bao gồm:

Thứ nhất: Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa có khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm có quyền sở hữu trí tuệ riêng của mình phù hợp với thị hiếu tiêu thụ. Qui mô sản xuất nhỏ. Chất lượng chưa ổn định.

Thứ hai: Để có thể xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng không thể không tiến hành các chiến dịch quảng cáo liên tục dài hạn trên diện rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng (nói một lần không tin, nói nhiều lần sẽ tin). Điều kiện tài chính khó khăn hiện nay chưa cho phép các công ty Việt Nam làm việc này. Quảng cáo mẫu khổ A4 in trên báo Wal Street Journal giá là 30.000-35.000 USD/số.

Trong điều kiện đó, hướng đi phù hợp nhất trong vòng 5 năm tới để tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam là tổ chức lại sản xuất để có thể cạnh tranh trở thành các nhà sản xuất theo hợp đồng cho các công ty nước ngoài trong đó có các công ty Hoa Kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang phát triển theo hướng này.

Hiện nay, trên thế giới và Hoa Kỳ có rất nhiều công ty bán buôn, bán lẻ, phân phối, hoặc kinh doanh thương mại chuyên bán các sản phẩm do các công ty khác sản xuất (Tiếng Anh gọi chung là: Original Equipment Manufacturer – OEM). Tuy được gọi là Original Equipment Manufacturrer song các công ty này thực tế không sản xuất mà chỉ bán hàng đến người tiêu dùng. Những hàng hoá họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế sau đó đặt sản xuất hoặc do chính các nhà sản xuất thiết kế.

Trong hầu hết các trường hợp OEM không thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm mà chỉ gắn thương hiệu của họ trên sản phẩm. Việc gắn thương hiệu của OEM trên sản phẩm có thể do nhà sản xuất tiến hành hoặc do bản thân OEM tiến hành. Trong một số ít trường hợp, các OEM có thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, bản thân các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cũng đặt gia công hàng hoá và dịch vụ ở nước ngoài thay vì cho sản xuất tại cơ sở của mình ở trong nước. Hình thức kinh doanh này (tiếng Anh gọi là outcoursing) đang rất phát triển ở Hoa Kỳ. Để góp phần đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất đến năm 2010 mỗi năm 6 tỷ Đôla, mới đây, Công ty ôtô Ford của Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi trị giá linh kiện ôtô mua từ Trung Quốc, mỗi năm khonảg 2,3 – 3 tỷ USD. Hiện nay, nhiều hàng hoá ở Hoa Kỳ có ghi dòng chữ “Assembled in USA” (lắp ráp tại Hoa Kỳ) thay cho “Made in USA” (sản xuất tại Hoa Kỳ).

Để đáp ứng nhu cầu của OEM  và các nhà sản xuất có nhu cầu outsouring như vừa nói, trên thế giới hiện nay không thiếu các công ty chuyên sản xuất hàng theo hợp đồng cho các công ty khác (Contract Manufacturer), trong đó có những công ty lớn với doanh số hàng năm tới hàng tỷ USD.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi chưa tự nghiên cứu và phát triển được sản phẩm và chưa có đủ năng lực tài chính để xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng thì cách đi phù hợp nhất hiện nay là tận dụng lao động rẻ và khéo tay trong nước, tổ chức lại sản xuất hợp lý và hiệu quả để trở thành nhà sản xuất chiến lược theo hợp đồng cho các OEM và các công ty có nhu cầu outsourcing theo đề tài và mẫu/mốt hoặc thương hiệu của họ. Bước tiếp theo là tự thiết kế và sản xuất sản phẩm chào bán cho các OEM với thương hiệu của họ. Khi sản xuất đã ổn định với qui mô đủ lớn và có tích luỹ tài chính, lúc đó có thể tính đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm riêng của mình. Trước mắt, thay vì cho xây dựng thương hiệu sản phẩm nhắm đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (quảng bá khả năng sản xuất lớn, ổn định về số lượng và chất lượng, giá cả cạnh tranh, đảm bảo thời gian giao hàng…) để thu hút sự hợp tác của các OEM.

Nguồn: http://www.vinanet.com.vn

 

Quảng cáo sản phẩm