Xuất khẩu sang khối EAEU: DN Việt phải biết ‘bảo ban’ nhau

25/07/2017 12:00 - 1381 lượt xem

(Chinhphu.vn) - "Cơ chế ngưỡng" và quy tắc xuất xứ là những điểm mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần đặc biệt lưu ý khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) có hiệu lực bởi chỉ một sự bất cẩn của một DN đơn lẻ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Nói rõ hơn về “cơ chế ngưỡng”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, FTA Việt Nam-EAEU có nguyên tắc về cơ chế mức ngưỡng đối với sản phẩm dệt may và đồ gỗ.

Cụ thể, khi đàm phán, phía đối tác đồng ý đưa thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không yêu cầu quy tắc xuất xứ chặt từ sợi hoặc từ dệt trở đi như các hiệp định khác. Ví dụ, sản phẩm dệt may của Việt Nam ngay lập tức sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất sang EAEU thay vì mức thuế trên 20% khi chưa có Hiệp định này.

Tuy nhiên, phía đối tác lo sợ việc mở thị trường cho dệt may nên đã áp dụng cơ chế mức ngưỡng, tức là nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may sang EAEU tăng gấp 2 lần kim ngạch của 3 năm cộng lại thì họ lập tức khởi động mức ngưỡng. Nếu không kiềm chế thì họ sẽ ngừng ưu đãi và quay trở lại mức thuế cũ.

“DN Việt Nam cần hết sức lưu ý điều này bởi DN Việt làm gì cũng ít khi nhìn nhau, mạnh ai người ấy làm. Nếu cứ “hò” nhau xuất khi đến ngưỡng cảnh báo thì tất cả doanh nghiệp đều thiệt, dẫn tới nguy cơ vỡ đơn hàng, vỡ kế hoạch”, ông Khanh cảnh báo.

Không chỉ đưa ra “cơ chế ngưỡng”, Khối EAEU còn đưa ra nguyên tắc về quy tắc xuất xứ được các chuyên gia nhận định là “còn chặt hơn cả trong TPP” bởi lo sợ DN Việt Nam lợi dụng quy tắc xuất xứ hoặc làm thủ thuật để thay đổi quy tắc xuất xứ.

Theo đó, EAEU chỉ cho phép vận chuyển trực tiếp, không cho phép chia nhỏ lô hàng. Đây sẽ là vấn đề mà các tập đoàn đa quốc gia vướng bởi những tập đoàn này làm theo dây chuyền cung ứng trong khi EAEU yêu cầu vận chuyển trực tiếp (cả công vận chuyển) từ Việt Nam sang Nga thì mới được coi là đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Cùng với đó, phía đối tác còn yêu cầu chặt về chứng nhận xuất xứ buộc DN phải lưu ý vấn đề này, nếu không sẽ bị tạm ngừng ưu đãi khi bị phát hiện có gian lận xuất xứ có hệ thống.

Dẫn chứng, ông Ngô Chung Khanh cho biết, một DN khi xuất khẩu sang Nga tự thực hiện chứng nhận xuất xứ nhưng có thể do thông tin chưa đầy đủ, nghiệp vụ chưa tốt, hoặc có sự chủ quan đưa ra chứng nhận xuất xứ không chính xác và bị hải quan Nga phát hiện. Khi đó, phía đối tác sẽ nhắc nhở lần đầu, nhưng nếu họ tiếp tục phát hiện thì DN này lập tức bị ngừng xuất khẩu.
Thế nhưng, nếu tiếp tục có DN cùng ngành bị phát hiện chứng nhận xuất xứ không chính xác thì cả ngành hàng đó sẽ bị cấm xuất khẩu. “Đây là một trở ngại vô cùng lớn đòi hỏi DN có sự phối hợp để bảo đảm lợi ích cho mình”, ông Khanh nói.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã ký và có hiệu lực. FTA có hiệu lực gần đây nhất là FTA Việt Nam-EAEU có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Hiệp định này được đánh giá có giá trị rất lớn với nền kinh tế bởi tổng dân số của khối liên minh này là gần 200 triệu người, giá trị tổng sản phẩm - GDP hơn 2.200 tỷ USD.

Nguồn: Báo Chính phủ
Quảng cáo sản phẩm