Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại

12/07/2019 12:00 - 521 lượt xem

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5/2019, bởi nước này đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng.


Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực

Tại Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm như Singapore 5 tháng năm 2019 giảm 0,88%%; Thái Lan giảm 2,7%, Ấn Độ chỉ tăng 2,37%; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả khá tích cực cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng cho biết, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ và tiếp tục có tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung. “Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp”, Bộ Công Thương thông tin.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 6,9% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu 10,4% của khối doanh nghiệp trong nước. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo, cao su,... của khối doanh nghiệp trong nước đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cũng theo Bộ Công Thương, khối doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chế biến. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2019 chủ yếu là nhờ vào đà tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ mức 82% của 6 tháng năm 2018 lên 83,5% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn 

Bên cạnh những mặt tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu qua các tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng chưa thực sự bền vững. Cán cân thương mại chưa ổn định. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản được chú trọng cải thiện nhưng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá cả) còn phổ biến,… dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn, một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm, cạnh tranh gia tăng, nhu cầu tiêu thụ chững lại… Theo thống kê, giá xuất khẩu gạo đã giảm tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2018, cà phê giảm 11,7%, cao su giảm 6%.

Bộ Công Thương cũng cho biết, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

         Nguồn: VnMedia.vn
Quảng cáo sản phẩm