Xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2009 sẽ khó khăn hơn

13/02/2009 12:00 - 1174 lượt xem

Năm 2008 mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ thu được những thành công lớn. Đây là một trong những mặt hàng nằm trong top kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, bước sang năm 2009, dự báo xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều năm trước.

Thành công tạo đà cho phát triển

Theo số liệu thống kê chính thức, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt được 93,3% kế hoạch năm. Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam, đạt kim ngạch XK 1,049 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2007 và chiếm 38% tỷ trọng. Như vậy, sản phẩm gỗ xuất sang thị trường Mỹ vẫn khá khả quan.

Hiện nay, kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái sâu đồng nghĩa với việc người dân Mỹ cắt giảm nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn vào các sản phẩm giá rẻ, nhằm cạnh tranh với các đối thủ châu Á khác như Trung Quốc, Malaysia… Về sản phẩm, đến hơn 70% tỷ trọng kim ngạch XK sản phẩm gỗ vào Mỹ là đồ nội thất dùng trong phòng ngủ; tiếp đến là đồ nội thất dùng trong phòng khách, phòng ăn chiếm 15%; đồ nội thất văn phòng chiếm 10%…

Nhật Bản là nhà nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng về kim ngạch trong năm 2008 tăng khá, như vậy, sản phẩm gỗ sang thị trường này đã dần được hồi phục. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Nhật Bản cả năm 2008 đạt 371,7 triệu USD, tăng 21% so cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, kim ngạch XK sản phẩm gỗ sang Nhật Bản trong năm tới đạt khoảng 450 triệu USD, tăng 21% so năm 2008.

Trong năm 2008, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang khối EU cũng đạt khá, đạt 730,15 triệu USD, tăng 15,23% so năm 2007. Trong đó, sản phẩm gỗ xuất sang Anh đạt cao nhất nhưng lại giảm so tháng 12/07; sản phẩm gỗ sang Đức, Pháp, Hà Lan- những thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam- tăng khá; một số thị trường nhỏ nhưng đầy tiềm năng là Thuỵ Điển, Phần Lan, Hy Lạp tăng rất mạnh… Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ sang một số thị trường lại sụt giảm như Bỉ, CH Ai Len…

Để tìm cơ hội cho sản phẩm gỗ xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đã xúc tiến việc xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Đông như Ả Rập, Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất và một số thị trường khác như Nauy, Thái Lan, Nam Phi…

Cần vượt qua những rào cản kỹ thuật

Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2009 phấn đấu đạt 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) năm 2009 cũng là năm mà ngành hàng này sẽ phải chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính do phụ thuộc nhiều vào sức mua và hoạt động mua bán bất động sản. Trong khi đó, dự báo những tháng tới hoạt động mua bán nhà đất cũng sẽ không sôi động, kéo theo nhu cầu đồ gỗ, đồ gỗ gia dụng giảm mạnh. Bộ Công Thương đánh giá, dù thực tế đáng có nhiều khó khăn, song đây là mặt hàng có thị trường lớn, khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu, nếu khắc phục được những hạn chế cơ bản là nguồn nguyên liệu nhập khẩu và khả năng đáp ứng được những đơn hàng lớn thì mặt hàng gỗ sẽ còn gia tăng quy mô xuất khẩu trong thời gian tới. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Nhật Bản, EU (Pháp, Đức) và Mỹ.

Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gố phải đối mặt sắp tới là Đạo luật Nông nghiệp 2008 (Farm Bill 2008) và Lacey của Mỹ và Hiệp định đối tác tự nguyện của EU (có hiệu lực từ năm 2009), thắt chặt hơn việc quản lý nguồn gốc sản phẩm gỗ. Cụ thể, Đạo luật Farma Bill 2008 được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 18/6/2008 với 15 Chương và 600 mục, trong đó có 2 mục có khả năng tác động nhiều nhất đến thương mại với Việt Nam: Mục 8204- ngăn ngừa các hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp và mục 3301- gỗ xẻ từ cây lá kim (gỗ xẻ mềm). Mục 8204 yêu cầu về khai báo thực vật bắt đầu có hiệu lực 180 ngày kể từ ngày ban hành quy định này (tức là khoảng ngày 15/12/2008). Theo đó khi xuất khẩu bất kỳ thực vật nào vào Mỹ các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nộp một bản khai báo khi nhập khẩu bao gồm: tên khoa học (gồm tên chi- genus và loài- species của bất kỳ thực vật nào có trong hàng nhập khẩu; giá trị hàng nhập khẩu và số lượng thực vật trong đó (bao gồm đơn vị đo lường); tên của quốc gia- nơi thực vật đó được đốn hạ, thu hoạch). Đối với sản phẩm thực vật trong đó gồm nhiều loài hoặc có xuất xứ từ nhiều quốc gia, mà không biế chính xác tên loài hoặc tên quốc gia, thì yêu cầu khai báo tên tất cả các loài hoặc các quốc gia có khả năng là đúng…

Ngoài ra Mỹ và EU còn đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải có chứng nhận FSC, một tiêu chuẩn khắt khe và không dễ áp dụng đối với thực trạng trồng rừng tại Việt Nam. Đây là những rào cản kỹ thuật mới do Mỹ và EU dựng lên, trong khi doanh nghiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Myanmar, Lào, Căm pu chia… thường không có nguồn gốc rõ ràng, không đáp ứng các điều kiện của Mỹ và EU đề ra. Các doanh nghiệp cần khắc phục ngay nhược điểm này.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm