Xuất khẩu và dấu ấn nông nghiệp

08/01/2018 12:00 - 1227 lượt xem

Thành tích xuất khẩu năm 2017 có thể nói rất đáng khích lệ bởi trong bối cảnh xuất khẩu khoáng sản và dầu thô còn gặp nhiều khó khăn thì sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực khác như điện thoại, linh kiện điện tử và đặc biệt là nông nghiệp đã bù đắp lại khoảng trống mà ngành khai khoáng để lại.

Điển hình như ngành hàng thủy sản đã trở lại ấn tượng khi mang về cho đất nước 8,4 tỷ USD (tăng 18,5% so với năm trước), gỗ và nội thất mang lại 7,6 tỷ USD (9,2%), gạo xuất được 2,6 tỷ USD (22,7%), hạt điều thu được 3,5 tỷ USD (23,9%). Nhưng đáng chú ý nhất là mặt hàng rau quả bất ngờ vượt qua “anh cả” dầu thô để đạt giá trị xuất khẩu lên đến 3,5 tỷ USD, tương ứng tăng đến 43,1%.

Đã đến lúc vị thế của ngành nông nghiệp cần được đầu tư nâng cao hơn nữa. Kết quả khả quan trong năm 2017 cho thấy, Việt Nam thực tế có đủ tiềm năng để phát triển một ngành nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao hơn và đóng góp nhiều hơn vào GDP của cả nước so với tỷ lệ còn khá khiêm tốn hiện nay.

Riêng đối với trái cây, kết quả đáng phấn khởi vừa qua đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành này tăng tốc phát triển, nhất là vào các thị trường Mỹ và châu Âu. Một thông tin đáng vui, kỳ vọng sau 10 năm đàm phán, lô hàng vú sữa đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đã được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp (DN), những người nông dân thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Được biết, lô hàng vú sữa được xuất vào Mỹ đã phải đáp ứng được tiêu chuẩn GAP và các bài kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Kiểm dịch thực động vật Hoa Kỳ (APHIS). Nhưng ngược lại, giá bán mỗi kg sản phẩm có chất lượng cao này lên đến 25-30 nghìn đồng và sẽ cao hơn gấp hai lần khi sang đến thị trường Hoa Kỳ.

Hiện rau quả của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường
khó tính như: Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Chi-lê, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mục tiêu mà phân khúc nông sản này đặt ra là thu được 4,5 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2020 và gần gấp đôi vào năm 2030.

Sự trở lại mạnh mẽ của con tôm, con cá cũng là hiện tượng đáng chú ý. Nếu như năm 2016, ngành hàng này gặp quá nhiều thách thức khi đối mặt với hiện tượng hạn hán nghiêm trọng, sự cố môi trường biển miền trung thì trong năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi hơn và quy trình sản xuất chặt chẽ hơn, ngành thủy sản đã mang lại thắng lợi lớn cho cả nước.

Đóng góp lớn nhất vào xuất khẩu thủy sản là mặt hàng tôm với mức tăng trưởng trên 21% khi giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, ngành hàng cá tra đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc... đạt gần 600 triệu USD, lần lượt tăng 16% và 42% so với năm 2016.

Đáng chú ý trong xuất khẩu thủy sản năm 2017 là việc Trung Quốc đã vượt Mỹ trong tốp thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam. Dự kiến thị trường liền kề Việt Nam này sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các năm tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản có chất lượng cao từ người dân nước này tăng mạnh nhờ thu nhập ngày càng cải thiện và khuynh hướng chuyển đổi sang một nền kinh tế tiêu dùng.

Sự lột xác ngoạn mục của ngành nông nghiệp trong năm 2017 nhìn chung là sự kiện rất quan trọng, để từ đó khuyến khích thêm nữa việc tham gia đầu tư của các tập đoàn hàng đầu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tất nhiên, trong bối cảnh một số thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu... có xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại, chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra... thì mục tiêu xuất khẩu trong năm nay chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, năm 2018 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành với các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng ngành đạt khoảng 2,8 - 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 36-37 tỷ USD...

Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các ban, ngành, lãnh đạo các địa phương trong việc xóa bỏ các rào cản kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động, tích cực quảng bá, tìm kiếm và đưa tin kịp thời về chính sách các thị trường mới để giúp các DN hạn chế bớt rủi ro. Một định hướng quan trọng khác là Nhà nước cần giữ ổn định hay giảm thêm lãi suất tín dụng để tăng cường năng lực tài chính cho các DN...

Về phần mình, các DN trong ngành phải chú trọng hơn nữa đến công tác xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại và hoàn thiện chuỗi sản xuất đến phân phối để cải thiện hiệu quả kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế
Nguồn: Báo Nhân dân
Quảng cáo sản phẩm