Xuất khẩu hàng hóa trên đà hồi phục

24/08/2020 12:00 - 179 lượt xem

Nửa đầu tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, đưa con số xuất siêu cả nước lên 10 tỷ USD. Nửa đầu tháng 8 (1-15/8), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 12,7 tỷ USD; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,8%, tương đương gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,2 tỷ USD, giảm khoảng 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đang dần có dấu hiệu phục hồi, dù diễn biến của dịch bệnh còn nhiều phức tạp. Tính đến trung tuần tháng 8, Việt Nam đạt mức xuất siêu 10 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8/2020), mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

Thực tế hiện nay, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản.

Đơn cử, mới đây nhất, ngày 20/8, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội thảo tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, đây là một sự kiện quan trọng. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa ổn định ở Việt Nam và trên thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy, hơn bao giờ hết, nhu cầu giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như nông sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các DN xuất khẩu Việt Nam.

Bộ Công Thương mong muốn không chỉ đẩy mạnh được xuất khẩu mà còn xây dựng được đội ngũ DN có năng lực sản xuất - kinh doanh, có năng lực đáp ứng được các yêu cầu thị trường nước ngoài. Đồng thời, thông qua Đề án này, có thể kết nối được các nhà phân phối nước ngoài với các địa phương nhằm đưa được sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống của họ.

Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da – giày; tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
 
Quảng cáo sản phẩm